Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều mùa mưa bão

Thứ năm, 24/06/2021 633 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Ngoài việc cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hệ thống công trình thủy lợi và đê điều còn có nhiệm vụ điều tiết, phòng, chống lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và khắc phục chống hạn. Trước mùa mùa bão, Kim Sơn đã tăng cường kiểm tra, tu sửa, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, đê điều.

 

Trên địa bàn huyện hiện có 06 tuyến đê với tổng chiều dài 82,334km, gồm 3 tuyến đê biển Bình Minh I, II, III, 3 tuyến đê sông Hữu Đáy, Tả Vạc và Hữu Vạc, có 46 cống qua đê; 22 kè lát mái, hộ bờ, kè mỏ hàn với tổng chiều dài là 24,334km; 11 điếm canh đê và 23 trạm bơm với 87 máy công suất 1.000 – 4.000m3/h.

 

Trước những biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bên cạnh đó, một số công trình thủy lợi trên địa bàn xây dựng lâu năm cũng xuống cấp có nguy cơ cao xảy ra sự cố trong mùa mưa bão; các tuyến đê biển trực tiếp chịu ảnh hưởng của bão biển, tuyến đê Hữu sông Vạc phía sông không có bãi, dòng chủ lưu xoáy sát vào chân đề nên các tuyến kè thường xuyên bị sạt, trượt. Do đó, để đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều mùa mưa bão, huyện Kim Sơn đã chỉ đạo các đơn vị, các địa phương thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình đang khai thác sử dụng và xác định các điểm xung yếu cần duy tu, bảo dưỡng.

 

Cống Lạc Thiện được sửa chữa, nâng cấp trước mùa mưa bão

Trước mùa mưa bão năm nay, qua kiểm tra, rà soát đánh giá cho thấy: trên địa bàn huyện có 8,65km đê còn thiếu cao trình so với cao trình thiết kế; 0,713km mặt đê còn nhỏ, hẹp (theo TCVN 9902:2016), chưa đảm bảo theo mặt cắt thiết kế; có hơn 2,6 km kè có diễn biến sạt lở, cần tu bổ, sửa chữa và hơn 6km có diễn biến sạt lở, cần theo dõi; gần 2km đê xuất hiện thẩm lậu, rò rỉ, sạt trượt ; 4 cống đang thi công dang dở, 1 cống hư hỏng nặng cần phải xây dựng mới và 9 cống bị hư hỏng cần phải sửa chữa.

 

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các công trình phòng chống lụt bão, huyện đã đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2021. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiến hành tu sửa các vị trí xung yếu, đảm bảo chủ động trong phòng chống thiên tai. Theo đó, đối với những công trình thủy lợi do UBND huyện quản lý, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng theo nguyên tắc khoa học, hợp lý, không trùng thời gian sản xuất của người dân. Nhiều công trình thủy lợi được đầu tư xây mới như Cống Đồng Cói, Chất Thành, Hồi Thuần, Quy Hậu…Qua đó đã đảm bảo vận hành phục vụ sản xuất, thâm canh của nhân dân, thực hiện điều tiết nước phòng, chống úng lụt trong mùa mưa bão.

 

Những công trình thủy lợi còn lại, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với các đơn vị quản lý tăng cường kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các công trình. CN KTCTTL huyện đước giao quản lý, khai thác 41 cống dưới đê và 8 trạm bơm. Để đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, chi nhánh KT CTTL huyện đã thực hiện duy tu, bảo dưỡng nâng cấp các công trình thủy lợi trước mùa mưa bão. Riêng trong năm 2021, Chi nhánh KTCTTL huyện đã đầu tư trên 12 tỷ đồng để thay mới 15 cánh cống. Bên cạnh đó, CN KTCTTL huyện cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, nhân viên chi nhánh thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn phụ trách.

Công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các tuyến đê, công trình thủy lợi được tăng cường

Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX Nông nghiệp chủ động tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý đảm bảo sản xuất và ứng phó với các tình huống thiên tai. Quan tâm thực hiện nạo vét các kênh tiêu kết hợp với nâng cấp bờ vùng đảm bảo tiêu úng và khơi thông dòng chảy. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, nhất là các hoạt động phá hoại, lấn chiếm làm ảnh hưởng đến đê, kè. Từ 2008 đến nay, Kim Sơn đã xử lý 23 vụ vi phạm pháp luật về công tác đảm bảo an toàn đê điều. Các vi phạm xảy ra phổ biến là: Tập kết, kinh doanh vật liệu, xây công trình phụ trong hành lang bảo vệ đê…Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về Luật Đê điều và các quy định có liên quan để nhân dân nâng cao ý thức trong việc thực các quy định về đê điều, các công trình thủy lợi.

Cống Chất Thành được đầu tư xây mới phục vụ sản xuất, PCLB

Có thể khẳng định, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi, công trình phòng chống lụt bão là giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa các hậu quả thiệt hại xảy ra về người và của khi có các tình huống thiên tai xảy ra. Đặc biệt với vai trò của hệ thống thủy lợi trong phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện, việc bảo vệ an toàn các công thủy lợi, hệ thống đê điều càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển nông nghiệp, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Minh Hằng

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126418

Trực tuyến: 213

Hôm nay: 1701