Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 02/04/2025

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh Sởi

Thứ sáu, 28/03/2025 243 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 13 điểm ( 3 đánh giá )

Hiện nay, bệnh Sởi có xu hướng gia tăng và lây lan nhanh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Để ngăn ngừa bệnh Sởi bùng phát, huyện Kim Sơn đã và đang triển khai nhiều giải pháp không để dịch lây lan trên địa bàn.

Những ngày này, trên địa bàn huyện đang triển khai chiến dịch tiêm phòng bệnh Sởi đợt 2 cho trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng-10 tuổi. Ghi nhận tại Trạm Y tế xã Kim Chính vào sáng 28/3 cho thấy, ngay từ sáng sớm đã có rất đông phụ huynh đưa con đi tiêm chủng. Tại đây Trạm y tế xã Kim Chính bố trí đầy đủ ghế ngồi, phân chia khu vực tiếp đón, khám và tư vấn, tiêm chủng, theo dõi sau tiêm để công tác tiêm phòng được đảm bảo theo đúng quy định.

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Đưa con đến tiêm chủng từ rất sớm, chị Phan Thị Ngoan, xóm 7B, xã Kim Chính cho biết: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nắm bắt được diễn biến số ca mắc sởi gia tăng, ngay khi có thông báo của y tế thôn về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi nên hôm nay tôi đã sắp xếp công việc đưa con đi tiêm để phòng bệnh.

Theo Bộ Y tế, Sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus Sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi và cũng có thể gặp ở người lớn chưa được tiêm phòng Sởi hoặc tiêm chưa đủ liều. Sởi hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và rất dễ lây lan, đặc biệt ở những nơi đông người như trường học. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, qua các giọt bắn chứa virus khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ra từ mũi, họng của người bệnh. Trẻ em chưa được tiêm vắc xin Sởi và những người không có miễn dịch với virus Sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm: Sốt cao, ho, chảy nước mũi, mắt đỏ và phát ban. Sau khi phát ban, có thể để lại các vết thâm trên da. Biến chứng của bệnh Sởi có thể rất nghiêm trọng, bao gồm viêm tai giữa cấp, viêm phế quản, tiêu chảy, mờ hoặc loét giác mạc, viêm phổi nặng có thể dẫn đến tử vong, phụ nữ có thai mắc sởi có thể gây sảy thai, đẻ non,…

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện đã ghi nhận 11 ca mắc sởi tại xã Hùng Tiến, Quang Thiện, Đồng Hướng, Kim Chính, Thượng Kiệm, Định Hóa, Cồn Thoi, Văn Hải và Thị trấn Phát Diệm. Ngay khi ghi nhận ca mắc đầu tiên, ngành Y tế huyện đã tích cực triển khai nhiều hoạt động phòng, chống bệnh lây lan diện rộng. Ông Nguyễn Khắc Nghiêm, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện cho biết: Trung tâm Y tế đẩy mạnh các hoạt động tiêm chủng định kỳ và tiêm bổ sung để tạo miễn dịch cộng đồng.Ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động tham mưu UBND huyện các kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh Sởi trên địa bàn; xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025. Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện triển khai các hoạt động phòng chống dịch Sởi tại các nhà trường, thống kê học sinh chưa tiêm đủ mũi Sởi, vận động phụ huynh cho trẻ tiêm chủng để phòng bệnh.

Lãnh đạo Phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện kiểm tra công tác tiêm phòng Sởi tại Trạm y tế xã Kim Chính.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh Sởi trên cả nước, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm phòng Sởi đợt 2 diễn ra từ 25/3 – 31/3/2025 với mục tiêu bao phủ 95% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng phòng bệnh Sởi. Theo đó, ngành Y tế của huyện đã chỉ đạo các Trạm Y tế xã, thị trấn phối hợp các ban, ngành đoàn thể tại địa phương, hệ thống cộng tác viên y tế thôn khẩn trương rà soát đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đồng thời đối chiếu với thông tin kết xuất từ phần mềm thông tin tiêm chủng Quốc gia (NIIS), sổ tiêm chủng tại Trạm Y tế đảm bảo không bỏ sót đối tượng.

Theo rà soát, thống kê, trên địa bàn huyện có tổng số đối đối tượng chưa tiêm đủ mũi theo phần mềm NIIS (số liệu kết xuất ngày 25/3/2025) là 2.072 trẻ, trong đó số trẻ cần phải tiêm trong chiến dịch là 584 trẻ (từ 6 – 9 tháng tuổi là 473 trẻ, từ 1 – 5 tuổi là 65 trẻ, từ 6- 10 tuổi là 46 trẻ). Huyện Kim Sơn đã đồng loạt ra quân thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh Sởi đợt 2 từ 28/3 và phấn đấu hoàn thành chiến dịch xong trước ngày 31/3/2025. Trước đó, trong 2 ngày (25 và 26/2/2023) các xã, thị trấn đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh Sởi đợt 1, đã có 205/209 trẻ tiêm trong chiến dịch.

Cán bộ, nhân viên Trạm y tế các xã, thị trấn tăng cường truyền thông phòng chống bệnh Sởi.

Hiện, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh Sởi cho trẻ 6-9 tháng tuổi và đối tượng trẻ từ 1-10 tuổi theo Kế hoạch của Bộ Y tế. Huyện cũng chỉ đạo ngành y tế tăng cường hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống bệnh Sởi; phát hiện sớm, giám sát chặt chẽ các trường hợp để cách ly, xử lý và điều trị kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực để điều trị bệnh nhân mắc Sởi và sốt phát ban nghi Sởi, giảm tối đa số trường hợp biến chứng nặng. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, cung cấp các khuyến cáo, hướng dẫn về các biện pháp phòng chống bệnh sởi.

Bệnh Sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Do vậy, để chủ động phòng chống bệnh sởi, người dân cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh Sởi đi tiêm đầy đủ, đúng lịch, các nhóm tuổi khác ( từ 6 – 9 tháng tuổi, từ 1 – 10 tuổi) tham gia chiến dịch tiêm phòng vắc xin phòng, chống bệnh Sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thường xuyên vệ sinh các nhân, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi, họng, mắt hàng ngày cho trẻ. Với người lớn trước khi tiếp xúc với trẻ cần vệ sinh bàn tay, thay quần áo.Đối với nhà trẻ, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Nâng cao sức đề kháng của cơ thể thông qua ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các Vitamin và khoáng chất. Hạn chế tiếp xúc với các trường hợp mắc/nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi cần báo ngay đến cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí, điều trị, cách ly kịp thời.

Nguyễn Chinh

 

 

Góp ý của nhân dân
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2402893

Trực tuyến: 25

Hôm nay: 115