Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Làm giàu từ mô hình chế biến nông sản

Thứ tư, 09/03/2022 2190 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Làm giàu từ mô hình chế biến nông sản với các sản sản phẩm tinh bột sắn dây, nghệ, hoàng tinh…Đó là chị Ngô Thị Thu (sinh năm 1987), xóm 6, xã Lưu Phương. Chị là gương phụ nữ điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, vươn lên làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương, mang về lợi nhuận cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. 

 

Trò chuyện với chị Ngô Thị Thu được biết: Trước đây các công đoạn sản xuất, chế biến bột sắn dây đều làm thủ công rất vất vả, nhất là khâu vắt bột, chắt lọc rất tốn thời gian. Với ưu thế có chồng làm nghề cơ khí chuyên chế tạo, cải tiến các loại máy móc trong sản xuất nông nghiệp cùng với đó là nhu cầu tìm hướng phát triển kinh tế đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Anh chị đã đầu tư máy móc, thiết bị chế biến nông sản để giảm sức lao động, tăng hiệu quả kinh tế. Hiện nay, cơ sở sản xuất chế biến nông sản với các sản phẩm tinh bột sắn dây, hoàng tinh và sau này sản xuất thêm tinh bột nghệ của gia đình anh chị đã mở rộng tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Chị Ngô Thị Thu (bên phải) là một trong những gương phụ nữ điển hình sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương

 

Với vốn đầu tư máy móc trang thiết bị trên 300 triệu đồng, hiện gia đình chị Thu có hệ thống máy móc gồm: 7 máy rửa, 3 máy vắt, 3 máy nghiền, 4 bồn chở nước, 5 tủ sấy…giúp cho việc sản xuất thuận lợi và đạt năng suất cao hơn. Hằng năm, bắt đầu vào vụ sản xuất tinh bột của gia đình chị Thu từ tháng 12 âm lịch đến hết tháng 3 năm sau, nhưng bận rộn nhất là từ sau rằm tháng giêng. Đây là thời điểm nguồn nguyên liệu đạt độ già vừa phải, cho lượng tinh bột nhiều hơn hẳn. Nguyên liệu được chị Thu mua ở các địa phương trong huyện, ngoài ra để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tạo ra tinh bột nghệ chất lượng, chị Thu thường chọn nguyên liệu là nghệ nếp có hàm lượng “Nano curcumin” cao mua từ Nam Định, Hưng Yên. Sắn cũng chọn loại củ dài nhiều bột mua từ Kinh Môn (Hải Dương).

 

Chị Thu cho biết thêm: Để làm ra sản phẩm bột sắn, tinh bột nghệ phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nguyên liệu sau khi rửa sạch cho vào máy xay thật nhuyễn, chuyển qua các máy vắt, máy đánh bột rồi lọc nhiều lần bằng nước để gạn lắng tinh bột. Tiếp đó, những tảng tinh bột còn ướt nhưng đã có màu trắng sáng được đặt vào các mẹt tre, dùng quạt công nghiệp thổi khô trước khi đưa vào tủ sấy. Thời điểm sau tết trời thường nồm, ẩm ướt, ít nắng nên việc sấy trong tủ sấy vừa đảm bảo chất lượng bột, vừa hạn chế được tạp chất, bụi bẩn, côn trùng bay vào như khi phơi ngoài trời.

Các công đoạn sản xuất đều được cơ sở chế biến cẩn thận, kỹ lưỡng

Tinh bột được sấy trong tủ vừa đảm bảo chất lượng bột, vừa hạn chế được tạp chất, bụi bẩn, côn trùng

 

Trước đây, chị Thu chủ yếu sản xuất tinh bột từ của Sắn dây và Hoàng tinh, mỗi ngày chị chế biến 2,5 tấn sắn dây, mấy chục cân Hoàng tinh. Những năm gần đây, nhận thấy thị trường đang có nhu cầu sử dụng tinh bột nghệ cao, chị Thu đã mở rộng sản xuất, trung bình mỗi ngày chị sử dụng 1,5 tấn Nghệ để sản xuất tinh bột. Với công dụng hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày, chăm sóc da, chống oxy hoá, sản phẩm tinh bột nghệ ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Đối với tinh bột nghệ, để lấy được tinh chất giá trị nhất của củ nghệ, chị Thu phải lọc nhiều lần để loại bỏ hết xơ và tinh dầu có chứa chất gây nóng gan của nghệ, đồng thời vẫn giữ được màu sắc, hương vị tự nhiên và hàm lượng “curcumin” cao. Còn đối với bột sắn, bột Hoàng tinh chị cũng tỉ mỉ chắt lọc cẩn thận để loại bỏ tạp chất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng với thành phần dinh dưỡng cao nhất. Sản phẩm do được làm cẩn thận, kỹ lưỡng trong từng công đoạn nên đạt độ giòn khô, chất bột mịn, có mùi thơm mát, không lẫn tạp chất, khi thử tan mượt trong miệng, được nhiều người mua làm quà biếu, khách hàng trong và ngoài huyện đến mua bán lẻ, sỉ.

 

Với giá bán thành phẩm 100 nghìn đồng/kg tinh bột sắn, 220 nghìn/1kg tinh bột Hoàng tinh, 300 nghìn đồng/kg tinh bột nghệ và 1.050 nghìn/1 tạ củ sắn dây, 800 nghìn/tạ củ Nghệ tươi. Trừ chi phí chị Thu thu về 300 trăm triệu đồng/vụ. Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, chị Thu còn sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm sản xuất chế biến tinh bột cho các chị em trên địa bàn xã, tạo việc làm cho 8 – 10 lao động với mức thu nhập ổn định từ 300 – 500.000 nghìn đồng/người/ngày.

 

Đồng thời tạo mối liên kết, tiêu thụ nguồn sản phẩm nông sản nguyên liệu lớn cho hàng trăm hộ dân trong và ngoài xã, giúp người nông dân yên tâm sản xuất, chị Thu đã được Hội phụ nữ các cấp phối hợp với Liên minh HTX tỉnh thành lập HTX dịch vụ thương mại và sản xuất tinh bột Thu Lộc từ tháng 10/2021 với 7 thành viên, do chị Ngô Thị Thu, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX. HTX được thành lập nhằm liên kết hỗ trợ, hướng dẫn sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào với giá hợp lý, đảm bảo chất lượng cho các thành viên; tìm kiếm đơn hàng và thị trường bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định. Đồng thời, định hướng cho các thành viên trong quá trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa của HTX trên thị trường.

 

Ngoài vụ chế biến các sản phẩm nông sản từ sắn dây, nghệ, hoàng tinh, chị Thu còn năng động đầu tư 2 máy giặt và sấy để mở dịch vụ giặt là; chuyên cung cấp các loại nước giặt và tẩy rửa chuyên dụng…qua đó cũng mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình.

 

Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, chị Ngô Thị Thu là 1 trong những gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương, không những đem lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình mà còn tạo việc làm, thu nhập cho các lao động địa phương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

 

Minh Hằng

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814124

Trực tuyến: 97

Hôm nay: 1466

W88 113.80 - https://139.99.113.80/