Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ sáu, 23/05/2025

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

KHÁI QUÁT DI TÍCH MIẾU HÀM ÂN

Thứ sáu, 16/05/2025 24 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Di tích có tên gọi là miếu Hàm Ân, vì miếu được xây dựng ở địa phận thôn Hàm Ân, xã Ân Hòa. Hiện nay, Miếu Hàm Ân thuộc địa phận xóm 10,Ân Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Miếu Hàm Ân là nơi thờ cúng, tưởng niệm thần Hải Tề Long Vương, nhân vật huyền thoại thời Hùng Vương, nhân dân tôn thờ ông là thành hoàng làng, có công phù giúp nhân dân tăng gia sản xuất, mở rộng đất đai, ổn định cuộc sống.

Theo những ghi chép còn lưu giữ, Miếu ban đầu xây dựng ở đầu thôn Hàm Ân (hiện nay thuộc địa phận xóm 8, xã Ân Hòa), cách miếu Hàm Ân hiện nay khoảng 3.5km về phía Bắc, là miếu chung của ba ấp Chí Tĩnh, Duy Hoà, Khiết Kỷ và giáp Hàm Ân, huyện Kim Sơn. Ban đầu là ngôi miếu tạm để thờ tự, duy trì gần bảy mươi năm. Sau này khi các dòng họ phát triển, đất đai được mở rộng, năm Thành Thái thứ 17 (1905) nhân dân trong giáp bàn bạc xây dựng nơi thờ tự riêng ở trung tâm thôn Hàm Ân (hiện nay là vị trí chùa Hàm Ân, giáp miếu về phía Đông), rước bát hương, sắc phong, lập bài vị Hải Tề Long Vương để thờ phụng. Khoảng những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, nhân dân tiếp tục vượt đất, tôn nền, di chuyển miếu Hàm Ân sang vị trí hiện tại (phía Tây chùa Hàm Ân). Trải qua các biến cố lịch sử, ảnh hưởng của thiên nhiên, chiến tranh, miếu Hàm Ân được chính quyền và nhân dân địa phương tu sửa nhiều lần. Năm 1956 tu bổ mái toàn bộ di tích; Năm 2002 đảo mái, trát lại tường di tích; Năm 2010 tu bổ lại toàn bộ di tích; Năm 2017 xây dựng lại 05 gian nhà khách.

Miếu Hàm Ân được xây dựng theo kiến trúc kiểu “tiền Nhất hậu Đinh” gồm 3 tòa: Tiền đường, Trung đường và Hậu cung, kiến trúc tường hồi bít đốc. Tiền đường là công trình kiến trúc gốc thời Nguyễn, được tu bổ, tôn tạo năm 2010. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, di tích được nhân dân gìn giữ, tu bổ, tôn tạo, giữ được nét kiến trúc truyền thống với nhiều hiện vật, đồ thờ tự quý như: khám thờ, ngai thờ, bài vị, bát hương, lư hương, 06 đạo sắc phong, trong đó có 04 đạo sắc phong chung cho 3 ấp Chí Tĩnh, Duy Hoà, Khiết Kỷ và giáp Hàm Ân, 02 đạo sắc phong riêng cho giáp Hàm Ân thờ tự Hải Tề Long vương.

Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, Di tích là nơi tập luyện, huấn luyện của quân dân du kích, cơ sở hoạt động bí mật, cơ sở đi về, hội họp của các cán bộ cách mạng, là nơi tiếp nhận và chuyển thông tin, tài liệu ra ngoài vùng địch hậu. Trong kháng chiến chống Đế quốc Mỹ miếu Hàm Ân được sử dụng là nơi phục vụ các hoạt động công cộng của làng xã, là nơi sơ tán và trụ sở làm việc của cơ quan Thương nghiệp huyện Kim Sơn.

Hàng năm, tại di tích diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội chính như sau (tính theo Âm lịch): Lễ Đầu năm (mùng 10 tháng Giêng); Tế Yến Lão (14 tháng Giêng); Giỗ Thành hoàng (20 tháng Tám); Lễ Mộc dục (ngày 23 tháng Chạp)

Miếu Hàm Ân được Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2023.

 

Góp ý của nhân dân
Bài liên quan
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2491207

Trực tuyến: 22

Hôm nay: 1263