Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Tích cực chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ đông xuân

Thứ năm, 05/01/2023 703 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Xác định vụ đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm, giữ vai trò quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp cả năm, ngành Nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn huyện đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm gieo cấy lúa xuân năm 2023 trong khung thời vụ tốt nhất, phấn đấu giành kết quả cao cả về 3 mặt năng suất, sản lượnggiá trị.

 

Vụ đông xuân năm nay, toàn huyện có kế hoạch gieo cấy 7.983 ha. Theo nhận định vụ Đông xuân tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dự báo đầu vụ có rét đậm, rét hại đến sớm (cuối tháng 12/2022 đến tháng 02/2023) là điều kiện thuận lợi cho cây trồng tích lũy dinh dưỡng cho năng suất lúa cao vượt trội. Tuy vậy, giá rét có thể gây chết mạ, chết lúa và kèm theo mưa phùn tạo điều kiện bệnh đạo ôn phát sinh gây hại. Bên cạnh đó, lực lượng lao động nông nghiệp thiếu và yếu do số lượng lao động trẻ, khỏe đi làm xa hoặc chuyển đổi sang làm việc tại các doanh nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt, giá vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng, thị trường và giá nhiều loại nông sản không ổn định ảnh hưởng tới khả năng đầu tư của các hộ nông dân và hiệu quả sản xuất thâm canh.

Các địa phương tập trung công tác làm đất theo phương châm “ruộng chờ mạ”

Lường trước những khó khăn trên, để sản xuất vụ xuân 2023 đạt kết quả cao, huyện Kim Sơn đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, ngay từ tháng 11/2022, UBND huyện đã ban hành kế hoạch 219/KH-UBND về sản xuất vụ đông xuân năm 2022-2023, thông báo đến các địa phương, các HTXNN về cơ cấu giống, trà lúa, thời vụ, các giải pháp kỹ thuật thâm canh; ban hành công văn số 3221 ngày 20/12/2022 về tập trung chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2022 – 2023, trong đó trung làm đất, thủy lợi nội đồng, cơ cấu giống, vật tư nông nghiệp.

 

Xác định giống lúa là yếu tố quyết định đến năng suất, giá trị và sản lượng, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương, các HTXNN hướng dẫn nông dân chuẩn bị lượng thóc giống đảm bảo chất lượng cho sản xuất với cơ cấu giống lúa thuần, lúa chất lượng cao 95% diện tích, cấy các giống chủ yếu là: Bắc thơm số 7, LT2, Nếp 97, Hương Bình, Nếp Hương, TBR 89, TBR 225, Đài thơm 8…Giống lúa lai, lúa cao sản 5% diện tích, với các giống chủ yếu là: Phú ưu 1, Thục hưng 6, Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111… Các địa phương tùy thuộc vào điều kiện đất đai, trình độ thâm canh, hạ tầng, kỹ thuật, để bố trí các giống lúa đạt hiệu quả cao nhất; mỗi vùng chỉ nên trồng từ 1 – 2 giống lúa tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; ưu tiên mở rộng diện tích lúa chất lượng cao để tạo nguồn hàng hóa phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng tại địa phương. Đồng thời, tiếp tục sản xuất thử nghiệm những giống lúa mới có tiềm năng về năng suất, chất lượng như: ST24, ST25. Để đảm bảo có đủ lượng thóc giống và vật tư phân bón đảm bảo chất lượng, các HTX dịch vụ nông nghiệp đã chủ động liên hệ với các đơn vị có uy tín để cung ứng giống lúa, phân bón, thuốc BVTV cho bà con nông dân đảm bảo đủ số lượng và chất lượng, tiến hành gieo mạ từ ngày 26 – 28/01/2023 và phấn đấu cấy xong trước ngày 22/02/2023. Gieo mạ theo phương thức mạ nền, che phủ nilon là chủ yếu, phương thức “mạ khay - máy cấy” được khuyến khích mở rộng.

 

Cùng với việc xác định cơ cấu và chuẩn bị đủ nguồn giống lúa chất lượng, để bảo đảm lịch gieo cấy theo kế hoạch và hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, sau khi thu hoạch xong diện tích lúa mùa, các địa phương, các HTXNN tập trung khoi nhong thoát nước để các chân ruộng nhanh khô đảm bảo cày đúng tiến độ. Với phương châm “ải phải nỏ, dầm phài ngấu”, các địa phương huy động phương tiện, nhân lực xuống đồng cày lật đất, hiện toàn huyện cày được hơn 90% diện tích, những diện tích còn lại là vùng trũng sẽ được khoanh vùng để làm dầm sớm, ngâm cho dầm ngấu. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt tàn dư thực vật; tổ chức diệt chuột sớm ngay từ đầu vụ; tranh thủ tối đa các đợt xả nước của các hồ thủy điện và mức nước triều để thau chua, rửa mặn và phèn, phấn đấu hoàn thành công tác làm đất theo phương châm “ruộng chờ mạ”. 

Vận hành các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất vụ xuân năm 2023

 

Kim Sơn là huyện đặc thù lấy nước tưới phụ thuộc vào thủy triều, nhưng qua theo dõi độ mặn trên sông Đáy, sông Vạc vẫn cao hơn ngưỡng cho phép, vì vậy phải có nguồn nước xả từ các hồ thủy điện về hạ du mới có nước để lấy tưới đổ ải vụ xuân 2023. Để bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất, ngành chuyên môn, các địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp phối hợp chặt chẽ chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng lấy nước theo các đợt, đợt 1: Từ 0 giờ 00, ngày 06/01 đến 24 giờ 00, ngày 09/01/2023; đợt 2: Từ 0 giờ 00, ngày 01/02 đến 24 giờ 00, ngày 08/02/2023.

 

Bên cạnh đó, do khí hậu biến đổi khó lường, trong khi nguồn sâu, bệnh vẫn còn tồn tại trên đồng ruộng nên tiềm ẩn bùng phát ảnh hưởng công tác sản xuất nhất là bệnh lùn sọc đen hại lúa. Vì vậy, các địa phương, các HTX nông nghiệp tăng cường tuyên truyền về tác hại, mức độ nguy hiểm, nguyên nhân và triệu chứng bệnh lùn sọc đen. Hướng dẫn nông dân cần che phủ nilon ngay từ thời điểm gieo mạ để chống rét và rầy xâm nhập; tổ chức gieo cấy tập trung, bảo đảm đúng khung thời vụ, khuyến khích gieo cấy theo phương thức cánh đồng lớn, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, lúa chất lượng cao. Trong điều kiện giá các loại vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón tăng, các địa phương, các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các doanh nghiệp cần hướng dẫn bà con nông dân bón phân cân đối, hợp lý, không lạm dụng phân đạm; tăng cường sử dụng phân hữu cơ để bón lót thay thế một phần lượng phân vô cơ, nhất là những chân ruộng nhiễm mặn, phèn, chua. Một yếu tố góp phần tạo sự thắng lợi cho sản xuất đó là các ngành chức năng phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, Đội quản lý thị trường số 4 để kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh buôn bán hàng kém chất lượng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 31/3/2022 của HĐND huyện về việc thông qua Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp huyện Kim Sơn giai đoạn 2022 – 2025, đây là động lực, đòn bẩy thúc sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển.

 

Với sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao và quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở cùng sự chủ động lường trước những khó khăn về thời tiết, khí hậu và có kế hoạch làm đất, gieo mạ, chuẩn bị đầy đủ giống, phân bón là cơ sở để các địa phương, các HTXNN trên địa bàn huyện kỳ vọng giành vụ lúa xuân thắng lợi.

 

Minh Hằng

 

 

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814246

Trực tuyến: 210

Hôm nay: 1588

W88 113.80 - https://139.99.113.80/