Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ ba, 19/03/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Bún mọc Kim Sơn – một lần nhớ mãi

 

Kim Sơn là vùng ven biển, có địa thế đặc biệt: “Đất – người – sông ngòi quấn  quýt bên nhau”, trong văn hóa ẩm thực của người dân “đất mở” có một món ăn mang đậm diện mạo của vùng đất này, đó là “Bún mọc” – món ăn mà người con Kim Sơn đi đâu cũng nhớ về, những thực khách nơi xa thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi không quên.

 

Không biết từ khi nào, bún mọc đã trở thành món ăn không thể thiếu trong đời sống ẩm thực của người Kim Sơn. Bát bún bốc khói nghi ngút, sợi bún trắng ngần cùng với những viên mọc tròn mọng, giòn tan, thả trong bánh nước sánh đầy mang vị ngọt của xương hầm giống như những dòng sông, bờ kênh uốn lượn bên những mảnh đất phù sa màu mỡ. Chỉ cần nếm một chút nước dùng, ta cũng có thể cảm nhận được cái vị ngọt của hương đồng gió nội, cái nồng nàn ấm áp của bàn tay khéo léo con người Kim Sơn.

 

Để làm ra được 1 bát bún mọc đủ vị béo ngậy của xương hầm, vị thanh thanh của bún gạo cũng lắm công phu. Ông Phan Phúc Hưng - gia đình đã có 40 năm làm nghề, cha truyền con nối, hiện đang cung cấp bún tươi cho khoảng 50 cửa hàng lớn nhỏ, bán buôn, bán lẻ trên địa bàn cho biết: Gạo làm bún là gạo ngon, sau khi thu hoạch sẽ được để khoảng vài tuần cho gạo khô hơn, sau đó xay thành bột cho thật nhuyễn. Bột gạo được đem ngâm để đỡ đi độ chua. Trước kia, người ta thường dùng tảng đá thật to để ép bột gạo cho chảy hết nước chua và lọc qua một chiếc khăn trắng sạch. Tuy nhiên, bây giờ việc xay gạo, ép bột đã nhàn hơn vì có sự thay thế của máy móc. Bột thành phẩm được tạo sợi và cho vào nồi nước đang sôi. Khi nào sợi ngả màu trắng, nhìn như hạt cơm chín thì vớt ra cho vào nồi nước lạnh. Sau đó để ráo trên mặt sàng cho tới khi khô là kết thúc quá trình làm bún.

Sợi bún trắng ngần, dai, giòn đặc trưng chỉ ở Kim Sơn mới có

 

Thành phần thứ 2 tạo nên sự thơm ngon của bát bún mọc Kim Sơn, đó là những chiếc mọc trắng giòn. Làm mọc đặc biệt phải dùng thịt lợn ngon, phần thịt mông lọc hết gân, mỡ cho vào máy xay thật nhuyễn, cho thêm gia vị như nước mắm, hạt tiêu, mì chính. Cách làm chuẩn chỉ nhất là bỏ những viên mọc thành hình lên lá chuối phết mỡ, để mọc có mùi thơm của lá chuối, sau đó bỏ vào nồi nước đang sôi từ 7-10 phút, khi nào thấy mọc chuyển từ màu đỏ sang màu trắng là mọc đã chín. Để phù hợp với nhu cầu của thực khách, chiếc mọc thịt thông thường ngày nay đã được thêm vị mộc nhĩ, nấm hương, cho thêm sụn, tạo cảm giác giòn sần sật hay thêm trứng, mang tới cảm giác mới mẻ trong bát bún mọc đã có truyền thống lâu đời.

 

Vị ngon của bát bún mọc Kim Sơn đó phải kể đến nước dùng, theo chị Trần Thị Sơn – chủ cửa hàng bún mọc Tố Như – thương hiệu bún mọc nổi tiếng của Kim Sơn thì nước dùng bún được ninh từ xương ống. Nước dùng phải trong, đậm đà, hương thơm phảng phất thì đạt yêu cầu.

 

Bún mọc thường được ăn kèm với các loại rau thơm theo mùa như hoa chuối, kinh giới, tía tô, vắt thêm chanh, quất, hoặc cho thêm dấm ớt, hạt tiêu để tăng thêm hương vị. Bún mọc là món ăn “dễ tính”, hợp với khẩu vị của du khách trong và ngoài nước, cũng là món ăn độc đáo bởi vì chỉ ở Kim Sơn mới có sợi bún dẻo và dai, cũng chỉ ở Kim Sơn mới có viên mọc giòn, ngọt và đậm đà hương vị. Vì vậy, bún mọc là món “Ăn rồi, nhớ mãi”.

Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế thị trường, “Bún mọc” đã theo chân những người con Kim Sơn đi lập nghiệp ở khắp các tỉnh thành của cả nước. Không chỉ là món ăn, “bún mọc” còn trở thành một trong những nét văn hóa ẩm thực tiêu biểu của mảnh đất vùng biển Kim Sơn, vừa đậm đà, vừa thanh mát, giống như mảnh đất và tình người nơi đây, làm cho người ta ăn một lần là nhớ mãi, gặp một lần là lưu luyến mãi không thôi./.

 

                                                            Diệu Hoa

 

Kim Sơn bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống

 

Hoạt động bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống thời gian qua được huyện quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn, lớp học, nhằm đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống lan tỏa, phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng là thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Huyện luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống

 

Huyện Kim Sơn có gốc tích tiếng hát chèo từ những năm 1954, ban đầu chỉ là một gánh hát rồi hình thành chiếu chèo và phát triển thành cả một đoàn chèo với tên gọi đoàn chèo Năm Dân. Những năm 1974, 1975 là thời thịnh thế của đoàn chèo Năm Dân, đoàn lưu diễn thường xuyên ở khắp các tỉnh, thành phía Bắc và thu thanh nhiều tác phẩm chèo trên đài tiếng nói Việt Nam như “19 tuổi thơ”, “cô gái sông Lam”, “sợi tóc nhớ thương”, “Hoa đất mẹ”. Trải qua thời gian với những thăng trầm của đời sống xã hội, đoàn chèo bị chia tách và dần mai một tiếng hát chèo trên vùng đất biển.

 

Với mong muốn tôn vinh nghệ thuật Chèo truyền thống, năm 2017 huyện Kim Sơn đã thành lập CLB hát chèo với 25 thành viên, là tập hợp nhiều hạt nhân văn nghệ có khả năng biểu diễn và say mê với nghệ thuật hát chèo. Nhiều “giọng hát hay, tay đàn giỏi” ở khắp các địa phương như: Đức Ngọ, Hoài Thu, Thúy Mùi, Hồng Chiên. Hằng năm, ngoài phục vụ những dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị của địa phương, CLB thường xuyên tham gia biểu diễn tại các đền, chùa; tham gia các hội thi, hội diễn các CLB tỉnh Ninh Bình và ghi hình nhiều chương trình phát sóng trên đài truyền hình Ninh Bình.

 

CLB Ca trù huyện Kim Sơn ra đời góp phần nuôi dưỡng, ươm mầm những tài năng cho nghệ thuật truyền thống

 

Cùng với CLB Chèo, CLB Ca trù huyện Kim Sơn mới được thành lập từ tháng 12/2018, hiện có 20 thành viên là những học viên xuất sắc của lớp tập huấn ca trù do nghệ nhân của CLB ca trù Nguyễn Công Trứ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh truyền dạy. Đa số họ là những giáo viên trẻ tuổi đang sinh sống, công tác trên địa bàn huyện. Điều đáng ghi nhận ở CLB ca trù chính là tinh thần ham học hỏi, tự tập luyện của các thành viên. Bận rộn với công việc mưu sinh, họ chỉ tập trung lại trong khoảng thời gian ngắn ngủi trước các chương trình văn nghệ một thời gian ngắn để ôn luyện nhưng các tiết mục ca trù do CLB biểu diễn luôn được khán giả đón nhận và cổ vũ nhiệt tình.

 

Không chỉ CLB ca trù, CLB Chèo hoạt động sôi nổi, mà nhiều CLB nghệ thuật, đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện cũng được duy trì hiệu quả. Đây thực sự là những mô hình sinh hoạt tập thể, hướng tới việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời nuôi dưỡng, ươm mầm những tài năng cho nghệ thuật truyền thống.

 

Các lớp tập huấn về hát Chèo, hát Văn góp phần gìn giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống

 

Nhằm khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở các địa phương, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, Phòng Văn hóa Thông tin huyện là cơ quan tham mưu đã phối hợp tổ chức các lớp học, lớp tập huấn về hát Chèo, hát Văn, Ca trù trên địa bàn huyện. Qua đó giúp học viên thêm yêu thích và trở thành những hạt nhân tích cực trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương, tiếp tục truyền đạt, gìn giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các CLB, đội văn nghệ và tạo điều kiện để các đội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, huyện và các địa phương thường xuyên tổ chức các chương trình văn nghệ quần chúng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật của quần chúng nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để các loại hình nghệ thuật truyền thống có đất diễn. Mặt khác với 93,6% xóm phố trên địa bàn huyện xây dựng được nhà văn hóa khang trang, đã tạo thuận lợi cho các CLB văn hóa, văn nghệ có địa điểm tập luyện.

 

Nghệ thuật truyền thống luôn được tôn vinh trong các Chương trình văn nghệ

 

Thông qua hoạt động của các CLB văn hóa văn nghệ, đặc biệt là các CLB nghệ thuật truyền thống ở Kim Sơn đã tập hợp được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Những địa phương có phong trào văn nghệ phát triển mạnh mẽ như: Quang Thiện, Thượng Kiệm, Lưu Phương, thị trấn Phát Diệm, Kim Hải. Ngoài CLB Chèo và CLB ca trù cấp huyện; mỗi xã, thị trấn trên cũng thành lập CLB hoặc đội, nhóm, tổ văn nghệ, từng bước hoạt động có hiệu quả, góp phần lan tỏa giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống, đem lại niềm vui, đời sống tinh thần phong phú cho nhân dân.

 

Bài, ảnh: Trần Hằng

 

Thơ Kim Sơn nối tiếp mạch nguồn

 

Thực tế không chỉ có nhà thơ mới sáng tác thơ mà thơ đã đi vào trong cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam một cách rất tự nhiên. Những người yêu thơ và làm thơ có thể là những nông dân chỉ quanh năm gắn bó với ruộng đồng, những giáo viên quen với bục giảng, những kỹ sư công trường, thậm chí là những người khuyết tật… họ đều có thể làm thơ bởi xuất phát từ tình yêu với thi ca.

 

“Kim Sơn - Tình đất - Tình người” là bức tranh quê, bày tỏ tình cảm của các tác giả đối với mảnh đất, con người quê hương Kim Sơn

 

Từ xưa, người Việt Nam ảnh hưởng nhiều từ Nho giáo do đó có truyền thống trọng thi thư. Các nho sỹ xưa thường dùng thơ văn để nói về cái “chí” cái “đạo” của mình. Đất Kim Sơn vốn là địa chỉ văn hóa được khởi phát trầm tích từ thời Dinh điền sứ khẩn hoang, lập huyện năm 1829. Quê hương thực sự là mạch nguồn, là cội rễ nuôi dưỡng nguồn cảm xúc sáng tạo từ trong tâm khảm, trong tầng sâu văn hóa của mỗi người con vùng đất “Núi vàng”. Biết bao các thế hệ người dân Kim Sơn đã và đang phát huy cái vốn “Thi ngôn chí”, tự hào với những gì làm được, hòa tâm hồn theo lịch sử tiến trình mở đất “Đắp móng xây nền”.

 

Thi sỹ của đất Kim Sơn thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau nhưng họ cùng có chung một điểm, đó là sáng tác thơ không nằm ngoài mục đích thỏa lòng yêu thơ, qua lời thơ là tiếng lòng để nói lên tâm trạng, mong ước của bản thân trong cuộc sống. Đến với thơ ca là đến với cái đẹp của cuộc sống, đến với sự chia sẻ, sự giải tỏa “niềm vui được bộc lộ tăng lên gấp đôi, nỗi buồn nói ra giảm đi một nửa”. Các nhà thơ thường gửi gắm trong thơ mình đôi khi chỉ vài câu thơ dung dị mà lay động lòng người bằng chính sự trải nghiệm và cảm xúc của người nghệ sĩ. Và thơ ca chính là tiếng nói của tâm trạng, là sự thăng hoa của cảm xúc tâm hồn con người.

 

CLB thơ Kim Sơn ra đời khẳng định sức sống thơ ca trên vùng đất biển

 

CLB thơ huyện Kim Sơn ra đời đúng vào dịp kỷ niệm 190 năm thành lập huyện (5/4/1829- 5/4/2019), 65 năm giải phóng huyện Kim Sơn (30/6/1954-30/6/2019) chính là sự khẳng định nối tiếp mạch nguồn thi ca trên vùng đất biển. Cùng với sự ra đời, CLB đã cống hiến, sưu tầm, biên tập để xuất bản ấn phẩm thơ “Kim Sơn - Tình đất - Tình người”. Tập thơ gồm 199 bài thơ của 133 tác giả, là bức tranh quê, bày tỏ tình cảm của các tác giả đối với mảnh đất, con người quê hương Kim Sơn, tri ân những người đã khai sinh ra vùng đất trù mật, mỗi bài thơ là một nét chấm phá, tưới gam màu ấm áp tình người, cảnh sắc quê hương.

 

CLB thơ của huyện là nơi quy tụ đội ngũ sáng tác thơ có chất lượng nghệ thuật cao, ngoài ra còn có một số câu lạc bộ thơ ở các địa phương và đông đảo những người mến mộ thơ ca, chủ yếu là cán bộ, giáo viên đang công tác, yêu thơ và sáng tác thơ tự do, tiêu biểu như CLB thơ ca nhạc cổ truyền của Hội người cao tuổi xã Như Hòa có tới 40 thành viên, hoạt động sôi nổi và đã cho ra mắt tập thơ “Như Hòa sáng mãi”. Nhiều nhà thơ Kim Sơn đã từng bước khẳng định được tên tuổi cũng như giá trị tác phẩm của mình, đã có nhiều tác phẩm đăng trên các báo, tạp chí như tác giả: Vũ Tiến Thịnh, Doãn Tới, Hà Trọng Lưu, Trần Xuân Trường, Vũ Xuân Trường, Nguyễn Quỳnh Anh... Mỗi bài thơ được sáng tác là một khám phá giãi bày thế giới tâm hồn, tình cảm của người viết luôn tìm đến vẻ đẹp của tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống. Đồng thời lấy sự chân thực làm điểm tựa trong cảm xúc thăng hoa sáng tạo của mình, phong phú đề tài và đa dạng về thể loại như Tri ân Dinh Điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng các vị chiêu mộ, bán phụ chiêu mộ, thứ mộ đã có công khẩn hoang lấn biển, thành lập huyện Kim Sơn; ngợi ca cảnh đẹp của quê hương, vẽ nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng dân cư, tính cách người dân từ hơn thế kỷ trước; Kim Sơn đổi mới và phát triển....

 

Tinh thần thi ca lan tỏa qua những buổi giao lưu CLB thơ

 

Tình yêu quê hương được hòa quyện cảm xúc trước cái đẹp cảnh sắc thiên nhiên: sông Ân, cầu Ngói, nhà thờ đá Phát Diệm, đền thờ Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, cánh đồng lúa, cói bát ngát mênh mông, Cồn Nổi, đầm tôm, làng mạc trù phú. Để rồi tiếng lòng của các nhà thơ đã lan tỏa tinh thần thi ca tới đông đảo hội viên và công chúng qua những buổi giao lưu của các CLB thơ. Sự tồn tại của thơ được xem như một phần không thể thiếu trong đời sống tâm hồn của những người con vùng biển Kim Sơn. Và Thơ Kim Sơn luôn căng tràn sức sống, hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ./.

 

Bài, ảnh: Trần Hằng - Đài truyền thanh huyện

 

Nơi diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Kim Sơn

Chúng tôi tìm về Đình Thượng, làng Tuy Lộc (xã Yên Lộc) vào một buổi chiều tháng 5 lịch sử, tại nơi đây, ngày 6/6/1947 đã diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Kim Sơn.

 

Đình Thượng, làng Tuy lộc, xã Yên Lộc

 

Từ đường 10 cũ (nay là đường ĐT 481) đi lên phía bắc, Đình Thượng, làng Tuy Lộc nằm gọn mình trong xóm 12 xã Yên Lộc, cách trục đường làng chưa đầy 100m. Đình được bao bọc, che chở bởi cây đa đã có hàng trăm tuổi. Làng Tuy Lộc là mảnh đất giầu truyền thống cách mạng, mang trong mình bao nhiêu ân tình sâu nặng và cũng chính nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của quê hương Kim Sơn.

 

Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, mặc dù chịu cảnh hà khắc của chế độ thực dân phong kiến song những người dân làng Tuy Lộc đều chung chí hướng như những người con Kim Sơn. Là con cháu của những người trực tiếp đi khai hoang mở đât, họ luôn khát khao cuộc sống hòa bình và dũng cảm bảo vệ đến cùng mảnh đất mà họ đã đổ mồ hôi, công sức để tạo dựng.

 

Khắc ghi lời dạy của CHủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Kim Sơn ngày 13/01/1946, Người đã dạy “Nước không được độc lập thì tôn giáo không được tự do nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã, phải tiến hành mấy nhiệm vụ cấp bách: chống giặc ngoại xâm, trừ giặc dốt, trừ giặc đói”. Từ lời dạy của Người, một không khí yêu nước trào dâng ở Kim Sơn. Cuối năm 1946 một số quần chúng ưu tú đầu tiên ở Kim Sơn được kết nạp vào Đảng. Tuy vậy, tình hình chính trị diễn biến hết sức phức tạp. Trước yêu cầu đòi hỏi, trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy Ninh Bình, ngày 6/6/1947, một sự kiện trọng đại mang tính bước ngoặt lịch sử của Kim Sơn đó là việc tổ chức Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Kim Sơn. Hội nghị được tổ chức tại đình Tuy Lộc, xã Yên Lộc. Đồng chí Nguyễn Ngọc Ái - ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy thay mặt Tỉnh ủy Ninh Bình công bố Đảng bộ huyện Kim Sơn được thành lập gồm 21 đảng viên và chỉ định đồng chí Mai Văn Tiệm là Bí thư Huyện ủy lâm thời. Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 6 đồng chí là đồng chí Mai Văn Tiệm, đồng chí Hoàng Linh, đồng chí Nguyễn Ngọc Can, Chu Văn Tân, đồng chí Bảo và đồng chí Thu Văn.

 

Đảng bộ huyện được thành lập, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của địa phương. Và cũng từ đây, phong trào cách mạng ở Kim Sơn có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện - nhân tố có tính quyết định mọi thắng lợi trong 72 năm qua.

 

Trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, mặc dù kẻ địch thâm độc, tàn bạo, song không làm nản lòng, nhụt ý chí đấu tranh cách mạng của những người con làng Tuy Lộc. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp nhà nào cũng có người tham gia cách mạng, trong kháng chiến chống Mỹ gần như 100% thanh niên lên đường tòng quân, nhiều gia đình có 2 con, 3 con, thậm chí có nhà có 1 con độc nhất cũng đăng ký tòng quân. Hòa bình lập lại, 72 người con làng Tuy Lộc đã anh dũng chiến đấu hy sinh, có 2 mẹ được công nhận mẹ Việt Nam anh hùng, có 1 du kích Phạm Vơn giật địa lôi giệt 8 tên giặc, phá hủy 1 trung liên (đã được ghi danh trong cuốn lịch sử đảng bộ huyện Kim Sơn). Trong suốt thời kỳ khó khăn với phong trào “mỗi người làm việc bằng hai”, những người con Tuy Lộc đã đóng góp vượt mức quân lương, chi viện sức người, sức của, chia lửa với chiến trường, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của quê hương đất nước. Nhiều gia đình được tặng thưởng các huân, huy chương, bằng khen các loại.

 

Bia tưởng niệm Đình Thượng làng Tuy Lộc

 

Trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước, những người con làng Tuy Lộc tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương, cần cù, chịu khó, tích cực tham gia lao động sản xuất xây dựng quê hương ngày càng đổi mới và phát triển, xứng tầm với mảnh đất mang nhiều ý nghĩa lịch sử này. Cùng với việc phát triển kinh tế, xây dựng bộ mặt nông thôn mới, nhân dân làng Tuy Lộc trước đây, nay là xã Yên Lộc thường xuyên tu sửa, gìn giữ đình làng để di tích lịch sử luôn còn mãi với thời gian. Để ghi nhớ và giáo dục thế hệ sau về địa điểm ghi lại dấu ấn lịch sử quan trọng này, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ huyện 6/6/1947-6/6/2017, huyện Kim Sơn đã xây mới bia tưởng niệm Đình Thượng làng Tuy Lộc.

 

Dù thời gian có đổi thay, song dấu tích, cái nôi của sự ra đời Đảng bộ huyện luôn được những người con Kim Sơn nói chung, người dân làng Tuy Lộc nói riêng gìn giữ và bảo vệ - và đây sẽ mãi mãi là một di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu của lịch sử Đảng bộ huyện Kim Sơn.

  

                                                   Mai Hoa – Đài truyền thanh Kim Sơn

Cầu ngói Phát Diệm – Công trình văn hóa của nhân dân vùng đất biển

 

Cầu ngói Phát Diệm bắc qua sông Ân nằm ở trung tâm thị trấn Phát Diệm được đánh giá là cây cầu có giá trị nghệ thuật cao trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Cầu vừa mang ý nghĩa giao thương, thỏa mãn nhu cầu đi lại hằng ngày cho người dân giữa đôi bờ sông Ân, lại vừa là một mái đình cổ kính, nơi hội họp, vui chơi, ghi dấu những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa, cố kết đời sống cộng đồng của nhiều thế hệ người dân Kim Sơn.

 

 

Vẻ đẹp cổ kính của Cầu ngói Phát Diệm thủa xa xưa

 

Huyện Kim Sơn thủa sơ khai là vùng đất sình lầy ven biển do nhà Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ chiêu dân, lập ấp, quai đê, lấn biển, lập nên từ năm 1829. Công cuộc ấy diễn ra trong thời gian dài, cùng với việc lấn đất bãi bồi ven biển mở làng, Dinh điền sứ đã cho xây dựng hệ thống thủy lợi, sông ngòi, kênh rạch dọc ngang dẫn nước ngọt về thau chua rửa mặn. Trong đó, dòng sông Ân chảy qua thị trấn Phát Diệm là công trình thủy lợi được xây dựng trong nhiều năm, là dòng sông chính cung cấp nước tưới tiêu ruộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống dân sinh.

 

Để thuận tiện cho việc sinh hoạt của người dân giữa hai bên bờ nam bắc, cụ Nguyễn Công Trứ đã cho xây dựng một cây cầu nối đôi bờ sông Ân. Ban đầu cầu được dựng bằng thân những cây gỗ to, những tấm gỗ lớn, cầu rộng để người dân đi lại thoải mái. Do thời gian bị hư hại, đến năm 1902 cây cầu được thay thế bằng cây cầu ngói. Trong suốt chiều dài lịch sử, cây cầu ngói được chính quyền, nhân dân Kim Sơn quan tâm gìn giữ, tuy đã qua nhiều lần tu sửa nhưng cơ bản vẫn giữ được hình dáng, kiến trúc cổ, tạo thêm vẻ đẹp của dòng sông Ân Giang và không gian nơi phố huyện.

 

 

 Cầu ngói Phát Diệm ngày nay vẫn giữ được hình dáng, kiến trúc cổ và là niềm tự hào của bao thế hệ người dân Kim Sơn

 

Từ xa, cây cầu nhìn cong cong như một chiếc cầu vồng, uốn mình qua dòng sông Ân nối nhịp cho đôi bờ thêm gần nhau hơn. Dưới cầu, sóng nước lấp lánh, những hàng cây ven sông như nghiêng mình soi bóng xuống dòng Ân Giang, dọc hai bên bờ, vài người buông cần câu cá, thư thái đợi chờ và ngắm nhìn thị trấn nhỏ, khung cảnh đẹp tựa bức tranh ấy thân thương, gần gũi và trở thành niềm tự hào của bao thế hệ người dân Kim Sơn. Cầu còn là nơi dừng chân nghỉ mát lúc người dân đi làm đồng về; nơi hội họp, vui chơi của con trẻ, nơi tìm về của những người con xa quê, nơi “Che cho em đường xa gánh chiếu, cho mẹ già đi chợ qua sông”.

 

Cầu ngói Phát Diệm là công trình kiến trúc độc đáo, giữ gìn tương đối nguyên vẹn hình dáng và kỹ thuật cổ truyền. Các kỹ thuật truyền thống tạo nên một công trình tồn tại bền vững qua hàng trăm năm, trở thành một di sản thắng tích quý giá, đánh dấu một bước phát triển của nền kiến trúc cổ Việt Nam. Hiện nay trên cả nước còn tồn tại rất ít các cây cầu có mái cổ được bảo tồn nguyên vẹn, trong đó Cầu ngói Phát Diệm là cây cầu có mái kích thước lớn nhất hiện còn, vì vậy, cây cầu lưu giữ một hình thức kiến trúc cổ truyền quý giá của dân tộc.

 

Cây cầu kết cấu kiểu “thượng gia hạ kiều”, một kiểu cầu có mái che; các trụ, dầm, xà của cầu hoàn toàn bằng gỗ; bờ nóc hai đầu cầu có độ võng nhẹ, tạo dáng cầu thanh thoát, nhẹ nhàng. Nhằm làm nổi bật vẻ đẹp của cây cầu chủ yếu bởi tổng thể nhẹ nhàng thanh thoát, cầu ngói Phát Diệm khá tiết chế trong trang trí kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Hầu như trên bộ vì kèo cầu không có đồ án chạm khắc trang trí nào, chỉ có các đường gờ chỉ soi nhỏ, đơn giản mà chắc khỏe. Phần bờ nóc, bờ guột ở phía đầu cầu cũng chỉ được soi chỉ, trang trí bằng các đường triện đơn giản. Các đấu trụ trên bờ nóc tạo dáng má chai theo phong cách thời Nguyễn đầu thế kỷ XX.

 

Cầu Ngói Phát Diệm là một di sản kiến trúc có giá trị của huyện Kim Sơn nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung, tạo dấu ấn về một vùng miền riêng biệt – dấu ấn nơi chốn, địa danh, ký ức của quê hương. Năm 2018, UBND tỉnh Ninh Bình đã xếp hạng di tích cấp tỉnh Cầu Ngói Phát Diệm là di tích kiến trúc nghệ thuật. Lễ đón nhận Cầu Ngói Phát Diệm là Di tích lịch sử cấp Tỉnh chính là phần việc mà huyện Kim Sơn chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập huyện, 65 năm giải phóng huyện Kim Sơn và đón nhận huân chương lao động Hạng Nhì, đồng thời tri ân công đức cụ Nguyễn Công Trứ, người đã có công khai hoang lấn biển, lập nên huyện Kim Sơn năm 1829.

 

 

Cầu Lưu Quang ở  xã Quang Thiện có thiết kế gần giống cầu ngói Phát Diệm

 

 

Cầu Hòa Bình ở xã Hùng Tiến có thiết kế giống như một ngôi chùa với mái cong vút

 

Trải qua hơn 100 năm tuổi, mặc cho mưa gió, bão bùng, Cầu Ngói Phát Diệm vẫn giữ vững sự kiên cố, vững chắc và nét kiến trúc cổ xưa độc đáo. Cây cầu đứng sừng sững hơn một thế kỷ, như một minh chứng lịch sử chứng kiến cuộc đời của bao thế hệ con người cũng như sự đổi mới và phát triển của vùng đất biển Kim Sơn. Phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, các thế hệ người dân Kim Sơn hôm nay tiếp tục xây dựng hai cây cầu ngói mới. Đó là cây cầu Lưu Quang ở xã Quang Thiện với thiết kế gần giống cầu ngói Phát Diệm và cầu Hòa Bình thuộc xã Hùng Tiến có thiết kế giống như một ngôi chùa với mái cong vút. Ngoài góp phần vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại thuận tiện, phát triển kinh tế - xã hội, những cây cầu ngói ở Kim Sơn còn góp phần bảo tồn giá trị truyền thống đặc thù của quê hương Kim Sơn - vùng đất biển với hệ thống sông ngòi dọc ngang, thành quả từ công cuộc khẩn hoang của nhà Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ./.

 

Trần Hằng – Đài Truyền thanh huyện

 

Kim Sơn: Khơi dậy những nét tinh hoa của nghệ thuật hát ca trù

 

Vừa qua, huyên Kim Sơn khai giảng lớp Truyền dạy Ca Trù tại Đền thờ Doanh điền sứ tướng công Nguyễn Công Trứ. Đây là một trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 190 năm thành lập huyện (5/4/1829 - 5/4/2019) và tri ân công lao của nhà Doanh điền sứ uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ đối với công cuộc  khẩn hoang thành lập huyện.

 

Ca trù còn gọi nôm na là Hát cô đầu, Hát ả đào, Hát nhà trò. Sinh thời, Nguyễn Công Trứ có đóng góp rất lớn với nghệ thuật hát ca trù, Cụ đã có hàng trăm tác phẩm nổi danh để lại cho thế hệ sau như: Ngày tháng thanh nhàn, Kiếp nhân sinh, Chơi xuân kẻo hết, Một ngày là nghĩa…v.v 

 

Việc tổ chức lớp truyền dạy ca trù đã thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo huyện Kim Sơn đối với việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và khơi dậy nghệ thuật hát ca trù ở vùng đất mở - nơi có bàn tay khai hoang mở đất của nhà doanh điền sứ uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ. Qua đó cũng là dịp thể hiện lòng biết ơn đối với người đã có công trong cuôc  khẩn hoang thành lập huyện Kim Sơn 190 năm qua.

 

Lớp truyền dạy ca trù do huyện Kim Sơn tổ chức được chia làm 5 giai đoạn. Với 2 tổ; tổ ca nương và tổ kép đàn. Các nghệ nhân của huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh quê hương của Cụ Nguyễn Công Trứ trực tiếp truyền dạy. Thông qua lớp học, học viên được truyền dạy những kỹ năng cơ bản của nghệ thuật ca trù, cách chơi Đàn đáy, cách sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp, thực hành trên Đàn đáy, trống, phách và thực hành hát Ca trù với bài học vỡ lòng là bài hát nói “Đào hồng, đào tuyết”. Tổ ca nương có 16 học viên, người nhỏ tuổi nhất; 11 tuổi, lớn tuổi nhất; 72 tuổi, mỗi người có hoàn cảnh, cuộc sống khác nhau nhưng đều có chung một niềm yêu thích nghệ thuật và muốn hiểu biết thêm về một loại hình nghệ thuật đang dần bị mai một theo thời gian, bác Vũ Thị Huệ – 60 tuổi, phố Nam Dân, thị trấn Phát Diệm, học viên tổ ca nương cho biết: Tuy tuổi đã cao nhưng với sự yêu thích nghệ thuật nói chung và ca trù nói riêng, tôi đã đăng ký tham gia lớp truyền dạy ca trù, mong rằng khi lớp học kết thúc có thể học được những điều cơ bản của nghệ thuật hát ca trù.

 

Học viên được truyền dạy những kỹ năng cơ bản của ca trù

 

Trong ca trù thường có 3 người, trong đó 1 người là ca nương vừa hát nhưng cũng vừa là nghệ nhân sử dụng nhạc cụ gõ (gỗ phách) tựa như chỉ huy dàn nhạc nối giữa trống, đàn và hát; 1 người sử dụng nhạc cụ đàn Đáy - là loại nhạc cụ đặc biệt chỉ có trong ca trù và dụng cụ cuối cùng là trống chầu - dùng cho khán giả, những người đến nghe ca trù am hiểu thường gõ trống để khuyến khích ca nương, kép đàn hát thông qua tiếng trống. Ca trù có những đặc trưng là nếu không được truyền nghề thì không thể nắm bắt được các quy luật, nhịp phách hay những kỹ thuật thanh nhạc, đặc biệt cần sự rèn luyện, chăm chỉ, cần thời gian để hiểu và ngấm để nhớ đủ những kỹ năng đó. Bên cạnh đó, lời thơ cũng là một vấn đề, những lời thơ nổi tiếng, nhất là lời thơ cổ hay dùng chữ Hán nôm thì cần có thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu.

 

Với mong muốn các học viên tham gia lớp học đều có thể nắm bắt được những nét cơ bản nhất trong nghệ thuật hát ca trù, nắm được nhịp trống phách trong làn điệu cơ bản nhất của ca trù là “Hồng hồng, tuyết tuyết”, các nghệ nhân huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã nhiệt tình hướng dẫn và truyền dạy những đặc trưng chính của bộ môn nghệ thuật mang tính bác học này.

 

Đối với tổ kép đàn, các học viên sẽ được học những bước căn bản trong sử dụng đàn đáy và trống chầu, giữ nhịp cùng với ca nương tạo nên một khúc ca hoàn chỉnh, các học viên tổ kép đàn đều là những người hiểu biết về nghệ thuật sử dụng đàn và trống nên việc truyền dạy khá thuận lợi và nghiêm túc tiếp thu.

 

Trong ca trù, bên cạnh thanh nhạc thì khí nhạc cũng hết sức quan trọng và đặc biệt. Khí nhạc gồm: cỗ phách, đàn đáy và trống chầu. Cỗ phách chỉ là một thanh tre hay một mảnh gỗ gọi là bàn phách và hai chiếc dùi gỗ là phách cái và phách con. Gõ hai dùi vào cỗ phách tạo nên tiếng trầm tiếng bổng, tiếng mạnh, tiếng nhẹ, tiếng thấp, tiếng cao, tiếng trong, tiếng đục, tiếng dương, tiếng âm... Người biểu diễn cũng hết sức nhịp nhàng, tay cầm phách cái, phách con, tay đưa lên cao, tay đưa xuống thấp uyển chuyển như múa. Những học viên tham gia lớp truyền dạy đều có 1 tình yêu, niềm say mê với loại hình âm nhạc cổ truyền này và mong muốn góp phần nhỏ bé vào việc gìn giữ nét đẹp của ca trù, Ông Bùi Đức Tăng, xóm 16 Quang Thiện, học viên tổ kép đàn hy vọng sau lớp học, huyện sẽ thành lập câu lạc bộ ca trù để anh chị em đã tham gia học được tập luyện những làn điệu ca trù thành thạo, nhuần nhuyễn hơn, được biểu diễn trong các dịp lễ lớn cũng như vào dịp kỷ niệm ngày mất của Nhà doanh điền sứ Tướng công Nguyễn Công Trứ.

 

Hy vọng sau khi kết thúc lớp học, các học viên sẽ trở thành những hạt nhân tích cực góp phần lan tỏa nghệ thuật hát ca trù trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, huyện sẽ thành lập CLB ca trù để di sản văn hóa phi vật thể quý giá trong kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn và lan tỏa.

 

 Giữa guồng quay hối hả của cuộc sống có biết bao loại hình nghệ thuật, nhưng ta trầm mình, lắng nghe những thanh âm réo rắt của ca trù tựa những nốt trầm sẽ khiến lòng người tĩnh lặng và thanh bình hơn.

 

                                                                Diệu Hoa, Trần Hằng – Đài Truyền thanh huyện

 

Cây đa Như Hòa - nơi lưu giữ hồn quê Việt

 

“Cây đa, bến nước, sân đình” là hình ảnh quen thuộc, đã đi vào tiềm thức trong kho tàng thơ ca, dân gian Việt Nam bao đời nay. Và với quá trình 190 năm phát triển huyện Kim Sơn, hẳn nhiều người không thể nào không biết đến cây đa Văn Chỉ được trồng trước cổng UBND xã Như Hòa. Cây tỏa bóng xanh mát, gắn bó bao thế hệ người dân làng Như Hòa, qua bao nắng mưa thời gian, cây đa đã chứng kiến những đổi thay thăng trầm của vùng đất và cuộc sống người dân nơi đây.

 

Dọc đường quốc lộ 10, nay là Quốc lộ 21, cây đa sừng sững, tỏa bóng mát trước cổng UBND xã Như Hòa. Dễ cũng phải đến hơn chục người mới ôm được trọn gốc đa

 

Trước đây vùng đất Như Hòa có tên là Hùng Vương, trải qua gần 190 năm xây dựng và phát triển, xã Như Hòa hiện có diện tích tự nhiên trên 519 ha với hơn 5.900 nhân khẩu, được chia thành 3 làng là; làng Hòa Lạc, Tuần Lễ và Như Độ. Cùng với sự đổi thay của thời gian, diện mạo Như Hòa đã có nhiều đổi mới, nhưng đối với người dân nơi đây, cây đa Như Hòa là một trong những biểu tượng đầu tiên khiến người ta gợi nhớ về quê hương. Người địa phương không ai biết được cây đa có từ bao giờ. Những cụ cao niên cũng không thể ước tính được khoảng thời gian nào, nhưng họ đều chắc chắn một điều rằng tuổi thọ của cây đa này phải từ 100 năm trở lên.  

 

Cây đa Như Hòa – điểm tựa tinh thần của người dân nơi đây

 

Cây đa Như Hòa, hay còn gọi là cây đa “Văn chỉ” cao trên10m, tán rộng 20m, gốc cây tỏa rộng, vững chãi trên nền đất đã được tôn tạo, làm bồn bao quanh. Ông Bùi Ngọc Đáng, 75 tuổi, người dân xóm 5, xã Như Hòa – người trực tiếp chăm sóc cây đa trong khoảng chục năm trở lại đây cho biết: Bộ rễ của cây đã từng bị sâu, mục rỗng. Với mong muốn giữ gìn những giá trị truyền thống và duy trì sự sống của cây đa cổ thụ, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Đáng cùng với 2 người bạn bỏ công chăm sóc, bảo vệ cây đa cổ thụ.

 

Ông Đáng cho biết, cây đa Như Hòa trước kia thuộc khu văn chỉ của huyện Kim Sơn từ thủa cụ Nguyễn Công Trứ khai hoang, mở đất; là nơi thờ Khổng Tử, các bậc Tiên hiền và các nhà khoa bảng, vinh hiển của địa phương, nhưng do chiến tranh và sự thay đổi của thời cuộc, khu văn chỉ đã bị phá hủy, những hiện vật còn lưu lại cho hậu thế chỉ còn là những bia đá đã mòn nằm dưới dòng sông Ân Giang chảy qua địa phận. Văn chỉ không còn, chỉ còn cây đa sừng sững tỏa bóng mát quanh năm như đang bao bọc vùng đất này. Có người nói, từ núi Non Nước nhìn về, cây đa giống như một chú gà đang giang đôi cánh che chở cho đàn con, đầu gà quay về hướng Tây, đuôi quay hướng Đông. Trong 2 cuộc kháng chiến, cây đa cổ thụ này là nơi ẩn nấp của bộ đội, du kích quân ta. Ở trên ngọn cây, có thể nhìn thấy được hướng di chuyển của địch trong bán kính 100m, từ đó có phương án chiến đầu cũng như kịp thời thông báo cho dân thường di tán đến nơi trú ẩn an toàn. Cây đa là hoa tiêu cho những người con Như Hòa đi xa trở về.    

 

Hình ảnh cây đa Như Hòa đã trở nên quen thuộc với những ai đã được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này và là nỗi nhớ da diết về quê hương của những ai phải ly hương nơi đất khách quê người. Tuổi thơ của nhiều người dân Như Hòa là những tháng ngày đẹp đẽ được vui đùa quanh gốc cây đa. Dưới bóng mát cây đa là nơi tụ tập để chuyện trò hay dừng chân nghỉ ngơi mỗi khi quá bộ ngang qua. Trải qua bao lần “vật đổi, sao dời”, cây đa dù chịu nhiều lần tàn phá, sâu mục nhưng vẫn miệt mài cắm rễ sâu vào lòng đất để sinh sôi, phát triển, tựa như tinh thần cần cù, chịu khó từ bao đời của người dân nơi đây. Cây đa thực sự đã là một phần tâm hồn, rất thân thương, gần gũi với mỗi một người con Như Hòa và là một phần của lịch sử và văn hóa cuả nơi đây

 

Từ  bao đời nay, mỗi người Việt đều coi mái đình, cây đa như biểu tượng của làng quê truyền thống. Ý nghĩa đầu tiên của cây đa là sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Ngày nay, những hình ảnh ấy không còn rõ nét nhưng nó vẫn được truyền tụng, tiếp biến, dệt nên tình yêu thương, sự gắn bó, đoàn kết trong mỗi con người đất Việt.

 

Hiện nay, cùng với định hướng chung trong sự phát triển của xã Như Hòa, Chính quyền xã đã có sự quan tâm đầu tư và tôn tạo cảnh quan cho cây đa Như Hòa và 3 di tích lịch sử trên địa bàn là Đền làng Như Độ, miếu làng Tuần Lễ và Nhà thờ Vũ Văn Kế, để lưu giữ những giá trị truyền thống, tâm linh cho đời sau. Và cùng với thời gian, cây đa Như Hòa mãi là điểm tựa tinh thần cho người dân nơi đây.

 

Diệu Hoa – Đài Truyền thanh huyện

 

CẦU NGÓI PHÁT DIỆM – HUYỆN KIM SƠN


Du khách thập phương khi tới với Phát Diệm huyện Kim Sơn có lẽ sẽ bị ấn tượng với một Nhà thờ Phát Diệm uy nghiêm, sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Phương Đông và Phương tây, và hẳn là thiếu sót nếu như không nhắc tới “Cầu Ngói” Phát Diệm nằm vắt ngang dòng sông Ân
 
Cùng với Chùa cầu ở Hội An, Quảng Nam, cầu ngói Thanh Toàn ở huyện Hương Thủy (Thừa Thiên Huế)  Cầu ngói Phát Diệm Huyện Kim Sơn là một trong những cây cầu có kiến trúc độc đáo còn lưu giữ và bảo tồn sử dụng tới ngày nay.
 
Được xây dựng năm (Nhân Dần) 1902. Cầu có dáng cầu vồng, hai bên lan can là hàng song gỗ xếp đều đặn chạy dọc thân cầu. Cầu chia làm 3 nhịp, 4 gian. Chiều dài là 36m, chiều rộng là 3m, cứ đều đặn khoảng 2m, xen giữa các hàng song gỗ là các cột gỗ cao vuông, bắt từ nền cầu lên tới mái tạo nên sự bề thế đỡ lấy hai mái. Trên mái lợp ngói đỏ, bên trong là hệ thống dui, mè cột kèo. Khi qua cầu du khách sẽ có cảm giác gần gũi thân thuộc như đang đứng trong ngôi nhà của người dân vùng bắc bộ. Trọng lượng cây cầu được chịu lực trên bốn cột trụ lớn. Cầu được sơn màu nâu đỏ ăn nhập với cảnh quan. 

Hình ảnh cầu ngói Phát Diệm

Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại, cây cầu đã được duy tu, sửa chữa nhiều lần, tuy nhiên theo thời gian Từng thanh lan can, cột chống đã in dấu thời gian. Mái ngói cũng được lợp lại để đảm bảo tính thẩm mỹ. Từ năm 1984 những mặt sàn bằng gỗ đã được thay thế bằng bê tông, Phía hai bên đầu cầu xây bậc tam cấp, nhằm đảm bảo sự tồn tại lâu dài của cây cầu, đến nay, cầu chỉ dành cho người bộ hành qua lại.
 
Huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình thuở sơ khai là vùng đất sình lầy ven biển, cụ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858)  đã có công lớn chiêu dân, lập ấp quai đê lấn biển. thành lập nên Huyện Kim Sơn từ năm 1829.  Công cuộc ấy diễn ra trong thời gian dài. cùng với việc lấn đất bãi bồi ven biển mở làng, ông đã cho xây dựng hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt về thau chua rửa mặn. Sông  Ân chảy qua thị trấn Phát Diệm là một công trình thủy lợi được ông cho xây dựng trong nhiều năm, là dòng sông chính cung cấp nước cho nhân dân, ruộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống nhân dân.

Hình ảnh cầu ngói năm 1954

Khi có dòng sông việc đi lại của người dân giữa hai bên bờ gặp nhiều khó khăn,  cụ Nguyễn Công Trứ đã cho xây dựng một cây cầu nối đôi bờ sông Ân. Ban đầu cầu được xây dựng bằng thân những cây gỗ to, những tấm gỗ lớn, phục vụ dân sinh. Do nhiều nguyên nhân cầu đã hư hại, đến năm 1902 cây cầu này được thay thế bằng cầu ngói này. Cầu ngói có kiến trúc xưa được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, bên trên lợp ngói…Đến nay cây cầu vẫn giữ được hình dáng và những kiến trúc độc đáo như trước, ngày ngày vẫn in bóng xuống dòng sông, vẫn là hình ảnh in sâu trong tiềm thức của nhưng người dân Địa phương. Cầu ngói không chỉ có chức năng giao thông qua lại như bao cây cầu khác mà còn như một biểu tượng văn hóa thân thuộc.

(Hình ảnh Phía biên trong cầu ngói)

 Để gìn giữ và tôn vinh những công lao đóng góp của người xưa, để giữ lại một hình ảnh đẹp cho quê hương Kim Sơn, Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Sơn có nguyện vọng đề nghị UBND tỉnh xếp hạng Cầu ngói Phát Diệm là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh trong thời gian tới.
 

Quang Huy - Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1324057

Trực tuyến: 49

Hôm nay: 1383