Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ bảy, 20/04/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Một số điểm mới cơ bản của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

Thứ hai, 15/11/2021 3623 lượt xem

Ngày 19/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nghị định này gồm có có 4 Chương, 44 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 01 năm 2020. Nghị định 91 thay thế cho Nghi định 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ (Nghị định 102).

 

Phòng Tư pháp huyện xin được giới thiệu một số điểm mới cơ bản của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP:

1. Về bố cục của Nghị định

 

Nghị định 91/2019/NĐ-CP có 4 chương, 44 điều tăng 6 điều so với Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ.

 

2. Về đối tượng áp dụng

 

Nghị định 91/2019/NĐ-CP chia làm 2 nhóm đối tượng, đó là: 

 

Hộ gia đình, cộng đồng dân cư; cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (sau đây gọi chung là cá nhân); 

 

- Tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở tôn giáo (sau đây gọi chung là tổ chức).

 

Như vậy, ở Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì cơ sở tôn giáo đã được đưa vào nhóm tổ chức chứ không tách riêng thành đối tượng áp dụng như Nghị định 102/2014/NĐ-CP (điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định 91/2019/NĐ-CP)

 

3. Về giải thích từ ngữ

 

- Nghị định 91/2019/NĐ-CP đã mở rộng và nêu cụ thể hành vi lấn đất, theo đó: Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới  hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép. (khoản 1 Điều 3)

 

- Đối với hành vi chiếm đất, bên cạnh việc kế thừa quy định của Nghị định 102/2014/NĐ-CP, Nghị định 91/2019/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp chiếm đất đó là:  Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây (khoản 2 Điều 3)

 

+ Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;

 

+ Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;

 

+ Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);

 

+ Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

 

- Đối với trường hợp Sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP bổ sung thêm “trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp”.

 

- Bổ sung giải thích từ ngữ đối với hành vi hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm  chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc  giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định (Điều 3)

 

4. Về thời hiệu xử phạt Vi phạm hành chính

 

Nghị định đã bổ sung quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 2 năm và xác định rõ hành vi đang thực hiện và hành vi đã kết thúc để tính thời hiệu xử phạt (khoản 1 Điều 4)

 

- Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ  thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

 

- Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.

 

- Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính  đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đến thì thời hiệu xử phạt là 02 năm và cách tính thời hiệu tương tự như trên đến thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

 

5. Hình thức xử phạt

 

- Về hình thức xử phạt bổ sung: Ngoài việc ghi nhận lại hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 06 tháng đến 09 tháng hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 09 tháng đến 12 tháng. Nghị định 91/2019/NĐ-CP còn bổ sung hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất (Điểm a khoản 1 Điều 5)

 

- Về biện pháp khắc phục hậu quả: Ngoài việc ghi nhận lại các biện pháp khắc phục hậu quả đã được quy định tại Nghị định số 102/2014/NĐ-CP; Nghị định số 91/2019/NĐ-CP còn bổ sung thêm các biện pháp, như:

 

+ Đối với biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm: Nghị định 91/2019/NĐ-CP đã giao cho UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm.

 

+ Bổ sung biện pháp buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất.

 

+ Buộc sử dụng đất đúng mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất…

 

6. Bổ sung điều khoản xác định số lợi bất hợp pháp

 

Nghị định số 91/2019/NĐ-CP  đã hướng dẫn cụ thể công thức tính số lợi bất hợp pháp do vi phạm hành chính có được (Điều 7).

 

- Trường hợp sử dụng đất sang mục đích khác mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép quy định tại các Điều 9, 10, 11, 12 và 13 của Nghị định này thì số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm được xác định bằng giá trị chênh lệch của loại đất trước và sau khi vi phạm tính trên diện tích đất đã chuyển mục đích sử dụng đất trong thời gian vi phạm (kể từ thời điểm bắt đầu chuyển mục đích sử dụng đất đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính).

 

- Trường hợp sử dụng đất do lấn, chiếm quy định tại Điều 14 của Nghị định này thì số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm được xác định bằng giá trị của phần diện tích đất lấn, chiếm trong thời gian vi phạm (kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất lấn, chiếm đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính), tính theo giá đất cụ thể bằng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất đối với loại đất đang sử dụng sau khi lấn, chiếm tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.  

 

- Trường hợp chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ điều kiện trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18, khoản 3 Điều 19, khoản 1 Điều 22, Điều 25, khoản 3 Điều 27 của Nghị định này được xác định bằng giá trị chuyển quyền sử dụng đất thực tế theo hợp đồng đã ký, tính trong thời gian đã chuyển quyền, nhưng không thấp hơn giá trị tính theo giá đất cụ thể bằng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.

 

- Trường hợp cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất không đủ điều kiện trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18, khoản 2 và 4 Điều 19, Điều 20, khoản 2 Điều 27 của Nghị định này được xác định bằng giá trị cho thuê, cho thuê lại đất thực tế theo hợp đồng đã ký, tính trong thời gian đã cho thuê, cho thuê lại đất, nhưng không thấp hơn giá trị tiền thuê đất tính theo đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm theo quy định của pháp luật tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhân (x) với diện tích đất cho thuê, cho thuê lại (x) với số năm đã cho thuê, cho thuê lại (trong đó giá đất xác định cụ thể bằng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất).

 

- Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở quy định tại Điều 21 của Nghị định này được tính bằng giá trị chênh lệch giữa tiền sử dụng đất mà chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khi được giao đất (đối với diện tích đã phân lô, bán nền) và giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế của chủ đầu tư theo các hợp đồng đã ký sau khi đã trừ chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng (nếu có).

 

- Trường hợp bán tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm mà không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này được xác định bằng giá trị khấu hao tài sản trong thời gian đã mua bán (tính theo giá trị của tài sản ghi trong hợp đồng mua bán đã ký). Thời hạn sử dụng của tài sản để tính khấu hao được xác định theo quy định của pháp luật đối với loại tài sản đã mua bán.

 

- Trường hợp cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm mà không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 24 của Nghị định này thì được xác định bằng giá trị cho thuê tài sản thực tế theo Hợp đồng đã ký, tính trong thời gian đã cho thuê (kể từ ngày cho thuê đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính).

 

- Trường hợp chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê, cho thuê lại đất, bán hoặc cho thuê tài sản gắn liền với đất quy định tại Nghị định này mà đã nộp thuế thu nhập từ việc giao dịch đó thì số lợi bất hợp pháp được xác định bằng số lợi tính theo quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này trừ (-) đi số tiền thuế thu nhập đã nộp.

 

- Số năm vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này đối với trường hợp có lẻ ngày, tháng thì số ngày, tháng lẻ đó được quy đổi một ngày bằng 0,0028 năm.

 

7. Bổ sung cách xác định diện tích đất vi phạm

 

- Trường hợp vi phạm toàn bộ diện tích thửa đất thì xác định theo diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất.

 

- Trường hợp vi phạm toàn bộ diện tích thửa đất  không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà đã có bản đồ địa chính thì sử dụng bản đồ địa chính để xác định; trường hợp không có bản đồ địa chính mà có bản đồ khác  đã, đang sử dụng quản lý đất đai tại địa phương thì sử dụng bản đồ đó để xác định…

 

Trên đây là một số điểm mới cơ bản của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Hy vọng rằng với các quy định khá cụ thể và chi tiết, hoạt động quản lý nhà nước về đất đai nói chung và hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nói riêng trong thời gian tới trên địa bàn huyện sẽ có những chuyển biến tích cực./.

 

Phòng Tư pháp huyện Kim Sơn

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1443578

Trực tuyến: 29

Hôm nay: 734