Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Lời kêu gọi đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thứ sáu, 20/04/2018 506 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Gói 60 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao là gói tín dụng đầu tiên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định dành cho một lĩnh vực cụ thể.

Thủ tướng yêu cầu phấn đấu sớm đưa Việt Nam thành một quốc gia hàng đầu về sản phẩm nông nghiệp. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Tại hội nghị về xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định gói tín dụng lên tới 60 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao. Quyết định nhanh chóng này của Thủ tướng đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của các đại biểu tại hội nghị và cả cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng nhất trí với các ý kiến là cần thiết phải sửa điều 193 Luật Đất đai về điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và Thông tư 23 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đất đai để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp.  
Theo các chuyên gia, tín dụng và đất đai chính là hai rào cản lớn nhất hiện nay để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng. Hiện chỉ có khoảng 3.643 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trên tổng số gần nửa triệu doanh nghiệp của cả nước, tức chưa tới 1%.
Một số liệu từ TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy có đến 63% doanh nghiệp nông nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, trong đó 46% rất khó khăn; về tín dụng, có đến 70% doanh nghiệp khó tiếp cận.
Vì vậy, trong số nhiều quyết định của Thủ tướng tại Hội nghị, có thể nói những chỉ đạo của Thủ tướng liên quan tới nguồn tín dụng và cơ chế tích tụ đất đai đã điểm trúng những “yết hầu” của ngành Nông nghiệp. Đây có thể coi là “cú hích” đặc biệt, là lời kêu gọi mạnh mẽ, thiết thực nhất từ Thủ tướng, Chính phủ đối với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Nhưng điều đáng mừng hơn nữa, là chỉ đạo của Thủ tướng trong việc xóa bỏ cơ chế xin cho.
“Chính phủ sẽ bỏ ngay cơ chế xin cho trong đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, thay vào đó là khuyến khích và hỗ trợ đầu tư”, Thủ tướng cho biết. Cụ thể hơn, sẽ không có chuyện chỉ một ngân hàng “độc quyền” trong gói tín dụng hàng chục nghìn tỷ, mà nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia, mục đích là chống tiêu cực, chi phí không chính thức, cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất.
Ngay tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp lớn đã tỏ rõ quyết tâm đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, từ xe hơi Trường Hải, thép Hòa Phát, Vingroup và cả FPT. Nhưng cùng với đó, Thủ tướng cũng nêu rõ thông điệp: Không phải địa phương nào được quy hoạch trong các vùng nông nghiệp công nghệ cao thì mới được phép đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Thay vào đó, cần phải bảo đảm rằng mọi nông dân Việt Nam bất kể vùng miền nào, bất kể quy mô nào, tính chất như thế nào cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Có thể thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang hết sức kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ và gia tốc của nền nông nghiệp Việt Nam. Theo Thủ tướng, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ diễn ra rất quyết liệt trên toàn cầu thì Việt Nam có 3 thế mạnh rất quan trọng, một là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, hai thế mạnh còn lại là công nghệ thông tin và du lịch.
Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, điều đó không phải bàn cãi. Nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, đúng như nhận định của Thủ tướng, đó phải là nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao mới có thể cạnh tranh.
Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất nhiều lần trăn trở về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua và đã đạt được thành tựu kỳ tích từ sau Đổi mới. Thế nhưng hàng loạt rào cản đang khiến nông nghiệp Việt Nam chưa thể phát triển mạnh mẽ tương xứng với tiềm năng. Phát biểu tại Học viện Nông nghiệp mới đây, Thủ tướng cũng đặt câu hỏi, “chúng ta cần làm gì để nông nghiệp Việt Nam sẽ là một hình mẫu vươn ra chứ không phải bị bỏ lại phía sau”.
Nông nghiệp Việt Nam tất yếu có vai trò chiến lược trong mục tiêu đưa nước ta thoát bẫy thu nhập trung bình và vươn lên trong tiến trình toàn cầu hóa, xác lập chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.
Với những quyết sách rất nhanh chóng và mạnh mẽ của Thủ tướng, có thể kỳ vọng rằng những vướng mắc với nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, sẽ sớm được tháo gỡ, một giai đoạn phát triển mới của nền nông nghiệp, đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, đứng trong nhóm các quốc gia nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.

Theo baochinhphu.vn

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126606

Trực tuyến: 101

Hôm nay: 1889