Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Thứ bảy, 04/05/2024 1954 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 11 điểm ( 3 đánh giá )

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Biên tập Trang TTĐT huyện xin giới thiệu Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn.

.......

II. DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ CỦA CHIẾN DỊCH

Ngày 25/01/1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến "đánh nhanh, giải quyết nhanh". Nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc ở Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch đã thay đổi phương châm tác chiến sang "đánh chắc, tiến chắc". Đây là quyết định đúng đắn nhưng ta cũng gặp không ít khó khăn: thời gian tác chiến dài hơn, thay đổi về cách đánh nên có những việc ta phải chuẩn bị lại từ đầu, nhất là việc tổ chức, bố trí hệ thống hỏa lực của chiến dịch. Với địa hình hiểm trở, việc kéo pháo vào tập trung tại trận địa đã vô cùng khó khăn, nay lại phải kéo pháo phân tán ra các trận địa mới trên các điểm cao để tạo thành vòng cung bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắn trực tiếp vào các mục tiêu dưới lòng chảo càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, với tinh thần quả cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã tìm mọi cách vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra thành ba đợt trong gần hai tháng:

Đợt 1: Từ ngày 13/3 đến ngày 17/3/1954, quân ta đã mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ hệ thống phòng ngự trên hướng Bắc và Đông Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; mở toang cánh cửa cho quân ta tiến xuống vùng lòng chảo và khu trung tâm. Hai tiểu đoàn tinh nhuệ nhất của địch bị tiêu diệt gọn, một tiểu đoàn khác và 3 đại đội ngụy Thái tan rã. Một số lượng lớn pháo 105 ly và pháo cối 120 ly của địch bị ta phá hủy hoàn toàn, hầu hết các máy bay chiến đấu trong vùng lòng chảo đều bị ta tiêu diệt.

Đợt 2: Từ ngày 30/3 đến ngày 26/4/l954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm. Ta đã tiêu diệt khoảng 5.000 tên địch, trong số đó gồm 4 tiểu đoàn và 9 đại đội (chiếm khoảng ½ tổng số quân địch ở phân khu Bắc và phân khu trung tâm); khống chế được phần lớn điểm cao phía đông, phát triển trận địa tới sát sân bay, thắt chặt vòng vây, chia cắt, khống chế các khu vực còn lại trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm.

Đợt 3: Từ ngày 01/5 đến ngày 07/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại ở phía Đông, diệt một số cứ điểm phía Tây và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ ngày 6/5/1954, pháo binh và hỏa tiễn của ta bắn dữ dội vào các cứ điểm địch, mở đường cho bộ binh tiến công. Tại khu đồi A1, sau khi cho nổ 1 tấn bộc phá tiêu diệt hầm ngầm địch, bộ đội ta chia làm nhiều mũi, theo các đường hào đánh lên đỉnh đồi. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, Tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 22 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Sau 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt", chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 xe và toàn bộ vũ khí, kho tàng, quân trang quân dụng của địch. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, đây là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh Nhân dân thần kỳ, "được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc".

III. TỈNH NINH BÌNH TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Ninh Bình và Tỉnh đội Ninh Bình đã động viên, tổ chức và chỉ đạo quân, dân  trong tỉnh dồn sức thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng lúc này là: Ra sức phục vụ tiền tuyến chiến thắng và tận dụng thời cơ, tích cực tiến công địch trên địa bàn tỉnh, giải phóng quê hương. Từ tháng 12 năm 1953, Nhân dân và các lực lượng vũ trang Ninh Bình đã hăng hái tham gia công cuộc chuẩn bị cho chiến dịch. 

Tỉnh ủy và ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh lập Ban cung cấp mặt trận do một Tỉnh ủy viên, ủy viên ủy ban kháng chiến  hành chính tỉnh làm trưởng ban. Nhân dân và dân quân, du kích các dân tộc thuộc các huyện vùng tự do Nho Quan, Gia Viễn, Gia Khánh tham gia nhiều công sức làm lán trại, kho tàng, xây dựng và bảo vệ binh trạm tiền phương số 1 của Tổng cục cung cấp đặt tại Nho Quan. Trên dọc đường 59, 12, 21, các "quán quân dân" có từ chiến dịch Quang  Trung (5/1951) lại được xuất hiện, phục vụ đắc lực bộ đội, dân công trên đường tiến về mặt trận. Hàng vạn dân công Ninh Bình ngày đêm gánh gạo, vận chuyển vũ khí, đạn dược, thuốc men lên Điện Biên tiếp tế cho bộ đội. Các đội xe đạp thồ của các huyện vùng tự do và cả ở vùng tạm bị chiếm, trong đó đội của Gia Viễn có tới 150 người, hối hả vận chuyển gạo từ binh trạm tiền phương số 1 ở Nho Quan lên tận chân dốc đèo Pha-đin, và liên tục phá vỡ định mức thồ lúc đầu 70 kg lên đạt kỉ lục bình quân 150 kg. Khi bộ đội tiến công mạnh quân địch trong cứ điểm Điện Biên, đoàn xe đạp thồ của Ninh Bình lại làm thêm nhiệm vụ chuyển thương binh về hậu phương.

 Để đảm bảo cung cấp kịp thời gạo cho bộ đội, dân công chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở mặt trận, Ninh Bình còn huy động hàng trăm thợ lên binh trạm tiền phương đóng cối xay, làm cối giã gạo, nhiều người mang cả cối xay của nhà đi phục vụ tiền tuyến. Công việc huy động gạo cho mặt trận được các ban cung cấp tỉnh, huyện chỉ đạo tiến hành ráo riết, khẩn trương. Nhân dân lương giáo từ vùng tự do đến vùng tạm bị chiếm lâu ngày như Yên Khánh, Kim Sơn đều tự nguyện đóng góp. Nhận nhiệm vụ đột xuất chỉ trong 24 tiếng đồng hồ, Ninh Bình đã huy động được 600 tấn gạo đưa ra mặt trận.

 Phong trào tòng quân diễn ra sôi nổi, cuốn hút hàng ngàn thanh niên, dân quân hăm hở ra trận giết giặc, lập công. Các chỉ tiêu vận động tòng quân do Liên khu giao cho Ninh Bình hằng năm đều đạt và vượt mức, đợt này lại vượt mức cả về số lượng, chất lượng và thời gian. Riêng đợt tháng 4-1954, Ninh Bình đã có 3716 thanh niên trúng tuyển nhập ngũ, kịp thời bổ sung quân số cho bộ đội chủ lực của Bộ 1800 người, khu 950 người và cho bộ đội địa phương tỉnh, huyện 966 người.

Vừa dốc sức phục Vụ chiến dịch Điện Biên Phủ từ lúc chuẩn bị đến lúc kết thúc thắng lợi, quân và dân Ninh Bình vừa tận dụng thời cơ quân ta đánh lớn, thắng lợi lớn ở mặt trận Điện Biên và ở mặt trận vùng sau lưng địch. Đại đoàn 320 đã phá vỡ phòng tuyến phía tả ngạn sông Đáy, tiến sâu vào Nam Định và  Hà Nam, liên tục tiến công làm thất bại mọi cố gắng cuối cùng của địch trên địa bàn quê hương. 

Cuối năm 1953, đầu năm 1954, ta tổ chức Đột kích phá trại tập trung Bình Hòa (Yên Mô), đốt và phá 20 gian nhà. Từ tháng 3 năm 1954, từ kinh nghiệm thành công và thất bại của các lần trước, ta một mặt đưa các đội vũ trang tuyên  truyền thâm nhập vào các trại tập trung của giặc để tuyên  truyền, giáo dục, tổ chức đồng bào đấu tranh; mặt khác, đưa người thân thích của đồng bào ở ngoài vùng tự do vào thăm hỏi, động viên, vận động bà con, anh em trở về làng cũ. Do đó, ngày 20 tháng 3 năm 1954, hơn 300 đồng bào ở các trại "an cư" Kim  Sơn, Tam Châu đã nhất tề vùng lên đốt trại, bỏ về quê cũ, làng xưa sinh sống; tạo cho phong trào nổi dậy của hàng ngàn người dân bị giam hãm, kìm kẹp trong các trai tập trung nhất loạt đứng lên phá trại trở về quê quán khi quân Pháp rút chạy khỏi địa bàn tỉnh. 

Ngày 21 tháng 3 năm 1954, 5 du kích xã Khánh Thiện dùng mẹo hô hoán nghi binh, đuổi cả một đại đội địch đi bắt người, cướp của ở vị trí Đò Mười, giải thoát một số dân và 2 cán bộ, lấy lại 2 thuyền chở đầy gạo, muối và hàng hóa khác. Cũng trong tháng 3-1954, du kích Khánh Thiện liên tục quấy rối, bao vây khống chế bốt Tam Châu và sân bay Tam Châu, dùng súng trường bắn rơi 1 máy bay Đa-kô-ta của địch, diệt một số tên sĩ quan Pháp đi trên máy bay. Du kích Yên Thái (Yên Mô) chủ động bao vây vị trí núi Ôrô thuộc địa phận thôn Tri Điền; đồng thời, chặn đánh các đợt tiếp tế lương thực trên sông, bắn đắm 5 xuồng gạo của địch. Du kích Khánh Hòa, Khánh Vân, Ninh Sơn cùng các đội giao thông chiến liên tục đánh chông, mìn trên đường giao thông, làm chủ hơn 10 km đường 10. 

Tháng 4-1954, bộ đội địa phương và dân quân du kích trong tỉnh đánh địch nhiều trận, diệt 121 tên, phá hủy 5 xe tăng, 17 xe cam nhông, 6 khẩu pháo và súng máy. 

Kết hơp với tiến công quân sự, ngay từ đầu năm, phát huy chiến thắng, quân và dân Ninh Bình đã đẩy mạnh tiến công địch về chính trị bằng công tác vận động binh lính ngụy đào, ra ngũ, ra hàng hoặc làm nội ứng cho ta diệt đồn, phá bốt; đồng thời vận động các gia đình nguy binh tham gia phong trào đấu tranh đòi chồng, con đi lính trở về, vận động và tổ chức phong trào toàn dân chống địch bắt lính. Việc đấu tranh chống địch dồn dân vào các trại tập trung trá hình dưới cái gọi là trại "an cư" để làm bình phong che chắn cho các sào huyệt của chúng ở Phát Diệm, Phúc Nhạc và tách đồng bào ta ra khỏi ảnh hưởng của kháng chiến cũng được ta tổ chức  thực hiện có hiệu quả nhất định. Đến trước ngày địch  rút chạy khỏi địa bàn tỉnh, ta đã tuyên truyền, giáo dục, vận động  được 1071 ngụy binh đào ngũ, làm binh biến để ra ngũ và ra hàng, đấu tranh đòi lại và giữ được 723 thanh niên khỏi phải đi lính. 

Đáp ứng các yêu cầu của chiến dịch Điên Biên Phủ vừa chiến đấu bảo vệ vùng tự do, giải phóng vùng địch tạm chiếm, quân và dân Ninh Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã cùng nhân dân cả nước dốc lòng, dốc sức hoàn thành tốt các  nhiệm vụ chiến dấu, phục vụ chiến đấu, củng cố hậu phương đóng góp vào chiến thắng to lớn của cả nước mà đỉnh cao là chiến  thắng Điện Biên Phủ vĩ đại. 

(còn tiếp)

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126116

Trực tuyến: 209

Hôm nay: 1399