Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Yên Lộc đa dạng ngành nghề phát triển kinh tế

Thứ hai, 26/12/2022 510 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Những năm qua, để giúp nhân dân phát triển kinh tế, Yên Lộc đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế, trong đó chú trọng đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm, góp phần tích cực vào việc nâng cao các tiêu chí trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương.

 

Xã Yên Lộc nằm ở phía Tây Nam của huyện, phía đông giáp với xã Tân Thành, phía tây giáp với xã Lai Thành, phía Nam giáp với xã Định Hóa, phía Bắc giáp với xã Yên Nhân (huyện Yên Mô). Nơi đây có vị trí giao thông thuận lợi có tuyến Quốc lộ 10 chạy qua, cách trung tâm huyện khoảng 3km, là xã có truyền thống cách mạng, người dân cần cù trong lao động sản xuất. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để xã Yên Lộc tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Yên Lộc đẩy mạnh chuyên canh các loại rau theo mùa

 

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, người dân xã Yên Lộc đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đa dạng hóa các mô hình sản xuất. Trong lĩnh vực nông nghiệp, xã đã tập trung vận động, khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Trên địa bàn xã hiện có 20 máy làm đất, 7 máy gặt đập lên hoàn đã góp phần giảm ngày công lao động, chi phí sản xuất, tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng. Yên Lộc cũng từng bước đẩy mạnh chuyên canh các loại rau theo mùa theo hướng an toàn, chất lượng, qua đó đã nâng cao giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác. Xã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của huyện tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, cũng như hỗ trợ, khuyến khích đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại với quy mô ngày càng lớn.

 

Cùng với sản xuất nông nghiệp, Yên Lộc cũng chú trọng duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống dệt chiếu cói, đây là nghề truyền thống lâu đời của người dân nơi đây. Cùng với nghề dệt chiếu, nhân dân còn chế biến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói, bèo bồng, lúa non. Những người thợ lành nghề ở đây có tay nghề cao, ngoài sản xuất các mẫu sản phẩm theo yêu cầu còn sáng tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động.

Ngành tiểu thủ công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cói và bèo bồng được duy trì và phát triển, tạo việc làm tăng thu nhập cho nhân dân

 

Với sự nhạy bén và linh hoạt, Yên Lộc đã thu hút và đưa ngành May công nghiệp về địa phương khoảng chục năm nay. Theo đó, xã đã tạo điều kiện cho nhân dân về mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư máy móc, công nghệ phát triển may công nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho 300 – 500 lao động địa phương trong độ tuổi.

 

Ngoài 2 ngành nghề thủ công mỹ nghệ và may công nghiệp, Yên Lộc còn phát triển thêm các nghề khác như mộc, nề, cơ khí. Theo đó, người dân ở các xóm thành lập một vài tốp thợ “tay dao xây, tay thước thợ” ngược xuôi trong và ngoài huyện để thực hiện xây dựng các công trình. Bên cạnh đó, ngành nghề phục vụ nông nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng được xã Yên Lộc chú trong phát triển. Nhờ đó đã tạo việc làm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và góp phần vào quá trình giảm nghèo tại địa phương. Số hộ nghèo trên địa bàn xã giảm từ 3,49% năm 2021 xuống còn 2,83% năm 2022.

 

Để phát triển kinh tế theo hướng bền vững, xã Yên Lộc đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục vay vốn, thuế, mặt bằng để khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, thành lập công ty, doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, trên địa bàn xã có công ty TNHH Huy Tùng chuyên bán vật liệu xây dựng, 2 doanh nghiệp xăng dầu, 1 công ty may xuất khẩu và hàng chục tổ hợp may công nghiệp, đại lý thu mua các sản phẩm thủ công mỹ nghề…. giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 – 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài đa dạng các ngành nghề phát triển kinh tế, Yên Lộc cũng khuyến khích người dân vào làm việc tại các doanh nghiệp để có cơ hội nâng cao thu nhập. Số lao động địa phương hiện làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là 1.120 người, với mức thu nhập 4 – 8 triệu đồng/người/tháng và có 45 lao động xuất khẩu làm việc tại nước ngoài.

 

Việc Yên Lộc phát triển đa dạng hóa các ngành nghề đã tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động theo hướng CNH- HĐH khu vực nông thôn, số lượng dịch chuyển từ nông thôn ra thành phố giảm, người dân gắn bó và phát triển kinh tế ngay trên chính mảnh đất quê hương. Đồng thời, góp phần tích cực vào việc nâng cao các tiêu chí trong chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của địa phương.

 

Minh Hằng

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814212

Trực tuyến: 182

Hôm nay: 1554

W88 113.80 - https://139.99.113.80/