Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ ba, 14/01/2025

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Bảo vệ thủy sản sau bão số 3

Thứ sáu, 13/09/2024 1251 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 30 điểm ( 6 đánh giá )

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi), những ngày qua, trên địa bàn huyện liên tục có mưa lớn đã làm cho môi trường nước trong ao nuôi thủy sản của vùng ven biển thay đổi, các đối tượng thủy sản nuôi, đặc biệt là tôm, giảm sức đề kháng, dễ bị dịch bệnh. Do vậy, ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương theo dõi sát tình hình, kịp thời hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp ổn định môi trường nuôi và bảo vệ thủy sản trước những tác động của thời tiết.

Cũng như các hộ nuôi trồng thủy sản của các địa phương ven biển, những ngày sau cơn bão số 3, mặc dù thời tiết mưa liên tục nhưng anh Phạm Văn Quyết, xóm 6, xã Kim Đông vẫn “đội mưa” kiểm tra các ao nuôi, theo dõi sự phát triển của các đối tượng thủy sản cũng như môi trường nước. Anh Quyết chia sẻ:Với diện tích 1,5 mẫu đầm, tôi chia thành 8 ao nổi nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm phát triển tốt và hiện đạt kích cỡ 100 con/1kg, nhưng mấy ngày qua, do mưa lớn kéo dài làm độ mặn trong ao giảm, môi trường nước không ổn định nên 1 số ao nuôi của gia đình đã có hiện tượng tôm “rớt đáy” rải rác. Trước tình hình mưa lớn kéo dài, tôi đã bổ sung khoáng chất, vitamin, men đường ruột và các chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm. Đồng thời thường xuyên theo dõi môi trường nước, sự phát triển của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời theo khuyến cáo của ngành chức năng. Tuy nhiên, nếu thời tiết có mưa lớn kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của tôm cũng như các loại thủy sản khác”.

Các hộ nuôi trồng thủy sản nâng cao sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn của tôm.

Phát huy tiềm năng, lợi thế vùng ven biển, vụ 1 năm nay toàn huyện có 2.146,4 ha thủy sản nước mặn, lợ. Trong đó diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến là 1.511,4 ha; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh là 300 ha, diện tích sản xuất giống ngao, hầu là 335 ha. Diện tích nuôi ngao thương phẩm là 1.300 ha. Nhiều năm nay, vùng nuôi thủy sản nước mặn, lợ mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp một phần không nhỏ trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện.

Những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã làm nhiệt độ giảm (nhiệt độ nước ao không mái che biến động trong khoảng 290C-31,50C, nhiệt độ nước ao nuôi công nghệ cao biến động trong khoảng 290C-30,50C); độ mặn xuống mức 0-5‰, độ kiềm, khoáng chất trong nước giảm, độc tính NOtăng làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản. Tuy nhiên, với kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, trước mùa mưa bão, phần lớn các hộ nuôi trồng thủy sản các xã ven biển đã khá chủ động trong việc bảo vệ ao đầm và các con nuôi thủy sản nên đến thời điểm này chưa ghi nhận có tác động lớn đến các diện tích nuôi trồng thủy sản. Trong vùng chỉ một số ít ao nuôi tôm có triệu chứng của bệnh EHP và đi kèm với bệnh đường ruột.

Các ao nuôi thủy sản tăng thời gian chạy sục khí để tránh hiện tượng phân tầng nước ao nuôi.

Để đảm bảo an toàn cho sản xuất thủy sản, nhất là sau cơn bão số 3, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND huyện tích cực chỉ đạo các địa phương tuyên truyền đến nhân dân chủ động tập trung chăm sóc, bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản. Trong đó, khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương nội đồng, các sông trục, sông dẫn. Cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các địa phương ven biển rà soát ao nuôi, vùng nuôi nguy cơ xảy ra ngập lụt để tuyên truyền bà con thực hiện biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi trồng thủy sản; gia cố ao nuôi, bảo vệ bờ, cống, quạt sục khí; thường xuyên kiểm tra và áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho đối tượng nuôi thủy sản khi thời tiết thay đổi. Theo đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo các hộ nuôi trồng thủy sản cần tiến hành thu hoạch ngay những diện tích thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm và không thả giống ở thời điểm này. Với những hộ nuôi tôm công nghệ cao và những ao nuôi mới thả giống thủy sản chưa đến kỳ thu hoạch, các hộ nuôi trồng thủy sản theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chủ động chuẩn bị các vật tư để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai và cần thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão.

Đối với ao nuôi tôm công nghệ cao, trong khi mưa nên tránh các hoạt động làm xáo trộn nước trong ao nuôi và sau khi mưa cần nhanh chóng rút bớt nước ở tầng mặt của ao bằng cách tháo các cửa phai của cống thoát. Đối với ao nuôi quảng canh, các hộ nuôi thủy sản rắc vôi quanh bờ ao trước khi mưa, phòng nước trôi phèn xuống làm biến động PH ao nuôi. Nâng cao sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn của tôm định kỳ 10 - 15 ngày/đợt, mỗi đợt từ 5-7 ngày. Người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời. Chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất.

Kiểm tra định kỳ nguồn nước tại các ao nuôi thủy sản. (Ảnh Báo Ninh Bình)

Đối với vùng nuôi nhuyễn thể tập trung: Sau mưa lũ, ngao, sò thường tập trung vào các góc đăng, chắn, cần tiến hành san đều ra toàn bãi. Người nuôi theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước lũ trên các con sông và tình hình mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó nhằm bảo vệ ngao một cách có hiệu quả.

Đối với vùng nuôi cá trong ao:  Khơi thông dòng chảy ở các sông, mương xung quanh ao để việc thoát nước được dễ dàng; rải vôi bột xung quanh bờ ao với lượng khảng 10 kg/100m2 để ồn định pH cho ao nuôi khi có mưa lũ. Khi mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi sẽ bị đục và pH bị giảm đột ngột nên bón vôi cho ao, đầm nuôi với liều lượng 0,7 - 1,0 kg/100 m3 nước để ổn định pH nước và làm giảm độ đục của nước ao. Bên cạnh đó, điều chỉnh lượng thức ăn, hạn chế cho thủy sản ăn khi có mưa lớn để hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí.

                                                                                                 Nguyễn Chinh

             

Góp ý của nhân dân
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2206519

Trực tuyến: 24

Hôm nay: 394