Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Tập trung phòng trừ bệnh đạo ôn lá trên lúa xuân

Thứ năm, 04/04/2019 748 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Hiện nay, diện tích lúa xuân đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ đến cuối đẻ nhánh. Kết quả kiểm tra đồng ruộng cho thấy, bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện rải rác trên các trà lúa, một số nơi có tỷ lệ bệnh cao. Các ngành chuyên môn, các địa phương đang chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân tập trung phun trừ kịp thời, bảo vệ lúa xuân.

 

HTX nông nghiệp Thượng Kiệm, một trong những đơn vị có diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá với tỷ lệ cao. Hiện nay, bà con xã viên đang tập trung kiểm tra, theo dõi đồng ruộng và phun trừ những diện tích lúa bị nhiễm bệnh khi tới ngưỡng, ông Phan Thanh Lạc, xã viên đội sản xuất xóm 5 cho biết: Theo thông báo của Hợp tác xã nông nghiệp, một số diện tích giống nhiễm hoặc ruộng quá xanh tốt đang bị nhiễm bệnh đạo ôn lá với tỷ lệ khác nhau. Với 7,5 sào cấy bằng lúa Bắc thơm số 7 đây là giống lúa dễ bị nhiễm nặng bệnh đạo ôn lá, tranh thủ thời tiết thuận lợi, tôi đã mua thuốc bảo vệ thực vật về phun trừ theo đúng hướng dẫn kỹ thuật.

 

Bà con nông dân phun phòng trừ bệnh đạo ôn lá trên lúa xuân

 

Vụ đông xuân 2018 – 2019, huyện Kim Sơn gieo cấy 8.185 ha; với cơ cấu 85% diện tích giống lúa thuần, lúa chất lượng cao gồm Bắc thơm số 7, LT2, TBR225, Nếp 97, còn lại là giống lúa lai, lúa cao sản với các giống phú ưu 1, Nhị ưu 383.

 

Hiện nay, thời tiết tương đối thuận lợi để lúa sinh trưởng và phát triển, tuy nhiên đây cũng là yếu tố tích cực, tạo điều kiện cho sâu bệnh gây hại phát sinh. Ngoài một số đối tượng như chuột, rêu nhớt, các trà lúa đã phát hiện bệnh đạo ôn lá gây hại hại cục bộ ở những thửa ruộng xanh tốt, bón thừa đạm, cấy giống nhiễm như: Nếp Mỹ, Bắc thơm số 7, Thiên ưu 8, nàng xuân, TBR 225, tỷ lệ bệnh nơi cao 2 – 6%, cá biệt 10 - 15%C 1-5. Tổng số diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn lá hiện nay 320 ha, trong đó 30 ha bị nhiễm bệnh đạo ôn nặng và 0,1 ha bị lùn lụi, tập trung chủ yếu ở HTXNN Hợp Thành (xã Chất Bình), Hồi Ninh, Kim Định, Thượng Kiệm, HTXNN Bắc Thành (xã Lai Thành).

 

Sau khi kiểm tra, thống kê diện tích bị nhiễm và nhiễm bệnh đạo ôn lá nặng, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện thông báo tới các hợp tác xã nông nghiệp, đồng thời cử cán bộ xuống địa bàn theo dõi, nắm bắt tình hình, hướng dẫn và khuyến cáo bà con nông dân phun trừ theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí và lây lan ra diện rộng. Đến nay, toàn bộ 320 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá đã được phun trừ lần 1. Đối với những ruộng bị đạo ôn lá nặng, các ngành chức năng và các HTX nông nghiệp hướng dẫn bà con nông dân phun kép hai lần, lần 2 cách lần 1 từ 5 - 7 ngày bằng các loại thuốc đặc hiệu, theo phương pháp 4 đúng, trước khi phun thuốc bà con nông dân cần loại bỏ các lá bị nhiễm bệnh đạo ôn nặng.

 

Với tình hình thời tiết như hiện nay, dự báo trong thời gian tới, bệnh đạo ôn lá có khả năng lây lan và gây hại rộng trên trà lúa xuân muộn. Nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời sẽ xuất hiện nhiều ổ lùn lụi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa. Trạm trồng trọt & bảo vệ thực vật huyện đã khuyến cáo các HTXNN và bà con nông dân tích cực triển khai các biện pháp để phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: Đảm bảo đủ nước, bón phân cân đối, đúng kỹ thuật; tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến các đối tượng dịch hại để có biện pháp phun trừ kịp thời khi tới ngưỡng, không phun thuốc tràn lan để bảo vệ thiên địch và bảo vệ môi trường.

 

Đối với ruộng bị bệnh đạo ôn lá, bà con nên dừng ngay việc bón các loại phân, đặc biệt là phân đạm. Không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng từ 2 - 3cm. Tiến hành phun trừ trên những ruộng có tỷ lệ bệnh ≥ 5% số lá bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu đã được khuyến cáo. Với những ruộng bị bệnh nặng phải phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày, trước khi phun thuốc cần loại bỏ các lá bị bệnh nặng, tiêu huỷ rồi mới tiến hành phun thuốc.

 

Ngoài bệnh đạo ôn trên lá, hiện nay trên đồng ruộng còn có một số đối tượng gây hại như: Chuột tiếp tục hại tăng trên trà lúa xuân muộn, rêu nhớt hại cục bộ, do đó các địa phương, các HTX nông nghiệp và bà con nông dân cần tập trung theo dõi và diệt trừ hiệu quả hai đối tượng gây hại này bằng các biện pháp, trong đó chú trọng biện pháp thủ công.

 

Nguyễn Chinh – Đài truyền thanh huyện

 

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126173

Trực tuyến: 205

Hôm nay: 1456