Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Nguồn vốn chính sách giúp những người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

Thứ ba, 31/10/2023 280 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thực hiện chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh đã tích cực triển khai, giúp đối tượng được vay vốn nhanh chóng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh giải ngân vốn chương trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù

Người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về việc làm. Để góp phần hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một cơ chế cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, đồng thời cũng có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Quyết định số 22 đã quy định cụ thể đối tượng vay vốn gồm người chấp hành xong án phạt tù; cơ sở sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh) có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Mức vốn cho vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa là 100 triệu đồng; cơ sở sản xuất, kinh doanh vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở… Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Ngân hàng CSXH thực hiện phương thức cho vay thông qua hộ gia đình đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng CSXH. Trường hợp trong hộ gia đình không còn thành viên nào từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật thì người chấp hành xong án phạt tù trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng CSXH. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay trực tiếp.

Ông Phạm Đức Cường, Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, cho biết: Chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là chủ trương chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện giúp người chấp hành xong án phạt tù sớm trở thành công dân có ích cho xã hội, hạn chế tái phạm tội, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế xã hội. Để chính sách mới nhanh chóng đi vào cuộc sống, Ngân hàng CSXH đã phối hợp với công an, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi đến với đối tượng thụ hưởng theo quy định. Cùng với đó, Ngân hàng CSXH đã phối hợp với công an cấp xã rà soát, nắm bắt nhanh nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của các đối tượng thuộc diện thụ hưởng. Qua rà soát trên địa bàn tỉnh có 13 người chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong đợt triển khai đầu tiên. Trên cơ sở đó, Trung ương đã phân bổ 1,1 tỷ đồng cho tỉnh Ninh Bình thực hiện chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù và Ngân hàng CSXH đang tích cực phối hợp với các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ vay và giải ngân cho vay theo quy định.

Vừa được giải ngân vốn vay, chị Trần Thị Lý, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) thân nhân người vừa chấp hành xong án phạt tù, phấn khởi chia sẻ: Sau khi cải tạo tốt và chấp hành xong án phạt tù, chồng tôi trở về địa phương với mong muốn tìm được công việc chân chính để làm lại cuộc đời. Để giúp chồng tôi tái hòa nhập cộng đồng, các cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể và cán bộ công an phường đã trực tiếp xuống nhà để tìm hiểu nhu cầu làm ăn, bảo lãnh, tín chấp giúp gia đình được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH. Với nguồn vốn này, gia đình tôi dự định mở một cửa hàng tạp hóa, tạo việc làm cho 1-2 lao động.

Theo Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, với sự vào cuộc, hỗ trợ của các cấp, ngành, nhất là lực lượng công an, các tổ chức chính trị - xã hội, từ ngày 11/10 đến nay, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã giải ngân 660 triệu đồng cho chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Ngay sau khi giải ngân, cán bộ Ngân hàng CSXH đã phối hợp tư vấn, hướng dẫn người vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích nhằm đạt hiệu quả cao nhất, góp phần ổn định và cải thiện đời sống.

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình tín dụng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù đến người dân và các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời khẩn trương thực hiện giải ngân chương trình cùng các chương trình tín dụng khác đang triển khai đã được Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh giao, góp phần ổn định và cải thiện đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác, chính quyền địa phương, lực lượng công an kiểm tra, giám sát vốn vay, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả./.

Bài, ảnh: Hồng Giang

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126513

Trực tuyến: 134

Hôm nay: 1796