Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Tổng kết các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện

Thứ sáu, 01/07/2022 594 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sáng 29/6, tại Nhà văn hóa xã Thượng Kiệm, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổng kết các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Tới dự có đồng chí Bùi Xuân Diệu, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp huyện; đồng chí Trần Anh Khiêm, PCT UBND huyện, lãnh đạo Phòng nông nông nghiệp&PTNT huyện, Phòng tài chính – Kế hoạch, các hội, đoàn thể của huyện; cán bộ khuyến nông các xã, thị trấn và các hộ dân trực tiếp thực hiện các mô hình.

Quang cảnh hội nghị

 

Để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều mô hình nông nghiệp gắn với liên kết hình thành chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, điển hình đó là Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện đã triển khai mô hình nuôi ốc nhồi sinh sản; mô hình nuôi cá rô phi thương phẩm có liên kết cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm; phát triển vùng chăn nuôi gà lai chọi. Thời gian thực hiện các mô hình từ tháng 03 – 07/2022.

 

Đối với mô hình nuôi ốc nhồi sinh sản: Sau khi khảo sát, đánh giá thực tế tại các xã, thị trấn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp lựa chọn hộ ông Nguyễn Văn Sơn, có địa chỉ tại xóm 1 xã Kim Mỹ tham gia thực hiện mô hình với quy mô diện tích 1.000m2. Hộ gia đình ông Sơn đã tiến hành nuôi thả 50.000 con ốc bố mẹ, trong đó Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện chuyển giao 35.000 con. Ốc giống được thả đảm bảo chất lượng, độ đồng đều cao, mật độ thả 50con/m2, tỷ lệ ốc cái: ốc đực là 1: 1, kích thước con giống đạt  ≥ 27 g/con. Trung tâm hỗ trợ tráng ương ốc con, chế phẩm sinh học xử lý ao, 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật. Do hộ dân làm bể ương trong nhà có mái che nên quá trình ương ốc giống ít chịu ảnh hưởng của thời tiết, tỷ lệ ốc sống cao (70%), tổng số ốc giống thu được là 101 vạn con. Ốc giống ương được 20 ngày hộ dân bắt đầu bán giống với giá 2,5 triệu đồng/vạn con và thu lãi 91 triệu đồng. Như vậy, 1 ha ao nuôi ốc nhồi sinh sản trong 4 tháng cho thu nhập cao hơn từ 710 - 760 triệu đồng so với 01 ha nuôi cá truyền thống trong 01 năm; cao hơn từ 860 -865 triệu đồng so với 01 ha cấy lúa trong 05 tháng.

 

Mô hình nuôi cá rô phi thương phẩm, có liên kết cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm do hộ ông Nguyễn Văn Trọng, xóm 8, xã Thượng Kiệm thực hiện. Quy mô diện tích 3.000m2, tổng số cá giống đã thả là 21.000 con, mật độ 7 con/m2. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chuyển giao cho hộ dân 10.500 con. Cá giống được thả đảm bảo kích cỡ, độ đồng đều, cá khỏe, hoạt động nhanh nhẹn. Sau 5 tháng nuôi, trọng lượng cá khi thu hoạch 700g/con, sản lượng thu hoạch 11.720,6 kg. Giá bán 26.000 đồng/kg. Tổng doanh thu trên 304 triệu, trừ chi phí lãi gần 35 triệu đồng. Như vậy, 1 ha ao nuôi cá rô phi thương phẩm nếu nuôi 2 vụ/năm cho thu nhập cao hơn từ 29 - 79 triệu đồng so với 01 ha nuôi cá truyền thống trong 01 năm. Mô hình nuôi cá rô phi thương phẩm hiệu quả kinh tế không cao hơn nhiều so với các loại cá truyền thống khác nhưng các hộ dân có liên kết bao tiêu sản phẩm với công ty TNHH MTV GOOD PRODUCTS có địa chỉ tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đảm bảo đầu ra ổn định.

 

Mô hình phát triển vùng chăn nuôi gà lai chọi năm 2022 trên địa bàn huyện được thực hiện tại 5 hộ chăn nuôi, tại xóm 8 xã Thượng Kiệm. Quy mô 5.000 con gà giống lai chọi. Trung tâm dịch vụ NN huyện hỗ trợ 50% con giống, 50% thức ăn nuôi trong tháng đầu, 50% thuốc thú y, vắc xin, hóa chất, vật tư trang thiết bị chăn nuôi, 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật. Sau 4 tháng nuôi thả 5.000 gà lai chọi và xuất bán, thu lợi nhuận trên 600 triệu đồng. Sau thời gian thực hiện mô hình cho thấy: Với phương pháp chăn nuôi truyền thống (chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng…) thì mô hình phát triển vùng chăn nuôi gà lai chọi trong các hộ nông dân là rất tốt, các hộ đã tự gắn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình chăn nuôi, như chia sẻ về kỹ thuật, cách phòng trị bệnh, khử trùng tiêu độc, tiêm phòng vắc xin, sử dụng thức ăn phối hợp tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, dần từng bước hình thành nghề chăn nuôi gà theo vùng chuyên nghiệp. Chính vì thế đàn gà trong vùng đã phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống cao, đảm bảo năng suất chất lượng, do đó nâng cao hiệu quả về kinh tế so với chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống, tận dụng được sức lao động tại chỗ.

 Trước đó, các đại biểu đã được đi tham quan thực tế tại các mô hình.

 

Nguyễn Chinh

 

 

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126025

Trực tuyến: 162

Hôm nay: 1308