Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ sáu, 29/03/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Thủ tướng: Không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018

Thứ ba, 04/09/2018 325 lượt xem
Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018, kể cả thuế môi trường xăng dầu. Không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
 
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng khẳng định, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Bốn mục tiêu cơ bản của kinh tế vĩ mô vẫn bảo đảm: Tăng GDP; ổn định giá cả; tăng việc làm, giảm thất nghiệp và xuất khẩu ròng. Tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp trong nhiều năm qua, khoảng 2,2%.
Thủ tướng cho biết, nền kinh tế có dấu hiệu đảo chiều từ quý II/2017, bắt đầu với tốc độ tăng trưởng cao mà theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, nguyên nhân chính là do những nỗ lực cải cách thể chế, sự chỉ đạo, điều hành tập trung của Chính phủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, tăng năng suất lao động và chỉ số đổi mới sáng tạo tăng.
Tuy nhiên, nền kinh tế còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro ngắn hạn, trước mắt, gồm các rủi ro thương mại, tiền tệ, rủi ro dòng vốn… nhất là xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và các chính sách thuế quan của Mỹ đối với các nước mà Mỹ nhập siêu, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ… Tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng, giữ đà cho tăng trưởng, không chỉ năm nay mà cả các năm 2019, 2020.
“Tinh thần lớn nhất vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp, ngăn chặn nguy cơ tốc độ tăng trưởng đảo chiều sau 2 năm đầy thử thách”, Thủ tướng nói: “Phát triển kinh tế nhưng phải chú trọng vấn đề môi trường, đặc biệt, chú trọng an toàn cho người dân tốt, kể cả an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn trước lũ, bão”.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ trực tiếp chỉ đạo sát sao hơn, quyết liệt hơn, triển khai các giải pháp, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh cần có kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, giao trách nhiệm kiểm tra đôn đốc trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là tháo gỡ thể chế đang ràng buộc sự phát triển của đất nước.
Cho rằng tiến độ giải ngân còn chậm, Thủ tướng nêu rõ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch, khối lượng vốn còn rất lớn mà chưa giải ngân được. Các công trình dự án có vốn phải được giải ngân, sớm đi vào hoạt động, phát huy tác dụng. Các bộ trưởng phải nghiêm túc xem xét lại vấn đề giải ngân trong lĩnh vực bộ mình quản lý, cần đi vào chiều sâu quản trị, trong đó có tổ chức, năng lực, trách nhiệm của các ban quản lý dự án, không để tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm và các khâu trung gian không cần thiết. Vấn đề này có nguyên nhân từ thể chế, do đó, Thủ tướng cho biết, trong tháng 8, Chính phủ sẽ có phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, trong đó thảo luận về Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng như các dự án luật khác.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ổn định tỷ giá ở mức linh hoạt 2%
“Chúng ta không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018, kể cả thuế môi trường xăng dầu, cải cách VAT, không điều chỉnh giá một số loại hàng hóa, dịch vụ công, như giá điện, kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ, y tế”, Thủ tướng nhấn mạnh. Cần ổn định tỷ giá VND theo mức linh hoạt 2% so với cuối năm 2017. Không thay đổi chính sách tiền tệ đã đề ra từ đầu năm. Không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể.
Việc gia tăng khối lượng, chất lượng tăng trưởng lúc này cần tập trung vào cả cung và cầu. Một mặt chú trọng hơn nữa thị trường xuất khẩu nhưng cũng cần quan tâm thỏa đáng hơn đến thị trường nội địa gần 100 triệu dân.
Cho rằng tiến độ cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, Thủ tướng yêu cầu công khai danh sách địa phương chậm trễ và giao nhiệm vụ cho Tổ công tác của Thủ tướng trực tiếp làm việc, đôn đốc những địa phương có nhiều doanh nghiệp nhưng chậm trễ trong sắp xếp, cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt biên giới, ngăn chặn hiệu quả hàng công nghệ thấp ồ ạt vào Việt Nam.
Cho biết Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp về vấn đề nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương phân loại, giải tỏa hàng ngàn container phế thải đang nằm tại các cảng biển Việt Nam. Đây là tồn đọng nhiều năm trước đây chứ không phải chỉ trong năm nay. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm, yêu cầu thanh tra việc cấp phép nhập khẩu rác thải, chất thải vào Việt Nam thời gian qua; hạn chế tối đa việc nhập phế liệu vào Việt Nam, trừ phế liệu hết sức cần thiết cho sản xuất.
“Việc này Chính phủ rất cương quyết. Nhập nhiều rác thải là kéo lùi sản xuất, đi lệch định hướng phát triển, đi ngược mục tiêu nâng cấp nền sản xuất của Việt Nam và gây nguy hại đến môi trường sống của người dân”, Thủ tướng nói. Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương, các cấp, các ngành liên quan cần quán triệt chủ trương này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại hệ thống quản trị
Vấn đề phòng chống thiên tai, bão lũ được thảo luận nhiều tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ có liên quan cần có chương trình sát sao cảnh báo thiên tai, xử lý nghiêm hành vi phá rừng. Sắp xếp lại khu dân cư vùng lũ, vùng dễ sạt lở. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn các hồ chứa, hồ thủy điện. Mỗi hồ phải có người chịu trách nhiệm vận hành, điều tiết.
Đề cập đến các vụ tai nạn giao thông hết sức nghiêm trọng gần đây, mà có vụ, tài xế lái quá sức, liên tục 12 tiếng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các biện pháp cụ thể về bảo đảm an toàn giao thông, cần nhấn mạnh trách nhiệm của các nhà xe, đâu là lỗi cố ý thì cần làm rõ chứ không chỉ trách nhiệm lái xe. Cần nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng này.
Về các vi phạm nghiêm trọng trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhân dân, Thủ tướng nhìn nhận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc nhận trách nhiệm trước Chính phủ và đề nghị Bộ rà soát lại hệ thống quản trị của ngành mình để kỳ thi lần sau tốt hơn nữa. Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm. Các cơ quan báo chí thông tin kịp thời, chính xác về kỳ thi này, không để dư luận hiểu sai lệch về công tác quản lý Nhà nước và kết quả chung của kỳ thi./.
Nguồn : Chinhphu.vn
 
 
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1350864

Trực tuyến: 33

Hôm nay: 56