Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Giữ trọn vẹn nét đẹp ngày Tết ông Công, ông Táo

Thứ sáu, 02/02/2024 1213 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Ngày 23 tháng Chạp, là ngày mở đầu mùa lễ Tết quan trọng nhất trong năm của người Việt với tục cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời báo cáo tình hình năm qua ở hạ giới. Tục lệ này đã được lưu truyền từ xa xưa cho đến nay, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam, như một nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Thần Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, đã được Việt hóa thành sự tích “2 ông, 1 bà”, gồm thần Đất, thần Nhà và thần Bếp núc, được dân gian gọi chung là Táo quân hoặc ông Công, ông Táo.

Theo truyền thống, vào ngày 23 tháng Chạp, ông Công, ông Táo sẽ lên thiên đình, báo cáo với Ngọc Hoàng mọi việc diễn biến trong năm của gia chủ. Cứ đến thời gian này, nhà nhà lại chuẩn bị mâm cỗ cúng đầy đủ các món ăn tinh khiết ngày Tết để tiễn các vị thần về trời. Tùy theo phong tục mà nghi lễ cúng ông Công, ông Táo giữa 3 miền đất nước có sự khác biệt nhất định, song nhìn chung đều thể hiện tấm lòng thành kính của gia chủ đối với vị thần cai quản việc phúc đức trong nhà; sự hướng thiện, hướng tới các giá trị cao đẹp.

Tục lệ cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp là tục lệ có từ lâu đời trong văn hóa người Việt(Ảnh sưu tầm).

Cũng trong ngày này, người dân đều thực hành tập tục phóng sinh cá chép, bởi theo quan niệm dân gian, cá chép là phương tiện duy nhất đưa Táo quân về trời. Nghi thức phóng sinh cá chép còn ẩn chứa thông điệp cầu may mắn từ truyền thuyết “cá vượt vũ môn hóa rồng” của người Việt, mang ý nghĩa thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí vượt gian khó vươn tới thành công, hay biểu trưng cho nhân cách thanh cao, hành động hướng đến một kết quả tốt đẹp. Một số gia đình có thể mua cá chép giấy, tuy nhiên phần lớn các gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ, sau khi làm lễ xong đem ra sông thả, ngụ ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời.

Huyện Kim Sơn có hệ thống sông ngòi dày đặc với 3 sông lớn (sông Đáy, sông Càn, sông Vạc) và rất nhiều dòng sông nhỏ khác, nếu mỗi nhà đều thả túi nilong đựng cá, túi tro vàng xuống sông thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường gây ô nhiễm dòng sông, ảnh hưởng tới vẻ đẹp vốn có của mỗi dòng sông.

 Vì vậy, để hạn chế rác thải tràn ra sông hồ, trong ngày tiễn ông Công, ông Táo lên trời, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền thông điệp thả cá, không vứt túi ni lông, đồ cúng tế ra sông, hồ, ao ... gây ô nhiễm môi trường, tiếp thêm động lực trong phòng, chống rác thải nhựa, thay đổi nhận thức của người dân, nhất là thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp nối truyền thống của dân tộc trong tương lai, em Trần Thị Thoa – xã Tân Thành nói “Năm nào em cũng được bố mẹ giao cho nhiệm vụ đi thả cá, để tiễn ông Táo về trời, em thấy đây là nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn của dân tộc, và bản thân em cũng tự ý thức là không được thả túi nilong xuống ao hồ để giữ gìn vệ sinh môi trường.”

Phóng sinh cá chép là một nét đẹp văn hóa lâu đời, thể hiện tính hướng thiện, tâm từ bi của người Việt ( Ảnh sưu tầm).

Tục ăn Tết ông Công, ông Táo và phóng sinh cá chép là một nét đẹp văn hóa lâu đời, thể hiện tính hướng thiện, tâm từ bi của người Việt. Năm nay, Tết ông Công, ông Táo vào ngày hành chính nên các gia đình đều cố gắng sắp xếp công việc để hoàn thành việc làm cơm, dâng lễ, chị Trần Thị Hằng, người dân xã Kim Tân chia sẻ: “Năm nay cũng như mọi năm, gia đình tôi vẫn sửa soạn mâm lễ cúng ông Táo, cố gắng  sửa soạn mâm cỗ thật tươm tất với tấm lòng thành để dâng lên các vị thần linh, Táo Quân, tổ tiên gia đình. Mong ông Táo về trời sẽ tâu với Ngọc Hoàng những chuyện tốt đẹp của gia đình trong cả năm vừa qua. Hy vọng một năm mới bình an, hạnh phúc

Lễ Tết ông Công, ông Táo là phong tục lâu đời của người Việt với nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Để gìn giữ trọn vẹn những giá trị này, mỗi gia đình cần ý thức được mục đích, ý nghĩa của nghi thức, thành kính, trang trọng nhưng không phô trương, lạm dụng, làm méo mó ý nghĩa tốt đẹp của tục lệ. Việc thả cá cũng cần có tâm để bảo vệ môi trường sạch đẹp, đó mới là cách thực hành hướng thiện, bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc.

                                                                                                Diệu Hoa

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126345

Trực tuyến: 197

Hôm nay: 1628