Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ bảy, 22/02/2025

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Tùy bút : Dòng sông quê mẹ

Thứ năm, 21/02/2019 1992 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Kim Sơn - quê hương tôi có biết bao con sông lớn nhỏ, dọc ngang, sông hiền hòa thơ mộng ôm trọn lấy những mái nhà nằm nép mình bên từng dòng sông. Sông đem lại cho “ai” một khoảng trời tuổi thơ đong đầy kỉ niệm. Dòng sông đã là bạn của bao người, nay lại thủy chung son sắt, nó trở thành một “ mảnh hồn làng” trong trái tim của những người tha thiết yêu quê hương.

 

Mỗi một bến sông đã từng chứng kiến sự trưởng thành của biết bao thế hệ. Và cũng mỗi một bến sông ấy, nơi có con thuyền, bến nước, những mùa trăng tỏ và dư âm của tiếng chuông chiều ngân xa vẫn vang vọng còn là nơi đã từng tấp nập trên bến dưới thuyền, giao thương hàng hóa qua đường thủy.

 

Dòng sông Ân yêu thương

 

Cách đây 190 năm, trong cuộc khẩn hoang năm 1829, nhà doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng các vị chiêu, nguyên thứ mộ đã đặt chân đến vùng “đất hứa” nơi bãi bồi màu mỡ ven biển với ý nghĩ “ khẩn hoang để yên lập dân nghèo”. Cứ thế, sóng biển nhường chỗ cho đất bồi, lấn mãi, lấn mãi ra biển Đông, hình thành những ngôi làng cũng mang cái tên thật đẹp: Trì Chính, Hướng Đạo, Phát Diệm, Chất Thành... Những ngôi làng của vùng đất nhuộm đẫm phù sa được cụ Nguyễn Công Trứ đặt theo chiều Bắc - Nam với những con sông nhỏ chạy song song như những con rồng vươn mình ra phía biển khơi. Bao năm qua, các dòng sông ấy cứ âm thầm bồi đắp những ngày mùa no ấm cho người dân nơi đây.

 

Trong cuộc khẩn hoang ấy, với công cụ lao động hết sức thô sơ, bằng mồ hôi và sức lực, con ngừòi là chủ yếu, mảnh đất Kim Sơn hình thành với hàng trăm ki lô mét sông, đê được đào, đắp, có ý nghĩa to lớn trong việc cải tạo đồng ruộng, mở đất, lập làng, tạo ra cảnh quan đẹp mắt hiếm có của một huyện ven biển.

 

Với hệ thống sông ngòi dày đăc, có 3 con sông lớn: Sông Đáy nằm phía Đông Nam chảy vào huyện Kim Sơn bắt đầu từ xã Xuân Thiện và đổ ra Biển Đông ở Cửa Đáy, là ranh giới giưã huyện Kim Sơn và huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) có chiều rộng 200m. Sông Càn nằm phía Nam huyện, từ Yên Mô chảy vào huyện Kim Sơn bắt đầu từ xã Lai Thành và chảy qua các xã: Định Hóa, Văn Hải, Kim Mỹ, Kim Hải rồi đổ ra Biển Đông ở cửa Càn với chiều dài 9,3km, cùng với Sông Đáy tạo nên lượng lắng đọng phù sa rất lớn cho vùng đất Kim Sơn góp phần vào quá trình bồi tụ lấn ra biển Đông. Sông Vạc bắt đầu từ huyện Hoa Lư chảy qua các huyện Yên Mô, Yên Khánh rồi chảy vào huyện Kim Sơn được khởi đầu xã Yên Mật (còn gọi là sông Trì Chính) chảy vào sông Đáy, qua cửa Đài Giang hay còn gọi là Kim Đài đổ ra Biển Đông

 

Các nhánh sông nhỏ êm ả chảy qua các làng, xã, thôn.

 

Thời kỳ đầu thành lập huyện năm 1829, cụ Nguyễn Công Trứ cho đào thêm sông Ân nối liền sông Đáy với sông Càn để làm kênh chính. Từ con sông này, nhà doanh điền sứ đã cho làm hệ thống các sông nhánh, bình quân 250 - 400m lại có một sông để dẫn nước sông Ân vào khắp các cánh đồng trong huyện, đây cũng là ranh giới giữa các xã, thôn tạo nên đồng đất Kim Sơn theo lối chữ “ tỉnh”(#). Sông Ân chảy vắt ngang qua huyện Kim Sơn được bắt đầu từ xã Xuân Thiện qua các xã Chính Tâm, Kim Định, Hùng Tiến và chảy song song với Quốc lộ 10 (cũ) qua Thị trấn Phát Diệm đến xã Lai Thành gặp sông Càn ở phía Tây.

 

Tổng chiều dài các con sông lớn, sông nhỏ ở huyện Kim Sơn tới hơn 100km. Các con sông này đều chịu ảnh hưởng cua thủy triều. Và với hệ thống sông ngòi dọc ngang này đã tạo thuận lợi và rất quan trọng cho việc phục vụ thủy lợi, sản xuất và giao thông của nhân dân Kim Sơn 190 năm qua.

 

Ngoài các con sông lớn trên còn có Sông Yêm bắt đầu từ sông Vạc (Yên Mô) chảy vào Sông Cà Mâu với chiều dài 4,5km

 

Những ngày bình thường, sông êm ả chở lượng phù sa bồi đắp cho những bãi cói, bờ lau, ruộng lúa, sông còn thau chua rửa mặn cho ruộng đồng, đầm bãi.

 

Những ngày mưa bão, con sông nó lại uoằn mình mang lượng nước dư thừa vội vã, đổ nhanh ra biển đông để tránh ngập lụt cho đồng ruộng, xóm làng.

 

Bỏ lại sự ồn ào náo nhiệt của phố phường, hẳn ai đã đi xa, nỗi nhớ quê hương được về hòa mình vào dòng Sông quê mẹ thì vẫn thấy mình bé bỏng như ngày nào. Khi đô thị hóa phát triển như ngày hôm nay, rất cần sự văn minh, nâng cao ý thức của người dân để bảo vệ dòng sông, bởi thành quả mà chúng ta có được như ngày hôm nay là cả một quá trình hình thành, lao động, đầy mồ hôi, công sức, máu và nước mắt của các vị tiền bối đã dày công tạo dựng lên.

 

Và cho dù năm tháng qua đi thì dòng sông ấy vẫn hiền hòa và êm dịu là nơi cất giữ những hồi ức tuổi thơ, bởi trong thẳm sâu của nhiều thế hệ luôn có một dòng sông đã từng là tình yêu trong tâm hồn mỗi đứa trẻ.

 

Chả thế mà nhạc sỹ Hà Ân đã viết lên những câu thơ được phổ nhạc thành bài hát  “Kim Sơn Kim Sơn, nuôi ta lớn khôn yêu thương từng ngày, nay tôi trở về với dòng sữa mẹ mà nghe khúc hát bao la tình người. Dòng sông Ân yêu thương như mang nặng tình người và lời ca hôm nay, mãi thiết tha nồng cháy....”

 

Bùi Lan - Đài Truyền thanh huyện

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2311907

Trực tuyến: 240

Hôm nay: 3080