Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Bàn giải pháp khôi phục sản xuất sau mưa lũ và đẩy mạnh sản xuất vụ đông năm 2017

Thứ năm, 19/04/2018 1207 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Chiều 26/10, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị bàn giải pháp khôi phục sản xuất do ảnh hưởng của mưa lũ và đẩy mạnh sản xuất vụ đông năm 2017.

Quang cảnh hội nghị.


Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố, một số doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ ngày 9 đến 12/10, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn, lượng mưa có đợt lên tới trên 400 mm, mực nước trên các triền sông đều vượt báo động 3.
Báo cáo tình hình thiệt hại do mưa lũ của Sở NN&PTNT tại hội nghị cho biết: đã có trên 15 nghìn ha lúa mùa bị thiệt hại, gần 2.500 ha cây vụ đông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, 390 ha cây trồng hàng năm, 53 ha cây ăn quả, 15 ha rừng và nhiều diện tích hoa, cây cảnh bị ảnh hưởng; gần 1.900 tấn lương thực bị trôi, hư hỏng.
Về chăn nuôi: trên 6 nghìn con gia súc, động vật nuôi, trên 87 nghìn con gia cầm bị chết và cuốn trôi; trên 6.200 diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Một số công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng.
Những ngày qua, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đã huy động các nguồn lực khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa, rau màu và thủy sản. Tập trung khắc phục các diện tích bị ngập, bồi lắng; bờ vùng, bờ thửa bị hư hại.
Đối với rau màu vụ đông, chỉ đạo tập trung chăm sóc đối với những diện tích có thể phục hồi; chuẩn bị hạt giống để trồng lại với những diện tích bị thiệt hại hoàn toàn. Tiếp tục sản xuất các loại cây trồng vụ đông còn thời vụ như khoai tây, rau các loại.
Về chăn nuôi, tiến hành vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng, sửa chữa khôi phục chuồng trại, trồng cây thức ăn. Với diện tích thủy sản, gia cố lại bờ ao, xử lý môi trường, thả thêm giống mới đảm bảo sản phẩm phục vụ cuối năm.
Để khôi phục sản xuất, Ninh Bình đang đề xuất Trung ương hỗ trợ: 715 tấn giống lúa, 50 tấn hạt giống ngô, 8 tấn hạt giống rau, 25 nghìn lít hóa chất, 30 tấn vicato với tổng kinh phí gần 45 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với phương án khắc phục sản xuất của Sở Nông nghiệp. Các huyện, thành phố cũng cho biết đã sớm chủ động lên phương án khắc phục sản xuất, tìm kiếm các viện nghiên cứu, doanh nghiệp để liên kết cung ứng giống và tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông...
Tuy nhiên, địa phương đề nghị tỉnh cần sớm thống nhất sẽ hỗ trợ những giống cây gì, số lượng bao nhiêu để địa phương sớm lên kế hoạch sản xuất. Một số ý kiến cho rằng nên để bà con chủ động mua giống sau đó nhà nước nghiệm thu và hỗ trợ bằng tiền.
Về phía các doanh nghiệp đều khẳng định sẽ đồng hành cùng bà con nông dân, tìm các giống cây có hiệu quả kinh tế cao nhất để đưa vào liên doanh, liên kết sản xuất.
Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Chung Phụng yêu cầu ngành chức năng, các địa phương cần chỉ đạo khôi phục sản xuất với tinh thần tập trung cao nhất, sao cho kịp thời vụ, không để ảnh hưởng tới sản xuất vụ đông xuân 2017-2018. Bên cạnh đó, quy trình kiểm đếm, xác nhận, thống kê thiệt hại, hỗ trợ cũng cần thực hiện hết sức chặt chẽ, chính xác.
Giao cho Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh để ra văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung cho sản xuất vụ đông năm 2017, vụ đông xuân 2017-2018; đồng thời xác định các loại cây, con phù hợp với từng vùng cũng như cơ chế, phương thức hỗ trợ cụ thể.
Trước mắt sẽ tập trung phát triển cây khoai tây với chính sách hỗ trợ 50% giống; cây trạch tả ở Kim Sơn, Yên Khánh và cây rau các loại để đảm bảo nguồn cung cho tiêu dùng.
Về chăn nuôi, sẽ hỗ trợ về giống gà và giao cho Sở NN&PTNT tìm nguồn cung ứng giống chất lượng, sạch bệnh. Về thủy sản, Trung tâm giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình sẽ chịu trách nhiệm về nguồn giống cá bột, cá hương hỗ trợ cho bà con trên nhu cầu thực tế mà các địa phương tổng hợp gửi lên.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu sở NN&PTNT làm việc cụ thể với các doanh nghiệp để tổ chức liên kết sản xuất, đảm bảo cung ứng giống, hướng dẫn về mặt kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Các huyện, thành phố rà soát, xác định vùng, diện tích sản xuất vụ đông sao cho có hiệu quả; khẩn trương thành lập các tổ công tác để chỉ đạo sản xuất vụ đông; lựa chọn 1 xã để ra quân xuống đồng sản xuất vụ đông từ đó tuyên truyền khích lệ người dân tham gia.

Theo baoninhbinh.org.vn

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126622

Trực tuyến: 162

Hôm nay: 1905