{Emagazine} Các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên là nguồn lực, trụ cột và động lực quan trọng để Ninh Bình phát triển bền vững
Sau 10 năm trở thành di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An đã có thêm sứ mệnh mới, trở thành trung tâm của "Đô thị di sản thiên niên kỷ" hàm nghĩa trên cả bình diện lịch sử đô thị hàng nghìn năm và tầm nhìn về một hình mẫu đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, hài hòa giữa không gian nhân tạo với không gian thiên tạo, phát triển dựa trên khả năng tối đa hóa tính độc đáo, giá trị văn hóa, bản sắc địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa phục dựng, bảo tồn di sản và phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh Ninh Bình tự hào có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và di tích lịch sử-văn hóa (trên địa bàn tỉnh có 1.821 di tích và gần 400 di sản văn hóa phi vật thể), được bồi tụ bởi nhiều lớp trầm tích văn hóa, giao thoa của 3 vùng kinh tế và văn hóa (vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng rừng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ). Cùng với những di tích lịch sử ghi dấu sự xuất hiện của người tiền sử cách đây hơn 3 vạn năm, cư dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ đã sáng tạo, lưu truyền, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc với cốt cách riêng; trong đó Cố đô Hoa Lư là Kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt-Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc với 3 triều đại: Đinh-Tiền Lê-Lý. |
Quang cảnh Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.
Ngay từ khi tái lập tỉnh (1/4/1992), Ninh Bình đã chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, khoanh vùng cấm và tạm cấm khai thác các dãy núi đá vôi, rừng đặc dụng để thực hiện chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế từ "Nâu" sang "Xanh". Đây đã là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội, đã sớm được định hình và có những bước đi bài bản. Đầu những năm 1990 của thế kỷ XX, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trình UNESCO đưa Khu di tích Cố đô Hoa Lư vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ Di sản thế giới. Tuy nhiên, sau khi tham vấn chuyên gia cao cấp UNESCO, các công trình và kết quả nghiên cứu về giá trị văn hóa của di sản vào thời điểm lúc đó chưa đủ cơ sở khoa học cho việc lập hồ sơ. Chính vì vậy, năm 2003, tỉnh Ninh Bình đã trình Chính phủ sau đó được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Quyết định số 82/2003/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư. Đây chính là cơ sở quan trọng cho tỉnh Ninh Bình triển khai hàng loạt dự án nghiên cứu, khai quật khảo cổ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong khu vực Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc-Bích Động, Khu du lịch sinh thái Tràng An và chùa Bái Đính. |
Khai quật khảo cổ tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.
Với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng hồ sơ di sản, đảm bảo trong thời gian ngắn nhất, hoàn thành hồ sơ đạt chất lượng cao nhất, sớm trình UNESCO xem xét, công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản thế giới, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó: Thành lập Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An với chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh trong công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, khai thác và phát huy các giá trị Quần thể danh thắng Tràng An, đảm bảo thống nhất đầu mối quản lý một khu di sản thế giới theo yêu cầu của UNESCO; mời cơ quan, đơn vị, nhà khoa học, chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước (tiêu biểu như Trường Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) và Viện Khảo cổ, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) tham gia, triển khai nhiều dự án nghiên cứu về giá trị cảnh quan, địa chất, địa mạo và khai quật khảo cổ học; tổ chức nhiều hội thảo khoa học để tham vấn ý kiến; đã làm rõ Tràng An chứa đựng nhiều giá trị tiêu biểu về thiên nhiên và văn hóa. Trên cơ sở đó, xây dựng hồ sơ, bảo vệ thành công các luận cứ khoa học trước Ủy ban Di sản thế giới và ngày 25/6/2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, trở thành di sản hỗn hợp thứ 31 trên thế giới, thứ 11 ở châu Á-Thái Bình Dương và là Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á theo 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu, đó là: Tiêu chí (v) "là thí dụ nổi bật về truyền thống cư trú và sử dụng đất của loài người, đại diện cho sự tương tác của con người với môi trường"; Tiêu chí (vii) "chứa đựng các hiện tượng siêu nhiên hoặc các khu vực có vẻ đẹp tự nhiên và giá trị thẩm mỹ đặc biệt"; Tiêu chí (viii) "là thí dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn lịch sử chính của trái đất, bao gồm các bằng chứng về sự sống, các quá trình địa chất quan trọng đang diễn ra trong quá trình tiến hóa của cảnh quan hoặc các đặc điểm địa mạo hay thủy văn nổi bật". |
Quần thể danh thắng Tràng An.
Các nhà khảo cổ học khai quật tại một số hang động trong khu vực Quần thể danh thắng Tràng An.
Các tiêu chí đã khẳng định: Quần thể danh thắng Tràng An là địa điểm nổi bật trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới với các bằng chứng về quá trình tương tác của người cổ xưa với cảnh quan thiên nhiên và nỗ lực thích ứng của họ với những biến cố môi trường trong hơn 30.000 năm, từ 1.200 đến 33.000 năm trước. Lịch sử văn hóa liên tục và tương đối dài có mối quan hệ chặt chẽ với tiến hóa địa chất gần đây của khối các-tơ đá vôi Tràng An. Quần thể danh thắng Tràng An là dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan, giữa thiên nhiên và con người đã tạo nên sự kết nối giao thoa hài hòa trong không gian văn hóa cộng sinh. Khu vực di sản Quần thể danh thắng Tràng An hiện có 429 di tích (trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 36 di tích cấp tỉnh), được phân bố đều khắp ở 18 xã, phường. Đây là kho tàng chứa đựng các đặc điểm vàng son của lịch sử và truyền thống dân tộc, được cha ông ta từ ngàn đời truyền lại, nơi trị sở ở trước thế kỷ X, nơi được chọn là Kinh đô đầu tiên của Nhà nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ X-Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc và là Hành cung của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII. Do đó, nơi đây chứa đựng nhiều di tích lịch sử, tôn giáo nổi tiếng, các giá trị thiên nhiên và văn hóa độc đáo, riêng có, cùng nhau hòa quyện, làm nổi bật giá trị toàn cầu của Di sản Tràng An. |
Quang cảnh khu đền Thái Vi.
Việc Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản thế giới đã minh chứng cho quyết tâm chính trị cao; sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng bộ tỉnh; sự tham gia của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của Nhân dân tỉnh Ninh Bình. Đây là một hành trình dài, nhiều khó khăn, thử thách, nhưng đã khẳng định sự đúng đắn trong nhận thức từ sớm, khẳng định chủ trương bảo tồn các giá trị văn hóa và cảnh quan tự nhiên gắn với phát triển du lịch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh qua các thời kỳ là hoàn toàn đúng đắn; khẳng định công sức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của các thế hệ người dân Ninh Bình; đồng thời nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành ở Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; đưa Quần thể danh thắng Tràng An có tên trong bản đồ Di sản thế giới và đưa Ninh Bình hội nhập vào mạng lưới các đô thị di sản sở hữu danh hiệu UNESCO trên thế giới. |
Lễ đón Bằng UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Sau khi Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh, tỉnh Ninh Bình xác định, công tác quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh; thực hiện nghiêm, có hiệu quả theo các quy định của Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ về quy định quản lý Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình. Các yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban Di sản Thế giới được thực hiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. Các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản được tôn trọng và gìn giữ, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của di sản được nâng lên rõ rệt; công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh; công tác xúc tiến, quảng bá, diễn giải các giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch thường xuyên được đổi mới. Đây là những giải pháp, hành động cụ thể là cam kết mạnh mẽ của tỉnh Ninh Bình nhằm đảm bảo tính toàn vẹn, tính xác thực và các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. |
Giữ gìn môi trường sinh thái tại Quần thể danh thắng Tràng An.
Đặc biệt, Tràng An là một trong số ít di sản chịu sự tác động của con người, thậm chí con người và thiên nhiên hòa thuận, mang lại lợi ích cho nhau. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững đã phát huy sức sống, tiềm năng và giá trị di sản, để di sản thực sự là của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ và gìn giữ. Theo ước tính, số lao động trực tiếp tại khu vực Quần thể danh thắng Tràng An là hơn 10.000 người, lao động gián tiếp hơn 20.000 người, thu nhập của cộng đồng dân cư địa phương được nâng cao rõ rệt qua từng năm. Các khu, điểm du lịch trong khu di sản đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân, thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Bình. Một trong những thành công điển hình của Ninh Bình là đã vận dụng linh hoạt mô hình hợp tác công-tư, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên: Cộng đồng (người dân)-Chính quyền-Doanh nghiệp. Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được tổ chức tại Ninh Bình năm 2022, bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO đã đánh giá: "Tràng An là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh ngiệp". Theo thời gian, giải pháp này thực sự đã phát huy hiệu quả trên các phương diện: Huy động được các nguồn lực của nhiều thành phần kinh tế trong đầu tư hạ tầng du lịch, hạ tầng dân sinh, gắn phát triển du lịch với bảo tồn di sản; huy động được nguồn lao động trong cộng đồng dân cư trong khu di sản tham gia vào các hoạt động du lịch, góp phần tạo sinh kế cho người dân; cộng đồng dân cư được tham gia vào việc hoạch định các cơ chế, chính sách, tham gia quản lý di sản, hưởng lợi từ di sản, hình thành sự cân bằng giữa bảo tồn và đảm bảo sinh kế người dân, tiến tới xây dựng cộng đồng trở thành "Trung tâm" trong công tác bảo vệ di sản. |
Tràng An vào hội.
Quần thể danh thắng Tràng An thực sự đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, khẳng định được vị trí du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Tính từ thời điểm lập hồ sơ đề cử danh hiệu di sản vào năm 2012, tỉnh Ninh Bình chỉ có trên 1 triệu lượt khách. Đến năm 2019, sau 5 năm được UNESCO ghi danh, tỉnh Ninh Bình đã đón hơn 7,65 triệu lượt; lượng khách giai đoạn 2010-2019 tăng trưởng bình quân đạt hơn 12%/năm; doanh thu từ du lịch đạt mức tăng trưởng 24,17%/năm; trong đó, năm 2019 đạt 3.671 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần so với 2010. Trong các năm 2020-2022, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng Ninh Bình tiếp tục được nhiều chuyên trang du lịch uy tín (như TripAdvisor, Telegraph, Business Insider...) đánh giá là điểm đến an toàn và hấp dẫn. Năm 2022, du lịch Ninh Bình đã có sự phục hồi mạnh mẽ, toàn tỉnh đón 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước; doanh thu tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2023, toàn tỉnh đón 6,6 triệu lượt khách (riêng Quần thể danh thắng Tràng An đón khoảng 4,6 triệu lượt khách), doanh thu gần 6.500 tỷ đồng. Nhiều năm liền, Ninh Bình giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước. Những kết quả này đã góp phần quan trọng đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang tính điều hướng. |
Du khách tham quan Tràng An.
Sau 32 năm tái lập tỉnh, bằng ý chí và khát vọng phát triển mạnh mẽ, tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu to lớn: Từ năm 2022 trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương, vươn lên thành địa phương có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 12 cả nước; trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại của đất nước; trung tâm du lịch tầm quốc gia và quốc tế; phát triển nông nghiệp sinh thái, đa giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật. Tăng trưởng kinh tế luôn gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, coi trọng phát huy nguồn lực tự nhiên và nguồn lực văn hóa trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế, phát triển bền vững. Giữ vững địa bàn trọng yếu về quốc phòng-an ninh. Hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng. Là điểm đến an toàn, tạo được niềm tin của du khách và các nhà đầu tư. Sự phát triển của Ninh Bình đang diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều thay đổi mau lẹ, có nhiều yếu tố mang tính thời đại. Bên cạnh đó Tràng An là một "di sản sống" nơi quần cư của hơn 44.000 người dân bản địa. Do vậy, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản thế giới Tràng An hiện nay cũng đặt ra nhiều thách thức. Đó là việc tiếp tục giải quyết hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế-xã hội, nhất là các hoạt động du lịch và bài toán sinh kế của người dân trong vùng di sản. Công tác quản lý đất đai, sử dụng tài nguyên du lịch trong khu di sản; công tác nghiên cứu khoa học; đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan môi trường chưa tương xứng với vị thế và tầm vóc của di sản; sản phẩm du lịch chưa khai thác hết các giá trị truyền thống văn hóa-lịch sử của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Nhìn lại sau một thập niên được ghi danh là Di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, trở thành nguồn lực, trụ cột và động lực quan trọng trong xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế, đưa Ninh Bình phát triển bền vững. Đến nay, Quần thể danh thắng Tràng An đã có thêm sứ mệnh mới trở thành "trái tim" của "Đô thị di sản thiên niên kỷ", thành phố sáng tạo trong tương lai. |
Thành phố Ninh Bình hôm nay.
Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa và thách thức của biến đổi khí hậu cùng các vấn đề xã hội khác, tỉnh Ninh Bình luôn xác định quan điểm phát triển bền vững dựa trên nền tảng các tiềm năng, thế mạnh, giá trị nổi trội, riêng có của tỉnh, nhất là về hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên, các danh hiệu UNESCO, thời gian tới, Ninh Bình sẽ tập trung vào các định hướng sau: Một là, quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục kiên định phát triển kinh tế-xã hội theo hướng "Xanh, bền vững và hài hòa"; phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa-lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An làm nền tảng, nguồn lực và động lực phát triển, để trở thành trung tâm văn hóa-lịch sử, du lịch của quốc gia và quốc tế; phát triển đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại; quyết tâm nỗ lực xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Nghiên cứu, báo cáo, đề xuất với Trung ương ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách cho tỉnh Ninh Bình thực hiện thành công các nhiệm vụ trên. |
Tuần du dịch Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An.
Hai là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo, kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; coi trọng phát triển văn hóa, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế; giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử-văn hóa và thiên nhiên. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa và đổi mới sáng tạo, trở thành một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh phía Nam vùng Đồng bằng Sông Hồng; trong đó tập trung quy hoạch, phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa-lịch sử Cố đô Hoa Lư, xây dựng các thiết chế văn hóa lớn, xây dựng và tổ chức thực hiện các Đề án quan trọng liên quan. Ban hành các chính sách riêng cho bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa, lịch sử, di tích trên địa bàn tỉnh. Ba là, nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về di sản để giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát huy giá trị phục vụ phát triển trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện và thực hiện mô hình hợp tác công-tư trong quản lý, phát huy giá trị di sản; đẩy mạnh xã hội hóa trong phát huy các giá trị của di sản, thực hiện trên nền tảng 4 chủ thể: Người dân-Nhà nước-Nhà khoa học-Doanh nghiệp. Xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu của phát triển bền vững; nâng cao trách nhiệm của cả cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân tham gia bảo vệ di sản, bảo tồn các di tích lịch sử-văn hóa, các di sản văn hóa phi vật thể, phát triển đa dạng sinh học, tạo việc làm và thu nhập tốt cho cộng đồng sống trong khu di sản. |
Quang cảnh Lễ khai mạc Festival Ninh Bình - Tràng An năm 2023.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, kết nối nội bộ giữa các khu, điểm du lịch với nhau và với các trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ của tỉnh. Năm là, chủ động và tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác ngoại giao kinh tế, văn hóa, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong công tác phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa-lịch sử Cố đô Hoa Lư, hướng tới xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ; thúc đẩy hợp tác với các Tổ chức Văn hóa quốc tế; Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc trong phát huy giá trị toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An, quảng bá mạnh mẽ giá trị, hình ảnh văn hóa-con người-thiên nhiên Ninh Bình đến với bạn bè trong nước, quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài. Nguồn: Báo Ninh Bình |
-
Xây dựng khối đại đoàn kết vì mục tiêu chung
Chủ nhật, 17/11/2024 87 lượt xem
-
Đồng chí Bùi Xuân Diệu được điều động, bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
Thứ sáu, 15/11/2024 213 lượt xem
-
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
Thứ năm, 14/11/2024 63 lượt xem
-
Công bố Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình
Thứ ba, 05/11/2024 760 lượt xem
-
Bàn giải pháp nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội
Thứ ba, 29/10/2024 82 lượt xem
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
-
Thông báo Kết quả xét tuyển Vòng 1 và triệu tập thí sinh đủ điều kiện dự tuyển Vòng 2 Kỳ tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện Kim Sơn năm 2024
Thứ tư, 20/11/2024 111 lượt xem
-
THÔNG BÁO Chỉ tiêu tuyển dụng viên chức còn lại sau khi tổ chức xét tuyển theo chính sách thu hút
Thứ tư, 06/11/2024 242 lượt xem
-
V/v góp ý vào dự thảo báo cáo kết quả thẩm tra hồ sơ và mức độ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024 đối với 04 xã Hùng Tiến, Như Hoà, Văn Hải và xã Thượng Kiệm
Thứ hai, 21/10/2024 308 lượt xem
-
THÔNG BÁO Về việc lấy ý kiến đối với việc đề nghị xét tặng danh hiệu “Xã, thị trấn tiêu biểu” năm 2024
Thứ hai, 21/10/2024 227 lượt xem
-
Thông báo tổ chức thực hiện “Tuần dịch vụ công trực tuyến”
Thứ sáu, 04/10/2024 107 lượt xem
-
QĐ công bố cơ sở cai nghiện ma tuý tự nguyện
Ban hành: 04/11/2024
-
Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra huyện Kim Sơn
Ban hành: 01/11/2024
-
QUYẾT ĐỊNH Về việc công bố thủ tục hành chính và phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được phân cấp cho Phòng Nội vụ huyện Kim Sơn
Ban hành: 30/10/2024
-
V/v tham gia Chiến dịch tuyên truyền “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024”
Ban hành: 18/10/2024
-
BC Kết quả tổ chức thực hiện “Tuần dịch vụ công trực tuyến” tại Trung tâm Một cửa liên thông huyện
Ban hành: 10/10/2024
-
NQ quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện Kim Sơn
Ban hành: 09/10/2024
-
QUYẾT ĐỊNH Về việc giao đất cho ông Phạm Văn Khoa và vợ là Đoàn Thị Thu, địa chỉ tại xóm Luận, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Ban hành: 08/10/2024
-
QUYẾT ĐỊNH Về việc giao đất cho ông Nguyễn Văn Tiến và vợ là Phạm Thị Khánh Linh, địa chỉ tại phố Phúc Nam, phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
Ban hành: 08/10/2024
-
QUYẾT ĐỊNH Về việc giao đất cho ông Giang Văn Độ và vợ là bà Nguyễn Thị Hương, địa chỉ tại phố Văn Miếu, phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
Ban hành: 08/10/2024
-
QUYẾT ĐỊNH Về việc giao đất cho ông Giang Văn Độ và vợ là bà Nguyễn Thị Hương, địa chỉ tại phố Văn Miếu, phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
Ban hành: 08/10/2024
Lượt truy cập: 2126402
Trực tuyến: 215
Hôm nay: 1685