Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ sáu, 23/05/2025

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

KHÁI QUÁT DI TÍCH MIẾU LÀNG PHÚC ĐIỀN

Thứ sáu, 16/05/2025 16 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Di tích có tên gọi là miếu làng Phúc Điền, vì miếu được xây dựng ở địa phận làng Phúc Điền xưa (nay là xóm 1, xóm 2, xã Quang Thiện). Miếu làng Phúc Điền hiện nay thuộc địa bàn xóm 1, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Căn cứ theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì ngay sau khi trại Phúc Điền được thành lập, năm Canh Dần (1830), các cụ chiêu, nguyên, thứ mộ đã chọn một mảnh đất tương đối cao ráo ở đầu làng tại vị trí miếu Phúc Điền hiện nay, đắp bệ đất, trồng cây đa trước nhất. Sau đó, các cụ về quê cũ là làng Lộng Điền (Nghĩa Hưng, Nam Định) rước chân hương thần Bản thổ và Thành hoàng về lập ban thờ lộ thiên dưới gốc đa. Trong vài năm sau, dân thôn bản trại tiếp tục tải đất về bồi đắp, vượt thổ tạo khuôn viên cao ráo, đến năm Ất Mùi (1835) thì dựng ngôi miếu mái tranh, tường đất, phên vách làm nơi thờ cúng thần linh thay cho ban thờ lộ thiên khi trước. Đến năm 1842, nhân dân tiến hành đào đất đóng gạch, xây dựng ngôi miếu kiên cố, có Tiền đường và Hậu cung trang nghiêm. Trải qua nhiều biến động của xã hội, sự khắc nghiệt của thời tiết, làm di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, bị sập đổ hoàn toàn năm 1968. Đến năm Đinh Dậu - 2017, nhân dân trong làng khởi công phục dựng lại ngôi miếu trên nền móng cũ, có diện mạo như ngày nay.

Miếu làng Phúc Điền là nơi thờ cúng, tưởng niệm các vị thần: Thành hoàng làng Phúc Điền là Hứa Tông Đạo, Bản thổ phúc thần Vũ Huy Trác, thần Tiêu Sơn Độc Cước. Đồng thời, di tích là nơi thờ cúng, tưởng niệm chiêu mộ Vũ Văn Khương và 15 nguyên mộ, 24 thứ mộ, tòng mộ, là những vị tiên hiền có công chiêu mộ dân chúng, khai hoang lấn biển, lập trại Phúc Điền.

Về kiến trúc: Miếu làng Phúc Điền được xây dựng theo kiến trúc chữ Nhị, gồm 3 gian Tiền đường và 3 gian Hậu cung. Kiến trúc tường hồi bít đốc. Di tích tuy mới phục dựng, nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống.

Được xây dựng cách ngày nay gần hai thế kỷ, kiến trúc gốc hiện không còn, tuy nhiên, di tích hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật, đồ thờ tự quý như bát hương sứ, đỉnh và lư hương đồng, bát biểu, hoành phi, câu đối, cỗ kiệu, 07 bản sắc phong thời nhà Nguyễn, gồm 02 đạo sắc niên hiệu Tự Đức, 02 đạo sắc niên hiệu Khải Định, 01 đạo sắc niên hiệu Thành Thái, 01 đạo sắc niên hiệu Duy Tân và 01 đạo sắc niên hiệu Đồng Khánh.

Hàng năm, tại di tích diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội chính như sau (tính theo Âm lịch): Lễ Thượng nguyên (Rằm tháng Giêng); Lễ hợp tế các cụ chiêu, nguyên, thứ mộ (ngày 15 tháng 8); Ngày kỵ cụ chiêu mộ Vũ Văn Khương  ( ngày 10 tháng 12) …

miếu làng Phúc Điền được Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2020.

 

Góp ý của nhân dân
Bài liên quan
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2491205

Trực tuyến: 24

Hôm nay: 1261