Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ sáu, 27/12/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Tăng cường các biện pháp phòng, chống việc đốt pháo nổ và thả “đèn trời” trong dịp Tết Nguyên đán

Thứ ba, 17/04/2018 852 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Chúng ta đều biết, pháo là sản phẩm được làm từ thuốc nổ (thường là hỗn hợp của than củi, lưu huỳnh, muối nitrat kali) để tạo âm thanh và một số phụ gia (bột kim loại, hóa chất tạo màu) để tạo ánh sáng. Trước đây pháo thường được sử dụng trong các dịp hội hè, lễ, Tết hoặc các sự kiện quan trọng với quan niệm tâm linh nhằm xua đuổi tà ma, quỷ dữ, tạo niềm vui phấn chấn trong gia đình và cộng đồng.


Tuy nhiên thực tế nhiều năm trước đây cho thấy việc đốt pháo nổ đã bị lạm dụng, biến tướng, khác rất xa so với ý nghĩa ban đầu của pháo. Người ta đua nhau sáng tạo ra rất nhiều loại pháo: Cỡ to, cỡ nhỏ, pháo bánh, pháo quả, pháo giật, pháo ném... Có nhiều loại pháo được làm với lượng thuốc nổ lớn, khi đốt pháo phát ra âm thanh cực lớn và sức công phá rất mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và an toàn của người dân.

Về tác hại của pháo thì có nhiều, trong đó phải kể đến trước hết là nguy cơ an toàn, việc sản xuất, vận chuyển, tàng trữ một lượng lớn nguyên liệu hoặc thành phẩm pháo nổ, nếu sơ xuất để xảy ra cháy nổ sẽ gây thiệt hại không nhỏ về vật chất và tính mạng, sức khỏe con người. Thứ hai là ô nhiễm môi trường, khi đốt pháo với số lượng lớn sẽ tạo ra một lượng lớn khí lưu huỳnh đioxit, nitơ dioxit, cacbon dioxit, cacbon monoxit... là những chất có hại cho sức khỏe con người, kích thích mạnh đường hô hấp làm con người bị ho, bị viêm phế quản. Thứ ba, về kinh tế, việc đốt pháo tràn lan, nhà nhà đua nhau đốt nhiều pháo, tiếng nổ lớn, ánh sáng độc đáo... dẫn đến mỗi năm trước đây ở nước ta tiêu tốn hàng chục tỷ đồng, trong khi còn rất nhiều gia đình khó khăn, còn rất nhiều người phải vật lộn mưu sinh hàng ngày...

Vì lẽ đó, năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 406/CT-TTg “về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo”; Năm 2009 Chính phủ có Nghị đình số 36/NĐ–CP “về quản lý, sử dụng pháo” và Quyết định số 95/QĐ-TTg cảu Thủ tướng Chính phủ “Về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả đèn trời”.

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị, Nghị định của Chính phủ về việc cấm đốt pháo. Trong những năm qua, do làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của người dân; sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong việc vận động người dân hưởng ứng, chấp hành... và việc thường xuyên tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, răn đe, ngăn chặn, xử lý các biểu hiện và hành vi vi phạm... nên việc đốt pháo nổ trên địa bàn tỉnh ta, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đã hầu như được chấm dứt, được đông đảo người dân hoan nghênh và đồng tình ủng hộ, góp phần tạo môi trường trong lành ngày xuân, giữ gìn an ninh-trật tự an toàn xã hội và thực hiện tiết kiệm đến mọi người, mọi nhà...

Tuy nhiên, bên cạnh hầu hết người dân tự giác, nghiêm túc chấp hành thì đó đây ở nơi này, nơi kia trên địa bàn tỉnh vẫn có những người cố tình mua bán, vận chuyển, tiêu thụ và sử dụng pháo trong các dịp Tết Nguyên đán. Việc đốt pháo không chỉ tạo nên các tác động tiêu cực về môi trường, an toàn, kinh tế như nói trên mà còn gây bức xúc trong nhân dân.
 
Để chủ trương cấm đốt pháo, thả đèn trời được thực hiện nghiêm túc, triệt để, cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người dân, nhất là đối với thanh, thiếu niên, học sinh. Các tổ chức, đoàn thể, các nhà trường tăng cường giáo dục, vận động hội viên, đoàn viên và các em học sinh thực hiện cam kết không đốt pháo, không thả đèn trời. Các bậc ông bà, cha mẹ cần quan tâm giáo dục, nhắc nhở con cháu, nhất là đối với những thanh niên đi làm ăn xa (ở các tỉnh biên giới phía Bắc) không mua pháo, đốt pháo.
Các cơ quan chức năng cần thường xuyên tuần tra, kiểm soát nắm chắc tình hình ở cơ sở, kịp thời phát hiện các đối tượng vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Mặt khác cũng cần có hình thức phê bình, kỷ luật đối với các địa phương, đơn vị để xảy ra việc đốt pháo, thả đèn trời và khen thưởng, động viên đối với các đơn vị thực hiện nghiêm Nghị định của Chính phủ về việc cấm đốt pháo.

Theo baoninhbinh.org.vn

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2183865

Trực tuyến: 19

Hôm nay: 144