Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Tăng cường bảo vệ đàn vật nuôi mùa nắng nóng

Thứ tư, 03/07/2024 145 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thời gian gần đây, tình hình thời tiết nắng nóng diễn biến phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến hoạt động chăn nuôi. Để giảm thiểu thiệt hại, bà con nông dân cần cập nhật dự báo thời tiết hàng ngày, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng để bảo vệ đàn vật nuôi.

Tăng cường bảo vệ đàn vật nuôi mùa nắng nóng

Cần tăng cường thức ăn thô xanh cho vật nuôi những ngày nắng nóng (nông dân xã Yên Đồng, huyện Yên Mô chăm sóc đàn dê).

Người dân chủ động

Gia cầm là nhóm vật nuôi dễ bị tác động do nắng nóng, chính vì vậy, những hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã chủ động giảm mật độ nuôi và thực hiện dọn vệ sinh chuồng trại. Bên cạnh đó, thường xuyên cải tạo đệm lót sinh học từ trấu giúp phân giải phân gà, khử mùi, giữ vệ sinh chuồng trại, tạo môi trường sạch, thông thoáng, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ; chủ động bổ sung vitamin C và các chất điện giải vào chế độ dinh dưỡng giúp đàn gà giải nhiệt và tăng sức đề kháng.

Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi gà, anh Trần Văn Tú, xã Thanh  Lạc, huyện Nho Quan chia sẻ: Ngay khi thời tiết chuyển mùa, trước khi tái đàn, gia đình tôi đã gia cố chuồng trại, sử dụng các vật liệu chống nóng để làm lại mái chuồng như rơm, xốp, bạt...; sử dụng các tấm lưới màu đen để che chắn, lắp đặt hệ thống phun nước trên nóc. Đồng thời, đầu tư thêm quạt gió để mang lại không khí mát trong toàn bộ chuồng nuôi; điều chỉnh lớp lót chuồng thấp (1-2 cm) để giảm nhiệt, giảm mật độ nuôi nhốt; đầu tư máy phát dự phòng việc mất điện.

Đối với những ngày nắng nóng gay gắt, tôi phải che phủ téc nước, đường ống dẫn nước tránh tình trạng nước bị nóng gà không uống được; đặc biệt, cắt cám từ 9 đến 18 giờ, trong thời gian cắt cám để tránh gà bị đói thì pha đường glucose và điện giải kèm vitamin K+C để giúp gà không bị hạ đường huyết và chống nóng hiệu quả.

Không nhạy cảm như con gà, nhưng những ngày nắng nóng, các con vật nuôi như lợn, trâu bò, dê cũng thường mệt mỏi, căng thẳng và dễ giảm cân. Gia đình chị Phạm Thị Hương Lan (xóm Tây Phú, xã Khánh Thiện huyện Yên Khánh) chăn nuôi lợn nái và lợn thương phẩm với tổng đàn gần 20 con. Được sự tuyên truyền của chính quyền và cán bộ thú y, những ngày hè nắng nóng, gia đình chị tăng cường vệ sinh, tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi, tuyệt đối không để cống rãnh đọng phân và nước nhằm hạn chế phát sinh ruồi, muỗi, rận. Thực hiện phun tiêu độc, khử trùng định kỳ. Tăng cường chăm sóc, cung cấp thức ăn, nước uống sạch, định kỳ tắm trải để giảm nhiệt cho cơ thể và vệ sinh thân thể, phòng chống các loại bệnh ngoài da cho đàn lợn, đảm bảo cho chúng phát triển tốt và khỏe mạnh. Chị Hương chia sẻ: Giá lợn thương phẩm đang ở mức cao 68 gần 70 nghìn đồng/1kg, mỗi con lợn trị giá 6-7 triệu đồng, giá trị lớn nên gia đình càng phải quan tâm bảo vệ hơn.

Tăng cường phổ biến kiến thức 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm nay, hiện tượng nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, nắng nóng tập trung từ tháng 5 đến tháng 7. Đây là điều kiện bất lợi, làm giảm sức đề kháng, vật nuôi có thể bị chết do cảm nắng, cảm nóng, gây thiệt hại về kinh tế cho hộ chăn nuôi. 

Để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho chăn nuôi của tỉnh phát triển, hoàn thành kế hoạch năm 2024, ngành chuyên môn và các địa phương đã và đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phòng, chống nắng nóng, dịch bệnh hay xảy ra vào mùa hè cho từng đối tượng vật nuôi; các biện pháp, kỹ thuật chữa cảm nắng, cảm nóng cho gia súc, gia cầm và đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Tăng cường bảo vệ đàn vật nuôi mùa nắng nóng

Những ngày nắng nóng, nông dân có thể phun nước lên mái chuồng để làm mát.

Đồng chí Triệu Văn Giang, Trưởng phòng Quản lý giống và Kỹ thuật chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo: Thời điểm này, bà con cần thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương để có kế hoạch chủ động chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi. Cần thực hiện tốt, đồng bộ các biện pháp sau: Về chuồng trại, phải đảm bảo cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát. Phủ lá cọ, rơm, trồng cây dây leo để chống nóng trực tiếp lên mái chuồng. Những ngày nắng, nóng phun nước lên mái chuồng, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để quạt mát, tránh làm tăng độ ẩm trong chuồng nuôi.

Về mật độ chăn nuôi, đối với gia cầm, nuôi nhốt với mật độ vừa phải như: gà úm: 50- 60con/m², gà 0,5-1 kg nhốt 20-30 con/m², gà 2-3 kg nhốt 7-10 con/m². Nếu nóng quá có thể thả ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Đối với gà đẻ, tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt năng lượng trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh, cho ăn cám chất lượng tốt. Đối với lợn: Mật độ nuôi nhốt đối với nái 3-4m²/con, lợn thịt là 2m²/con.

Còn về chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng nên tăng cường thức ăn giàu đạm; giảm tinh bột, chất béo trong khẩu phần. Những đợt nắng nóng kéo dài chú ý chia khẩu phần cho ăn nhiều bữa, cho ăn vào lúc sáng sớm, chiều mát và buổi tối, hạn chế cho ăn vào buổi trưa, tăng cường khẩu phần thức ăn xanh. Cung cấp đủ nước sạch, mát có bổ sung chất điện giải và bổ sung các loại vitamin, đặc biệt là Vitamin C cho gia súc, gia cầm uống để tăng sức đề kháng và giải nhiệt.

Quản lý vật nuôi, đối với trâu, bò, lợn mùa nắng nóng nên tắm 2-3 lần/ngày để làm giảm nhiệt cho cơ thể và phòng, chống các bệnh ngoài da. Những ngày nắng nóng, thời điểm 12-16 giờ trong ngày, không chăn thả và cho trâu, bò nghỉ làm việc. Tăng cường vệ sinh, tẩy uế chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng, tiêu độc để chống ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt... là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè.

Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, đặc biệt là với các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có khoảng 286,18 nghìn con lợn (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023); trên 48,3 nghìn con trâu, bò (tăng 0,3%); 24,6 nghìn con dê (tăng 1,8%); 6,49 triệu con gia cầm (tăng 2,9%). 

Tính đến ngày 17/6/2024, các huyện, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân Hè. Trong đó, vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm đã tiêm được 2.099.553 lượt con (đạt 95,6% kế hoạch); vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò đã tiêm được 30.684 lượt con (đạt 88,7% kế hoạch); vắc xin phòng bệnh lở mồm, long móng tiêm được 675 lượt con và vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo tiêm được 48.494 lượt con (đạt 91,5% kế hoạch). Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. 

Nguồn: Báo Ninh Bình

Góp ý của nhân dân
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126341

Trực tuyến: 199

Hôm nay: 1624