Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Mùa Vu Lan bàn chuyện đốt vàng mã

Thứ hai, 28/08/2023 529 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Đạo hiếu có thể được xem như một trong những đặc điểm văn hóa đặc biệt của người Việt. Cứ mỗi dịp Rằm tháng Bảy - Lễ Vu lan về. Mọi người lại cùng nhau hướng về việc báo hiếu với những người đã khuất. Cùng với việc báo hiếu, tục đốt vàng mã được xem như một hành vi “nhất thiết phải có” trong mỗi dịp lễ này. Tuy nhiên, đốt vàng mã và câu chuyện “trần sao âm vậy” trong ngày lễ Vu lan lại là câu chuyện ngày càng nhận được sự quan tâm của xã hội.

 

Cứ vào dịp Rằm tháng 7 âm lịch, những cửa hàng bán vàng mã trên địa bàn huyện lại tấp nập người ra kẻ vào, người mua giấy tiền, người mua ngựa giấy, người mua biệt thự, người mua ô tô, xe máy bằng giấy,…

 

Đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt. Đốt vàng mã xưa nay được xem như cách ứng xử của “người trần” đối với “người âm”, nhưng chỉ là hình thức tượng trưng. Sử dụng như những đồ dâng cúng, mang ý nghĩa tượng trưng chứ không phải đồ thật. Gần đây, chúng ta bắt gặp nhiều trên thị trường những mặt hàng vàng mã mà nhiều năm trước đây chưa có như bikini, giày cao gót, điện thoại, iPad, nhà lầu xe hơi, thậm chí cả ô sin bằng mã... được sử dụng để “gửi” cho người đã khuất. Sự xuất hiện của những mặt hàng vàng mã biến tướng này suy cho cùng chỉ là sự lệch lạc, biến tướng từ nhận thức coi “trần sao, âm vậy”. Thực tế này một phần thể hiện sự phát triển của đời sống kinh tế, mặt khác cũng cho thấy thực trạng vàng mã bị lạm dụng, biến tướng. 

Tín ngưỡng hay tôn giáo là sự phản ánh của thế giới thực mà con người đang sống. Con người luôn lấy sự tồn tại và nhu cầu của chính mình để xây dựng nên thế giới tâm linh cho họ. Đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt, được coi như một phương tiện kết nối giữa người sống và người chết, cõi dương và cõi âm, một cách thức để con người bày tỏ hiếu đễ đối với tổ tiên và thần linh.

 

Tuy vậy, việc đốt vàng mã cũng có những tác hại nhất định, đặc biệt là việc đốt quá nhiều. Điều này tạo ra một cuộc đua tranh trong xã hội theo nghĩa người nào càng đốt nhiều thì được xem là càng có nhiều lộc; tạo điều kiện cho hoạt động mê tín dị đoan phát triển tràn lan; việc đốt vàng mã quá nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt môi trường, dễ gây cháy nổ; dùng tiền thật để “tiền mã” quá nhiều ảnh hưởng đến kinh tế của mỗi cá nhân và toàn xã hội. 

 

Để thay đổi thói quen đốt nhiều vàng mã mỗi dịp lễ, tết, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có thông bạch hướng tới các phật tử không đốt nhiều vàng mã, nên thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực cứu giúp người nghèo khổ để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên và cha mẹ; chính quyền địa phương cũng khuyến khích người dân hạn chế đốt vàng mã, bài trừ các tệ nạn mê tín dị đoan; quan trọng hơn, mỗi người dân cần hiểu rằng “đốt mã không phải cách duy nhất để báo hiếu”.

 

Trên địa bàn huyện Kim Sơn, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội , đồng thời triển khai mô hình “Vận động đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội" các địa phương, các khu dân cư đã đưa việc hạn chế đốt vàng mã, rải tiền âm phủ, tiền thật trong các đám tang vào quy ước, hương ước. Từ đó hướng người dân tới giá trị văn hóa tốt đẹp, dung hòa giữa những giá trị tâm linh truyền thống với những điều cần thay đổi trong xã hội hiện đại.

 

Mùa Vu Lan báo hiếu đã trở thành nét văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về bậc đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương để cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Chính vì vậy, đây là dịp để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên và được Phật giáo coi là ngày lễ quan trọng trong tháng Bảy Âm lịch hằng năm. Theo quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Vu Lan là dịp để chúng ta nghĩ đến “tứ đại ân” nghĩa là ơn cha mẹ, ơn quốc gia, ơn thầy bạn và ơn xã hội. Trước hết, mỗi người cần thực hành và khắc sâu hạnh nguyện báo hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đối với ơn quốc gia, chúng ta hãy tri ân các anh hùng dân tộc đã hy sinh, hãy là những người công dân tốt. Ơn thầy bạn là sự trân trọng những người dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, đạo đức cho chúng ta trong cuộc sống. Ơn xã hội là biết ơn mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội.

 

Bên cạnh việc cúng lễ theo quan niệm dân gian, quan trọng nhất vẫn là chúng ta giữ trọn đạo hiếu với cha mẹ. Nếu cha mẹ đã mất, chúng ta hãy về chùa, tụng kinh niệm Phật để hồi hướng cho cha mẹ trong tháng Vu Lan báo hiếu. Nếu cha mẹ còn hiện tiền, chúng ta hãy về thăm cha mẹ, gọi điện thoại động viên cha mẹ, học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân để trở thành người có ích cho xã hội, từ đó có điều kiện để báo hiếu công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Thể hiện lòng hiếu thảo, thành kính với ông bà tổ tiên, thay vì mua thật nhiều vàng mã để đốt, hãy dùng số tiền đó giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, đó chính là việc làm tích đức, hiếu lễ với tổ tiên.

“Tháng Bảy mùa Thu lá rụng vàng/ Ấy mùa nhân loại đón Vu Lan.” Những ngày tháng Bảy Âm lịch, trên khắp đất nước, các gia đình tin theo Phật giáo đều thành kính bước vào mùa Vu Lan, mùa báo hiếu. Tuy nhiên việc báo hiếu không nên chỉ diễn ra trong tháng 7 mà nên là chuyện thực hiện thường xuyên, thực hiện liên tục trong suốt cuộc đời để đền đáp “Tứ trọng ân” theo lời dạy của Phật giáo. Không chỉ thực hiện việc “báo hiếu tâm linh” như đốt vàng mã, thờ cúng tổ tiên mà mỗi người dân nên “báo hiếu” bằng những việc làm thiết thực như chăm sóc cho cha mẹ, làm các công việc thiện nguyện, ủng hộ các hoàn cảnh kém may mắn, như vậy việc “báo hiếu” mới có được những ý nghĩa trọn vẹn, tốt đẹp vốn có.

 

                                                                        Ngọc Đăng

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814145

Trực tuyến: 121

Hôm nay: 1487

W88 113.80 - https://139.99.113.80/