Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Phải tự đổi mới để trở thành Chính phủ thời đại 4.0

Thứ ba, 04/09/2018 482 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sáng 18/7, tại Hà Nội, dự Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quyết tâm chính trị, quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn” trong xây dựng Chính phủ điện tử…

Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Với chủ đề “Hướng tới Chính phủ số và kinh tế số”, đây là lần thứ 8 Vietnam ICT Summit được tổ chức, có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các cơ quan Nhà nước cấp Trung ương và địa phương cũng như các đơn vị công nghệ thông tin đầu ngành trên toàn quốc.
Nhất trí với ý kiến cho rằng Diễn đàn lần này là diễn đàn của hành động và “chúng ta cùng đồng tâm hiệp lực để hành động thành công”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trước hết là xây dựng thành công Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số ở Việt Nam, “một chủ đề chúng ta đã quan tâm từ lâu, phải bắt tay vào ngay”.
Thủ tướng cho rằng, thế giới đang chuyển từ kỷ nguyên của điện tử hóa, tự động hóa và tin học hóa sang kỷ nguyên số hóa, thông minh hóa và trí tuệ nhân tạo. “Chúng ta thấy đã xuất hiện những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống như các hãng truyền thông toàn cầu nhưng không sở hữu quyền tác giả của một tin tức nào, hãng taxi toàn cầu nhưng không sở hữu chiếc xe nào, hãng khách sạn toàn cầu nhưng không sở hữu phòng khách sạn nào... đã và đang góp phần định hình nên một thời đại kinh tế mới, thời đại của kinh tế số”. Vì vậy, Diễn đàn cần thảo luận để tạo ra nhận thức chung sâu sắc hơn về những đặc trưng cơ bản của kinh tế số... từ đó lựa chọn được hướng đi phù hợp, phát huy tốt các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong phát triển kinh tế số.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại - thời đại số được dự báo tác động mạnh mẽ lên mọi hoạt động của Chính phủ và toàn xã hội. Đây chính là cơ hội lịch sử song đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước. Theo Thủ tướng, để không bỏ lỡ cơ hội này, trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để phát huy được những thuận lợi do việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số mang lại và đáp ứng được những thách thức của thời đại kinh tế số.
Với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, xác định rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm, lộ trình cụ thể và thiết lập hệ thống chỉ số giám sát hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu.
Thủ tướng cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng nền kinh tế số Việt Nam xung quanh 3 trụ cột chính. Đó là hạ tầng và dịch vụ số bao gồm hạ tầng cứng và mạng lưới viễn thông làm nền tảng để tạo ra hạ tầng mềm là dịch vụ số giúp tối ưu các hoạt động của nền kinh tế. Tiếp theo là tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở có ích cho việc dự đoán kịp thời và ra quyết định mang lại hiệu quả kinh tế cao. Và thứ ba là chính sách chuyển đổi số, bao gồm các dịch vụ, chính sách chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, chính sách đào tạo nhân lực số chất lượng cao, chính sách đầu tư kinh doanh số, chính sách an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ.
Thủ tướng cũng cho rằng, việc xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn liền với vai trò của người đứng đầu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, bảo đảm thực thi hiệu quả. Do vậy, Việt Nam đang thiết lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo; các thành viên Ủy ban là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trong xây dựng Chính phủ điện tử, đồng thời có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công-tư trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Thủ tướng thăm các gian trưng bày sản phẩm công nghệ tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chuẩn bị nguồn nhân lực 4.0 để làm cách mạng thành công
Trong giai đoạn trước mắt, Thủ tướng nêu ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện. Đó là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế pháp luật, chính sách nền tảng cho xây dựng chính phủ điện tử, cụ thể là đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; kết nối, chia sẻ dữ liệu; bảo vệ thông tin cá nhân; xác thực điện tử cá nhân, tổ chức; hệ thống báo cáo điện tử; văn thư lưu trữ điện tử...
Thủ tướng cho rằng, việc bảo đảm cho thành công là yếu tố con người, chuẩn bị nguồn nhân lực 4.0 là đòi hỏi cấp thiết cả trước mắt và lâu dài. Muốn làm cách mạng thành công trước hết phải xây dựng được lực lượng cách mạng. Nguồn nhân lực thông minh cộng với sự sáng tạo là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bên cạnh đó là phát triển công nghệ. Tập trung triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cập nhật Khung kiến trúc Chính phủ điện tử; rà soát, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ; tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung duy nhất ở các bộ, địa phương; xây dựng hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; thiết lập hệ thống thông tin Chính phủ phi giấy tờ và hệ thống điện tử về tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; liên thông giữa hai hệ thống chứng thực chữ ký số quốc gia và chữ ký chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.
Cần dồn sức và đa dạng hóa nguồn lực để phát triển Chính phủ điện tử trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư trong ngắn hạn và trung hạn cả nguồn lực tài chính và nguồn lực con người. Phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia.
Cho rằng văn hóa chia sẻ và hợp tác chưa đi vào tư duy của nhiều người, đây được xem là một trong những rào cản rất lớn trong việc phát triển nhanh Chính phủ số, Thủ tướng nhấn mạnh, cần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về Chính phủ điện tử, kinh tế số, hạ tầng số.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) báo cáo Thủ tướng Chính phủ các đề xuất, kiến nghị cụ thể của Diễn đàn; đồng thời giao VINASA chủ trì cùng với các tổ chức xã hội khác thực hiện việc giám sát độc lập từ góc nhìn của khu vực tư nhân để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực thi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy kinh tế số tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 đã được Chính phủ đề ra trong các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn Chinhphu.vn
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126049

Trực tuyến: 173

Hôm nay: 1332