Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ sáu, 23/05/2025

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

KHÁI QUÁT DI TÍCH MIẾU LÀNG PHU VINH

Thứ sáu, 16/05/2025 14 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Di tích có tên gọi là miếu làng Phu Vinh, vì miếu được xây dựng trên địa phận ấp Phu Vinh xưa. Di tích có tên gọi khác là miếu làng Phú Vinh, do Thời kỳ Thực dân Pháp tạm chiếm, ấp Phu Vinh đổi tên thành làng Phú Vinh, nhân dân cũng lấy tên làng đặt cho di tích, gọi lâu thành quen. Hiện nay, di tích thuộc địa phận xóm 4, xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Miếu làng Phu Vinh là nơi thờ cúng, tưởng niệm các vị thần: Đại La Đại vương, Vũ Hùng Uy tôn thần, Tả Thái giám, Hữu Thái giám, Bản ấp phúc thần có công phù giúp nhân dân tăng gia sản xuất, mở rộng đất đai, xây dựng cuộc sống yên ổn thanh bình. Đồng thời, di tích là nơi thờ cúng, tưởng niệm chiêu mộ Vũ Duy Lương và các nguyên mộ, thứ mộ, tòng mộ, là những vị tiên hiền có công chiêu mộ dân chúng, khai hoang lấn biển, lập ấp Phu Vinh xưa (Chiêu mộ Vũ Duy Lương cùng 25 cụ nguyên mộ, 54 cụ thứ mộ, tân mộ, tòng mộ là những người dân chủ yếu đến từ vùng đất Nghĩa Hưng, Nam Trực, Hải Hậu, Xuân Trường (Nam Định).

Căn cứ lời kể của các cụ cao niên trong làng thì năm Ất Mùi (1838), nhân dân ấp Phu Vinh dựng ngôi miếu mái tranh, tường đất, phên vách làm nơi thờ cúng (miếu Thượng-miếu Bắc Thịnh). Khi các dòng họ phát triển, đất đai được mở rộng, nhân dân ấp Phu Vinh tiếp tục xây dựng ngôi miếu mới ở giữa làng thuộc giáp Đông Phú (miếu làng Phu Vinh hiện nay) trên khuôn viên đất hơn 2 mẫu Bắc Bộ, xây dựng bằng mái tranh, tường đất, phên vách, rước chân nhang các vị thần ở tiền miếu (miếu Bắc Thịnh) xuống để thờ phụng. Đến năm 1921, nhân dân tiến hành đào đất đóng gạch, xây dựng ngôi miếu kiên cố, gồm 7 gian Tiền đường, 5 gian Trung đường, 3 gian Hậu cung, phía Đông là 2 dãy nhà 5 gian, phía Tây là khu Văn Chỉ. Trải qua nhiều biến động của xã hội, sự khắc nghiệt của thời tiết, di tích bị hư hại hoàn toàn năm 1977. Năm 2011, nhân dân trong làng phục dựng lại ngôi miếu trên nền móng cũ, có diện mạo như ngày nay.

Miếu làng Phu Vinh được xây dựng theo kiến trúc kiểu “Tiền Nhất hậu Đinh”, gồm 5 gian Tiền đường, 3 gian Trung đường1 gian Hậu cung chạy dọc tạo thành chuôi vồ. Kiến trúc tường hồi bít đốc. Di tích tuy mới phục dựng, nhưng vẫn mang những nét kiến trúc truyền thống. Di tích hiện còn lưu giữ được các hiện vật, đồ thờ tự quý như ngai thờ, bát hương sứ, đỉnh và lư hương đồng, 06 bản sắc phong từ thời nhà Nguyễn.

Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, di tích là nơi tập luyện, huấn luyện của quân dân du kích, cơ sở hoạt động bí mật, cơ sở đi về, hội họp của các cán bộ cách mạng; đồng thời là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ. Trong kháng chiến chống Đế quốc Mỹ di tích là nơi sơ tán của chính quyền địa phương, là nơi cất giấu vật liệu, hàng hoá, vũ khí đạn dược của nhà nước.

Hàng năm, tại di tích diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội chính như sau (tính theo Âm lịch) như: Giỗ Đại La Đại vương và Vũ Hùng Uy Tôn thần (13 tháng Giêng); Lễ giỗ cụ Vũ Duy Lương và các nguyên, thứ, tòng mộ (28 tháng 5); lễ giỗ các anh hùng liệt sỹ; Lễ Mộc dục (25 tháng Chạp)…

Miếu làng Phu Vinh được Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2021.

Góp ý của nhân dân
Bài liên quan
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2491191

Trực tuyến: 25

Hôm nay: 1247