Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 30/10/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Phụ nữ công giáo làm kinh tế giỏi

Thứ hai, 21/10/2024 259 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Mặc dù xuất phát điểm khó khăn nhưng với sự chăm chỉ, cần cù, chị Phạm Thị Luyến, hội viên phụ nữ Công giáo thôn Cách Tâm, xã Xuân Chính đã vượt khó, vươn lên làm giàu. Hiện tại, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Lập gia đình năm 1997, gia đình chị Luyến đối diện với nhiều khó khăn, cuộc sống của cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, chủ yếu làm thuê trong lúc nông nhàn.Bản thân chị trăn trở và suy nghĩ rất nhiều, phải làm như thế nào để tạo cho gia đình có một công việc, một nghề gì đó có thu nhập ổn định mà lại thuận lợi cho việc chăm sóc, dạy dỗ con cái.

Nhận thấy trên địa bàn xã, nhiều gia đình đã có của ăn của để nhờ chăn nuôi, năm 2000 chị bàn với chồng và mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội qua kênh tín chấp của Hội phụ nữ với số tiền 20 triệu đồng, cộng với số tiền vay được từ anh em nội ngoại hai bên. Ban đầu vợ chồng chị xây chuồng nuôi lợn thịt, năm đầu tiên do ít kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất lên công việc chăn nuôi của vợ chồng chị cũng gặp nhiều thua lỗ. Không nản lòng, chị động viên chồng tiếp tục làm và sẵn sàng đương đầu với những khó khăn vất vả.

Chị tự học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tích cực tham dự các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Liên hiệp phụ nữ xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức, chủ động liên hệ với cán bộ kỹ thuật để được tư vấn, hướng dẫn có thêm kiến thức trong chăn nuôi, sản xuất. Và từ đó lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng chị mạnh dạn đấu thầu thêm 3 mẫu ruộng để trồng lúa, trồng cây thuốc nam trên đất 2 lúa vào vụ đông.

Chị Phạm Thị Luyến chăm sóc bạch chỉ cuối vụ.

 Do canh tác trên diện tích lớn nên thuận lợi hơn trong việc chăm sóc, vận chuyển. Bên cạnh đó, gia đình chị áp dụng các kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng (giảm lượng giống gieo, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế), kết hợp ứng dụng lồng ghép cơ giới hóa (máy làm đất, máy gặt đập liên hợp) trong khâu làm đất, thu hoạch, bảo quản và gắn với bao tiêu sản phẩm. Gia đình chị canh tác các giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm số 7, ST 25, trung bình mỗi năm thu được khoảng 10 tấn thóc, cho thu nhập khoảng 110 triệu đồng. 

Với những giống lúa chất lượng cao, gia đình chị Luyến thu được trên 100 triệu đồng/năm.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Tả lợn Châu phi nên gia đình chị đã chuyển hướng sang nuôi trồng thuỷ sản, đào 1.440m² ao để nuôi cá thả và cá giống. Đến năm 2022, nhận thấy việc trồng các loại cây dược liệu ngày càng có giá trị kinh tế cao, người dân địa phương lại có truyền thống về trồng các cây thuốc nam, chị mạnh dạn đề xuất với hội LHPN xã hỗ trợ giúp đỡ về pháp lý để thành lập Tổ hợp tác trồng cây dược liệu Cách Tâm,trồng các loại thảo dược như ngưu tất, bạch chỉ, bạch truật, trạch tả. Tổ hợp tác gồm 8 thành viên với diện tích ban đầu là 4.680m², riêng nhà chị đóng góp 1800 m2.

Đến nay diện tích trồng cây dược liệu của Tổ hợp tác là 5.760m², doanh thu năm 2023 đạt 320 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên đạt 40 triệu đồng/năm. Là tổ trưởng Tổ hợp tác, chị Phạm Thị Luyến đã đứng ra cung cấp giống và thu mua sản phẩm dược liệu thô của các thành viên để bán cho các công ty chế biến dược phẩm, đầu mối thu mua dược liệu tại Hà Nội, Nam Định, Hưng Yêngóp phần giúp Tổ hợp tác có đầu ra ổn định cho sản phẩm và có mức giá tốt nhất so với thị trường, từ đó các thành viên yên tâm sản xuất cây dược liệu.

Từ mô hình kinh tế tổng hợp, sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp trồng rau theo mùa, ao cá giống và kinh doanh sản phẩm dược liệu thô đã mang về cho gia đình chị Luyến lợi nhuận khoảng 400 - 500 triệu đồng mỗi năm.

Chị Luyến cung cấp giống và thu mua dược liệu thô của các thành viên trong tổ hợp tác.

Nhận xét về chị Luyến, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xuân Chính cho biết: “Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Luyến còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ chị em phụ nữ cũng như những người có nhu cầu trồng cây dược liệu. Tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện do địa phương phát động. Trong các buổi sinh hoạt hội viên, tích cực phát biểu ý kiến tham gia vào các công việc của chi hội để góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh”.

Trong gia đình, chị Phạm Thị Luyến làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ, quan tâm chăm sóc, động viên chồng con phấn đấu học tập, lao động, sản xuất. Gia đình chị hạnh phúc đầm ấm, con cái ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Ngoài xã hội, chị luôn thực hiện phương châm “Người giáo dân tốt trước hết phải là người công dân tốt” nghiêm chỉnh chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệt tình tham gia các công việc của địa phương. Bản thân chị Luyến luôn được Chi hội phụ nữ thôn Cách Tâm bình xét đạt tiêu chuẩn phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Ngày 17/10/2024, chị vinh dự là một trong 143 điển hình cán bộ, hội viên phụ nữ đã được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong các phong trào thi đua của tỉnh giai đoạn 2023-2024 trên lĩnh vực phát triển kinh tế.

                                                Diệu Hoa

 

 

Góp ý của nhân dân
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2091778

Trực tuyến: 21

Hôm nay: 1188