Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Thứ hai, 22/03/2021 360 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện trên địa bàn huyện tại 12 hộ chăn nuôi thuộc 5 xã: Yên Lộc, Lai Thành, Tân Thành, Lưu Phương và Kim Chính. Cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và cơ quan chuyên môn đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các hộ chăn nuôi.

 

Ngày 09/3/2021, hộ gia đình ông Nguyễn Đức Tời, Xóm 5, Yên Lộc có nuôi 3 con bò sinh sản đã 7 năm nay, nhận thấy bò nhà mình có hiện tượng ốm, sốt, chậm, ăn ít, trên da có nổi nhiều u, cục nên ông Tời đã báo cho chính quyền xã. Ngay sau khi nắm thông tin, huyện Kim Sơn đã tổ chức đoàn xuống kiểm tra, xác minh, các ngành chức năng đã tiến hành lấy 01 mẫu máu gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương để xét nghiệm bệnh Viêm da nổi cục. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi cách ly toàn bộ gia súc chưa có biểu hiện của bệnh Viêm da nổi cục, tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại kịp thời; nghiêm cấm việc vận chuyển trâu, bò ra vào vùng có dịch.

Bệnh viêm da nổi cục hình thành các nốt sần hình tròn có đường kính từ 2 – 5cm trên đàn bò (Ảnh Internet)

 

Sau hơn 1 tuần xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò tại hộ chăn nuôi thuộc xã Yên Lộc. Đến nay toàn  huyện có 19 con bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh của 13 hộ chăn nuôi ở 05 xã: Yên Lộc, Lai Thành, Tân Thành, Lưu Phương và Kim Chính.

 

Theo cơ quan chuyên môn, bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra trên trâu, bò và không lây bệnh sang người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như ruồi, muỗi, ve hoặc tiếp xúc giữa gia súc mắc bệnh và gia súc khỏe mạnh, bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung khu vực ăn uống. Thời gian ủ bệnh trung bình 4 -14 ngày. Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu sốt cao, bỏ ăn, hình thành các nốt sần hình tròn có đường kính từ 2 – 5cm, đặc biệt ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục, đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng với sốt. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 – 20% và tỷ lệ chết khoảng 1-5%.

UBND huyện tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên Trâu, Bò

 

Theo thống kê trên địa bàn huyện hiện nay có 3.591 con trâu, bò. Trước tình hình bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đã xuất hiện trên địa bàn, cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và cơ quan chuyên môn quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhằm hạn chế thấp nhất cho các hộ dân. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương có trâu, bò bị bệnh viêm da nổi cục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi cách ly toàn bộ gia súc chưa có biểu hiện của bệnh Viêm da nổi cục để theo dõi và hạn chế lây lan. Tổ chức phun tiêu độc, khử trùng, thuốc diệt côn trùng, diệt ve, ruồi, muỗi (tác nhân lây truyền bệnh) trong vòng 03 tuần tại các hộ chăn nuôi có gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh. Đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh. Thành lập đội kiểm soát lưu động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vận chuyển gia súc ra, vào các xã có dịch. Rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu trên địa bàn; ký cam kết với các hộ chăn nuôi không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường, các hộ giết mổ gia súc, các hộ buôn bán thịt gia súc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn chưa có gia súc có biểu hiện của Viêm da nổi cục chỉ đạo tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho gia súc. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò.

 

Trong thời điểm giao mùa như hiện nay, nền nhiệt, độ ẩm rất thuận lợi cho virus gây bệnh viêm da nổi cục có điều kiện phát triển, tồn tại và lây lan ra diện rộng. Do vậy để bảo vệ đàn trâu, bò cùng với việc cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và cơ quan chuyên môn đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, các hộ chăn nuôi cũng cần chủ động các biện pháp như: Thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm; tuyệt đối không chăn thả gia súc ra ngoài khu vực chăn nuôi; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi; sử dụng thuốc diệt côn trùng; chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

 

Nguyễn Chinh

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814116

Trực tuyến: 96

Hôm nay: 1458

W88 113.80 - https://139.99.113.80/