Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Về Kim Đài nghe kể chuyện bắn máy bay Mỹ

Thứ năm, 04/05/2023 940 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Khu vực Kim Đài (thuộc xã Kim Chính, huyện Kim Sơn ngày nay), là cửa ngõ đổ ra biển của sông Đáy, sông Vạc. Nơi đây được coi là vị trí chiến lược quan trọng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi được về thăm lại nơi đây, gặp gỡ những người từng là chiến sỹ của Trung đội dân quân Kim Đài - đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang, từng 5 lần bắn rơi máy bay của đế quốc Mỹ xâm lược.

Về Kim Đài nghe kể chuyện bắn máy bay Mỹ

Cựu dân quân Trung đội Kim Đài thăm lại lô cốt trên trận địa phòng thủ tại xã Kim Chính, huyện Kim Sơn.

Dùng súng trường hạ máy bay Mỹ 

Trong không khí đầm ấm tại nhà văn hóa xóm Kim Đài, chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện với những chiến sỹ của Trung đội dân quân Kim Đài năm xưa, nay đã lên ông, lên bà. Nhưng trong đôi mắt của từng người vẫn ánh lên khí chất đanh thép, kiên cường. Người trẻ tuổi nhất trong Trung đội dân quân khi xưa, nay cũng đã bước sang tuổi 70. 

Dù thời gian trôi qua đã gần 60 năm nhưng kýức về lần đầu bắn rơi máy bay Mỹ dường như vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của ông Phạm Ngọc Chương, nguyên Trung đội phó Trung đội dân quân Kim Đài; bà Trần Thị Hoa và ông Trần Văn Lực (xóm Kim Đài, xã Kim Chính). Ông Chương kể lại: "Nhận thức rõ vị trí quan trọng của khu vực Kim Đài, tháng 10/1960, Huyện ủy và cơ quan quân sự huyện Kim Sơn thành lập Trung đội dân quân Kim Đài với 42 người, tập hợp từ nam nữ dân quân, du kích của nhiều xã trong huyện. Trung đội vừa lao động sản xuất để tự bảo đảm đời sống, không dựa vào trợ cấp của Nhà nước, vừa sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ khu vực phòng thủ. 

Sáng ngày 6/9/1965, một cơn bão đổ bộ vào đất liền. Ban chỉ huy Trung đội phân công một số đội viên cùng nhân dân chống lụt bão, còn lại 14 cán bộ, chiến sỹ bám chắc trận địa trực chiến. Đúng 12 giờ cùng ngày, khi cơn bão đã yếu đi, mây đen tan dần thì 3 chiếc máy bay Mỹ xuất hiện. Chúng phóng hai loạt đạn rốc két vào trận địa, nhưng may mắn không ai bị thương vong. 

Theo lệnh của đồng chí Trung đội trưởng, đơn vị theo dõi, bám sát hướng di chuyển của những chiếc máy bay Mỹ. Vì vũ khí của dân quân khi đó chỉ là những khẩu súng trường K44 nên chúng tôi phải đợi đến khi máy bay Mỹ bay xuống thấp nhất, lọt vào tầm bắn hiệu quả. Khi những con số trên thân máy bay hiện rõ, được lệnh của chỉ huy, toàn đơn vị nổ súng. Một trong số ba chiếc máy bay Mỹ trúng đạn, bốc cháy và rơi xuống đất. Những chiếc máy bay còn lại quay đầu, rút lui ra biển. Cả trung đội vui mừng, ôm chặt lấy nhau và hô vang khẩu hiệu quyết thắng". 

Những năm sau đó, Trung đội dân quân Kim Đài được cấp phát thêm nhiều vũ khí hiện đại khác, song những khẩu súng trường K44 vẫn là thứ vũ khí đa dụng, nguy hiểm trong tay các chiến sỹ dân quân của Trung đội khi đối đầu với máy bay Mỹ. 

Khắc tinh của không quân 

Mỹ Sau lần đầu tiên bắn hạ máy bay Mỹ, trong các năm 1966 và 1967, Trung đội dân quân Kim Đài tiếp tục lập công, bắn hạ thêm 2 chiếc máy bay A4 và F4 của Mỹ. Với những chiến công đó, Trung đội dân quân Kim Đài được tặng danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng" nhiều năm liền trở thành lá cờ đầu về phong trào dân quân của tỉnh. 

Ngày 22/12/1969, Trung đội dân quân Kim Đài được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang". 

Tháng 4/1972, giặc Mỹ đánh phá trở lại miền Bắc trong đó có tỉnh Ninh Bình. Lần này chúng đánh phá ác liệt hơn, tăng cường thủ đoạn đánh đêm. 

Thời gian đầu, những trận đánh trả của lực lượng dân quân tự vệ chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Với Trung đội dân quân Kim Đài cũng vậy. Sau hơn một tháng bước vào cuộc chiến đấu mới với nhiều trận đánh quyết liệt nhưng Trung đội chưa giành được thắng lợi. Sống lại những ký ức hào hùng ngày đó, ông Chương kể tiếp: Bằng trí tuệ của tập thể, một kế hoạch tác chiến táo bạo được nêu ra. Toàn trung đội được chia ra làm ba bộ phận: một bộ phận chiến đấu và sản xuất tại chỗ do chính trị viên chỉ huy; một bộ phận làm công tác vận chuyển súng đạn, lương thực, thuốc men; một bộ phận do trung đội trưởng chỉ huy cơ động tìm địch để đánh, tìm nơi sơ hở của địch để diệt. Phương án ra khơi diệt địch của Trung đội dân quân Kim Đài được cấp trên chấp thuận. Tại một cồn cát nhỏ ngoài biển, gần khu vực Cồn Nổi hiện nay, dù gặp phải vô vàn khó khăn, các chiến sĩ dân quân của Trung đội vẫn giữ vững quyết tâm, kiên trì đợi địch, đồng thời áp dụng nhiều sáng kiến để xây dựng và bảo vệ trận địa. 

Ngày 16/8/1972, hàng loạt máy bay của không quân Mỹ xuất hiện, chúng bay cao, ầm ầm lao vào đất liền. Bám chắc mục tiêu, những nòng súng 12 ly 7 nhằm thẳng quân thù nhả đạn. Với những đường đạn chính xác, một chiếc máy bay Mỹ bị trúng đạn, mất thăng bằng, chòng chành và bốc cháy, lao xuống biển sâu. 

Về Kim Đài nghe kể chuyện bắn máy bay Mỹ

Những chiến sỹ của Trung đội dân quân Kim Đài khi xưa, nay gặp gỡ, ôn lại những ký ức hào hùng bắn rơi máy bay Mỹ.

 

Đến ngày 30/9/1972, đơn vị dân quân Kim Đài một lần nữa lập công xuất sắc, bắn hạ thêm một máy bay Mỹ. Với tinh thần cảnh giác, đánh giỏi, bắn trúng, trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, trong tổng số 8 chiếc máy bay các loại của Mỹ bị bắn rơi trên địa bàn huyện Kim Sơn, riêng Trung đội dân quân Kim Đài đã bắn hạ 5 chiếc máy bay. 

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đội dân quân Kim Đài được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba; 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì và 1 Huân chương Chiến công hạng Ba. Sau khi đất nước hòa bình, những chiến sỹ của Trung đội dân quân Kim Đài trở về địa phương, tiếp tục lao động, công tác. 

Giờ đây khi chiến tranh đã lùi xa, những dân quân thuộc Trung đội Kim Đài khi xưa đã cao tuổi, có người đã không còn nữa, song những năm tháng gian khổ mà hào hùng, những chiến công oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của quân và dân địa phương sẽ luôn được khắc ghi, lan tỏa, âm vang mãi. Từ đó "truyền lửa" cho thế hệ trẻ Ninh Bình nói chung, huyện Kim Sơn và đặc biệt là xã Kim Chính nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, tích cực tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc. 

Để ghi nhớ những chiến công của đơn vị dân quân Kim Đài anh hùng, mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo khu du kích Kim Đài và các hạng mục phụ trợ phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, an ninh. Khi dự án hoàn thành, đây sẽ là một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, đồng thời đây có thể là một điểm tham quan, du lịch để tìm hiểu lịch sử cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ. 

Nguồn: Báo Ninh Bình điện tử.

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126505

Trực tuyến: 154

Hôm nay: 1788