Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Thơ Kim Sơn nối tiếp mạch nguồn

Thứ sáu, 05/07/2019 1266 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thực tế không chỉ có nhà thơ mới sáng tác thơ mà thơ đã đi vào trong cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam một cách rất tự nhiên. Những người yêu thơ và làm thơ có thể là những nông dân chỉ quanh năm gắn bó với ruộng đồng, những giáo viên quen với bục giảng, những kỹ sư công trường, thậm chí là những người khuyết tật… họ đều có thể làm thơ bởi xuất phát từ tình yêu với thi ca.

 

“Kim Sơn - Tình đất - Tình người” là bức tranh quê, bày tỏ tình cảm của các tác giả đối với mảnh đất, con người quê hương Kim Sơn

 

Từ xưa, người Việt Nam ảnh hưởng nhiều từ Nho giáo do đó có truyền thống trọng thi thư. Các nho sỹ xưa thường dùng thơ văn để nói về cái “chí” cái “đạo” của mình. Đất Kim Sơn vốn là địa chỉ văn hóa được khởi phát trầm tích từ thời Dinh điền sứ khẩn hoang, lập huyện năm 1829. Quê hương thực sự là mạch nguồn, là cội rễ nuôi dưỡng nguồn cảm xúc sáng tạo từ trong tâm khảm, trong tầng sâu văn hóa của mỗi người con vùng đất “Núi vàng”. Biết bao các thế hệ người dân Kim Sơn đã và đang phát huy cái vốn “Thi ngôn chí”, tự hào với những gì làm được, hòa tâm hồn theo lịch sử tiến trình mở đất “Đắp móng xây nền”.

 

Thi sỹ của đất Kim Sơn thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau nhưng họ cùng có chung một điểm, đó là sáng tác thơ không nằm ngoài mục đích thỏa lòng yêu thơ, qua lời thơ là tiếng lòng để nói lên tâm trạng, mong ước của bản thân trong cuộc sống. Đến với thơ ca là đến với cái đẹp của cuộc sống, đến với sự chia sẻ, sự giải tỏa “niềm vui được bộc lộ tăng lên gấp đôi, nỗi buồn nói ra giảm đi một nửa”. Các nhà thơ thường gửi gắm trong thơ mình đôi khi chỉ vài câu thơ dung dị mà lay động lòng người bằng chính sự trải nghiệm và cảm xúc của người nghệ sĩ. Và thơ ca chính là tiếng nói của tâm trạng, là sự thăng hoa của cảm xúc tâm hồn con người.

 

CLB thơ Kim Sơn ra đời khẳng định sức sống thơ ca trên vùng đất biển

 

CLB thơ huyện Kim Sơn ra đời đúng vào dịp kỷ niệm 190 năm thành lập huyện (5/4/1829- 5/4/2019), 65 năm giải phóng huyện Kim Sơn (30/6/1954-30/6/2019) chính là sự khẳng định nối tiếp mạch nguồn thi ca trên vùng đất biển. Cùng với sự ra đời, CLB đã cống hiến, sưu tầm, biên tập để xuất bản ấn phẩm thơ “Kim Sơn - Tình đất - Tình người”. Tập thơ gồm 199 bài thơ của 133 tác giả, là bức tranh quê, bày tỏ tình cảm của các tác giả đối với mảnh đất, con người quê hương Kim Sơn, tri ân những người đã khai sinh ra vùng đất trù mật, mỗi bài thơ là một nét chấm phá, tưới gam màu ấm áp tình người, cảnh sắc quê hương.

 

CLB thơ của huyện là nơi quy tụ đội ngũ sáng tác thơ có chất lượng nghệ thuật cao, ngoài ra còn có một số câu lạc bộ thơ ở các địa phương và đông đảo những người mến mộ thơ ca, chủ yếu là cán bộ, giáo viên đang công tác, yêu thơ và sáng tác thơ tự do, tiêu biểu như CLB thơ ca nhạc cổ truyền của Hội người cao tuổi xã Như Hòa có tới 40 thành viên, hoạt động sôi nổi và đã cho ra mắt tập thơ “Như Hòa sáng mãi”. Nhiều nhà thơ Kim Sơn đã từng bước khẳng định được tên tuổi cũng như giá trị tác phẩm của mình, đã có nhiều tác phẩm đăng trên các báo, tạp chí như tác giả: Vũ Tiến Thịnh, Doãn Tới, Hà Trọng Lưu, Trần Xuân Trường, Vũ Xuân Trường, Nguyễn Quỳnh Anh... Mỗi bài thơ được sáng tác là một khám phá giãi bày thế giới tâm hồn, tình cảm của người viết luôn tìm đến vẻ đẹp của tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống. Đồng thời lấy sự chân thực làm điểm tựa trong cảm xúc thăng hoa sáng tạo của mình, phong phú đề tài và đa dạng về thể loại như Tri ân Dinh Điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng các vị chiêu mộ, bán phụ chiêu mộ, thứ mộ đã có công khẩn hoang lấn biển, thành lập huyện Kim Sơn; ngợi ca cảnh đẹp của quê hương, vẽ nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng dân cư, tính cách người dân từ hơn thế kỷ trước; Kim Sơn đổi mới và phát triển....

 

Tinh thần thi ca lan tỏa qua những buổi giao lưu CLB thơ

 

Tình yêu quê hương được hòa quyện cảm xúc trước cái đẹp cảnh sắc thiên nhiên: sông Ân, cầu Ngói, nhà thờ đá Phát Diệm, đền thờ Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, cánh đồng lúa, cói bát ngát mênh mông, Cồn Nổi, đầm tôm, làng mạc trù phú. Để rồi tiếng lòng của các nhà thơ đã lan tỏa tinh thần thi ca tới đông đảo hội viên và công chúng qua những buổi giao lưu của các CLB thơ. Sự tồn tại của thơ được xem như một phần không thể thiếu trong đời sống tâm hồn của những người con vùng biển Kim Sơn. Và Thơ Kim Sơn luôn căng tràn sức sống, hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ./.

 

Bài, ảnh: Trần Hằng - Đài truyền thanh huyện

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814232

Trực tuyến: 215

Hôm nay: 1574

W88 113.80 - https://139.99.113.80/