Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Kim Sơn đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất

Thứ tư, 21/09/2022 661 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Những năm qua, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, nông dân trên địa bàn huyện tích cực đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, mạnh dạn đầu tư, đưa nhiều loại máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững.

 

Ân Hòa là một trong những địa phương tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, theo thống kê của xã, hiện nay cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch đạt trên 90%. Ân Hòa cũng có 3 máy cuộn rơm góp phần đảm bảo vệ sinh đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch. Việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện đúng lịch thời vụ, giải phóng sức lao động cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất. Các máy làm đất cỡ lớn với những đường cày thẳng tắp, vùi lấp những gốc rạ, đất tơi nhuyễn; những diện tích lúa chín được thu hoạch nhanh, gọn bằng máy gặt đập liên hợp sẽ kịp thời tránh yếu tố mưa bão, sâu bệnh làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa. Sau thu hoạch, thay bằng việc đốt rơm thì rơm sẽ được thu gom bằng máy cuộn, góp phần vệ sinh đồng ruộng, tránh ô nhiễm môi trường…Không chỉ ở xã Ân Hòa mà giờ đây trên xứ đồng các địa phương khác trong huyện khó có thể bắt gặp hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” bởi các loại máy cày, bừa đã được ứng dụng rộng rãi vào thực tế sản xuất nông nghiệp.

Việc đưa máy cấy vào sản xuất giúp nông dân giảm công lao động và rút ngắn thời gian gieo cấy

 

Xác định ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất có vai trò quan trọng trong sản xuất các ngành nghề nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Những năm qua, huyện Kim Sơn đã quan tâm đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hiện tốc độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tương đối cao, bước đầu tạo sự chuyển biến lớn trong sản xuất, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, tính đến thời điểm này cơ giới hóa trong khâu làm đất, khâu thu hoạch trên địa bàn huyện đạt trên 95%. Ngoài các máy làm đất, máy gặt, máy cuộn rơm, trên địa bàn huyện Kim Sơn hiện có 2 máy cấy, 2 máy bay phun thuốc BVTV và 7 cơ sở sấy lúa sau thu hoạch.

Máy sấy lúa giúp sấy khô lúa một cách nhanh chóng và hiệu quả

 

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần “giải bài toán” về nhân lực trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế mấy năm trở lại đây, hầu hết các lao động trẻ đã chuyển dịch vào các khu, cụm công nghiệp để làm việc. Lao động nông nghiệp ở nhà chủ yếu là người cao tuổi, phụ nữ, sức khỏe yếu. Đưa cơ giới hóa vào sản xuất tiết kiệm thời gian, giảm công lao động, chi phí sản xuất, thực hiện đúng lịch khung thời vụ, góp phần tăng năng suất trong sản xuất từ 2-3 lần so với lao động thủ công. Với diện tích cây trồng hàng năm của huyện là 19.000 ha, trong đó cây lúa chiếm phần lớn diện tích (khoảng 85%), năng suất lúa bình quân hàng năm của huyện đạt 61 tạ/ha, sản lượng trên 100.000 tấn. Bên cạnh đó, ứng dụng cơ giới hóa còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân giảm tổn thất trong khâu thu hoạch, đẩy mạnh quá trình thâm canh tăng vụ, góp phần cải thiện ô nhiễm môi trường, tạo tiền đề quan trọng để địa phương phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp

 

Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa ở các khâu sản xuất chưa đồng bộ, mới chỉ tập trung chủ yếu ở khâu làm đất và thu hoạch còn các khâu khác như: Gieo cấy, chăm sóc thì mức độ cơ giới hóa còn thấp, lao động thủ công vẫn là chủ yếu.

 

Để tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn trong giai đoạn tới cùng với việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng, tích tụ ruộng đất xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, hình thành các vùng sản xuất tập trung,…Huyện Kim Sơn cũng quan tâm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm phát huy thế mạnh của các vùng sinh thái nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững.

 

Theo đó “điểm nhấn” trong việc đầu tư đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đó là: Tại kỳ họp thứ 7 HĐND huyện Kim Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã ban hành Nghị quyết 38/NQ-HĐND ngày 31/3/2022 về việc thông qua Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp huyện Kim Sơn giai đoạn 2020 – 2025, trong đó sẽ hỗ trợ 50% chi phí mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, mức hỗ trợ không quá 150 triệu đồng 1 máy, thiết bị gồm mua mới các loại máy bơm vô ống (phục vụ tối thiểu cho 20 ha lúa), máy làm đất, máy cấy lúa, máy gặt đập liên hợp, máy bay phun thuốc BVTV, máy cuộn rơm, máy sấy nông sản, máy ép tách nước, máy chế biến phụ phẩm nông nghiệp.

 

Đây là niềm vui, là động lực để các địa phương và nông dân trên địa bàn huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả giá trị sản phẩm nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

 

Nguyễn Chinh

 

 

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814200

Trực tuyến: 183

Hôm nay: 1542

W88 113.80 - https://139.99.113.80/