Phỏng vấn đồng chí Hoàng Văn Thắng – Phó Bí thư Huyện ủy Kim Sơn về quá trình thành lập huyện Kim Sơn
Cách đây 190 năm, ngày 5/4/1829 huyện Kim Sơn chính thức được thành lập. Từ một vùng đất hoang vu, sình lầy, lau sậy, với công cuộc khai hoang, lấn biến của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, vùng đất hoang hóa ven biển của tỉnh Ninh Bình được khai phá, lập lên huyện với tên gọi - Kim Sơn. Cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Văn Thắng – Phó Bí thư Huyện ủy Kim Sơn sẽ giúp quý độc giả hiểu rõ hơn về quá trình thành lập huyện cũng như vai trò của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ trong công cuộc khẩn hoang thành lập huyện Kim Sơn.
Đồng chí Hoàng Văn Thắng – Phó Bí thư Huyện ủy Kim Sơn
Phóng viên: Thưa đồng chí, cách đây 190 năm, ngày 5/4/1829, huyện Kim Sơn chính thức được thành lập. Đồng chí có thể thông tin tới quý độc giả những nét cơ bản về quá trình thành lập huyện cũng như vai trò của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ trong việc thành lập huyện Kim Sơn?
Đồng chí Hoàng Văn Thắng – Phó Bí thư Huyện ủy Kim Sơn:
Như chúng ta đã biết: Tỉnh Ninh Bình có hai sông lớn chảy ra biển là sông Đáy ở phía Đông Nam và sông Càn ở phía Tây Nam. Hai con sông này chuyên chở phù sa từ thượng nguồn đổ về làm cho vùng đất phía Nam các huyện Yên Mô, Yên Khánh được bồi đắp ra phía biển với tốc độ rất nhanh. Đây là cơ sở để nhà nước phong kiến, các vị quan lại và các cộng đồng dân cư tổ chức khai hoang lập ra huyện Kim Sơn.
Cuối năm Mậu Tý, 1828, sau khi hoàn thành công cuộc khẩn hoang lập ra huyện Tiền Hải, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã đề xuất chủ trương khẩn hoang vùng đất ven biển ở các huyện Yên Mô, Yên Khánh thuộc trấn Ninh Bình và đã được triều đình Minh Mệnh chấp thuận. Sách Đại Nam thực lục ghi: “Mậu Tý, năm Minh Mệnh thứ 9 [1828], mùa Đông, tháng 10, ngày mồng 1,….. Trứ lại tâu rằng: “Dân nghèo còn có hơn 1.000 người xin lĩnh ruộng hoang để khai khẩn. Trộm thấy ở các huyện Yên Khánh, Yên Mô thuộc Ninh Bình, cùng chỗ đối ngạn với huyện Nam Chân thuộc Nam Định một dải bãi biển còn nhiều đất hoang rậm, đất cấy được lúa chẳng kém gì Tiền Hải. Xin đến đo đạc để thành lập ấp lý”. Điều này có nghĩa rằng: Tại buổi chầu ngày 01/10/1828, sau khi vua Minh Mệnh cho lập huyện Tiền Hải thì Dinh điền xứ Nguyễn Công Trứ đã kịp thời tâu lên vua xin chủ trương khẩn hoang để lập lên huyện Kim Sơn, và đề nghị của ông đã được vua Minh Mệnh chấp thuận.
Trên thực tế, trước khi tâu xin về việc khẩn hoang này, Nguyễn Công Trứ đã có các cuộc khảo sát từ những tháng trước đó. Theo “Sự tích thành lập huyện Kim Sơn” (bản chữ Nôm, do cụ Vũ Thiện Sủng, người địa phương sưu tầm và biên soạn theo thể thơ lục bát) thì Nguyễn Công Trứ đã giả làm nhà sư đến khảo sát vùng bãi bồi ở phía Nam huyện Yên Khánh và Yên Mô, vào khoảng giữa năm Mậu Tý, 1828. Ông Phạm Đình Nhương, người có công đưa Nguyễn Công Trứ đi khảo sát địa hình, được giao cho việc vẽ họa đồ vùng bãi bồi để đưa sang huyện Tiền Hải cho Nguyễn Công Trứ khi đó đang chỉ đạo khẩn hoang lập huyện Tiền Hải). Sau khi có họa đồ, Nguyễn Công Trứ kịp tâu lên vua Minh Mệnh vào buổi chầu ngày 01/10 như vừa nêu ở trên.
Theo “Sự tích thành lập huyện Kim Sơn” có ghi: “…
Giữa thời Minh Mệnh cửu niên
Bố phương phẳng lặng dân yên nước bình
Quan tham tán mới trá hình
Làm thầy tu đến Mật Đình dò la
Nhìn xen đất nước cỏ hoa
Hoang vu một dải gần xa chập chờn…
Quan về dặn lại ông Nhương
Họa đồ cho đủ đưa sang huyện Tiền…
Quan trông qua bức họa đồ
Tức thì phát sớ tâu vua vội vàng…”
Từ những cứ liệu trong chính sử cũng như những tài liệu sưu tầm ở địa phương chúng ta có thể khẳng định:
Thứ nhất, chủ trương khẩn hoang để lập ra huyện Kim Sơn đã được triều đình Minh Mệnh chấp thuận vào tháng 10 năm Mậu Tý - 1828, đúng vào ngày lập huyện Tiền Hải, ngày 01/10.
Hai là, công cuộc khẩn hoang đã được Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng các vị chiêu mộ, bán phụ chiêu mộ, nguyên mộ và hơn 1.000 dân đinh tiến hành từ cuối năm 1828. Sau khoảng 5 tháng, bằng những kinh nghiệm từ cuộc khẩn hoang lập ra huyện Tiền Hải (thời gian khẩn hoang lập ra huyện Tiền Hải chỉ vỏn vẹn trong 6 tháng), với sự quyết tâm cao độ của những người tham gia khẩn hoang, ông cha ta đã đo đạc và cơ bản định hình nên các lý, ấp làm cơ sở để thành lập lên huyện Kim Sơn.
Ba là, ngày lập huyện Kim Sơn là ngày Bính Thân, năm Minh Mệnh thứ 10 (Tức là ngày 2/3 âm lịch năm Kỷ Sửu, hay ngày 5/4/1829).
Sách Đại Nam thực lục ghi: “Kỷ Sửu, năm Minh Mệnh thứ 10 [1829], mùa Xuân, tháng 3, ngày Bính Thân, tiết Thanh minh…. Bắt đầu đặt huyện Kim Sơn, lệ vào phủ Yên Khánh, Ninh Bình. Lĩnh Dinh điền sứ là Nguyễn Công Trứ ở phía ngoài đê Hồng Lĩnh đo được số ruộng hoang là 14.620 mẫu, chia cấp cho dân nghèo hơn 1.260 người, lập thành 3 làng, 22 ấp, 24 trại và 4 giáp chia làm 5 tổng, tâu xin đặt riêng một huyện, gọi là Kim Sơn, chọn người hợp với địa phương làm Tri huyện để phủ dụ khuyên bảo. Nhà ở, lương tháng, trâu cày và điền khí của dân thì do quan cấp cũng như lệ huyện Tiền Hải. Ruộng thực canh và ruộng khẩn thành điền thì bắt đầu từ năm nay đánh thuế; ruộng lưu hoang thì năm Minh Mệnh thứ 13, bắt đầu thu thuế. Vua cho là được. Bèn sai cho đặt Tri huyện, chế ấn triện cấp cho, dựng huyện lý ở làng Quy Hậu, mộ lập lại và lệ đủ số (Đề lại 2 người, thông lại 8 người, thuộc lệ 50 người, cấp tiền công nhu 50 quan”.
Năm 2019, huyện Kim Sơn tổ chức kỷ niệm 190 năm thành lập huyện, dự kiến đúng vào ngày lập huyện 5/4/2019. Chúng ta đã 8 lần tổ chức kỷ niệm, nhưng do chưa xác định được ngày lập huyện nên thường tổ chức vào dịp cuối năm, tức là dịp húy kỵ Dinh Điền sứ Nguyễn Công Trứ (14/11 âm lịch). Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức kỷ niệm đúng vào ngày lập huyện. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện.
Phóng viên: Đồng chí cho biết vai trò của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ trong công cuộc khẩn hoang lấn biển ở Kim Sơn?
Đồng chí Hoàng Văn Thắng – Phó Bí thư Huyện ủy Kim Sơn:
Nói về vai trò của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ trong việc thành lập huyện Kim Sơn, có thể khẳng định: Công cuộc khẩn hoang lập huyện Kim Sơn đạt được kết quả là nhờ tài tổ chức của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Với trách nhiệm của mình, ông đã trực tiếp khảo sát thực địa, cùng các vị chiêu mộ lập địa đồ, khoanh vùng, tạo thành “hình hài” ban đầu của làng xóm, ruộng đồng, sau đó mới động viên, huy động lực lượng khai hoang. Với tầm nhìn của vị quan am hiểu về địa lý tự nhiên vùng biển (ông quê ở vùng biển), hiểu biết về nông nghiệp, ông đưa ra một phác thảo quy hoạch hợp lý, mang tính tổng thể, liên kết của một huyện, gắn tưới và tiêu, tận dụng những lợi thế của tự nhiên để các cộng đồng cư dân đến sau khai hoang thuận lợi, không mâu thuẫn với nhau về tưới tiêu. Và đến nay, hệ thống thủy lợi của Kim Sơn do Nguyễn Công Trứ để lại vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục phát huy tác dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh của người dân Kim Sơn.
Phóng viên: Vâng xin cảm ơn đồng chí!
Thực hiện: Mai Hoa – Đài truyền thanh Huyện
-
Tổng kết công tác quốc phòng, quân sự địa phương năm 2024
Thứ năm, 21/11/2024 9 lượt xem
-
Khánh thành nhà Đại đoàn kết cho gia đình ông Trần Văn Chung, xóm 10, xã Kim Tân
Thứ năm, 21/11/2024 4 lượt xem
-
Điểm sáng Dân vận khéo thực hiện phong trào thi đua “Ngày thứ Bảy xanh, ngày Chủ nhật sạch”
Thứ tư, 20/11/2024 84 lượt xem
-
Ngành Giáo dục và đào tạo huyện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Thứ tư, 20/11/2024 81 lượt xem
-
Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh, Huyện thăm, chúc mừng các cơ sở giáo dục và Nhà giáo nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11)
Thứ ba, 19/11/2024 745 lượt xem
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
-
Thông báo Kết quả xét tuyển Vòng 1 và triệu tập thí sinh đủ điều kiện dự tuyển Vòng 2 Kỳ tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện Kim Sơn năm 2024
Thứ tư, 20/11/2024 119 lượt xem
-
THÔNG BÁO Chỉ tiêu tuyển dụng viên chức còn lại sau khi tổ chức xét tuyển theo chính sách thu hút
Thứ tư, 06/11/2024 242 lượt xem
-
V/v góp ý vào dự thảo báo cáo kết quả thẩm tra hồ sơ và mức độ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024 đối với 04 xã Hùng Tiến, Như Hoà, Văn Hải và xã Thượng Kiệm
Thứ hai, 21/10/2024 308 lượt xem
-
THÔNG BÁO Về việc lấy ý kiến đối với việc đề nghị xét tặng danh hiệu “Xã, thị trấn tiêu biểu” năm 2024
Thứ hai, 21/10/2024 227 lượt xem
-
Thông báo tổ chức thực hiện “Tuần dịch vụ công trực tuyến”
Thứ sáu, 04/10/2024 107 lượt xem
-
V/v tuyên truyền phòng, chống lừa đảo trực tuyến
Ban hành: 15/11/2024
-
QĐ công bố cơ sở cai nghiện ma tuý tự nguyện
Ban hành: 04/11/2024
-
Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra huyện Kim Sơn
Ban hành: 01/11/2024
-
QUYẾT ĐỊNH Về việc công bố thủ tục hành chính và phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được phân cấp cho Phòng Nội vụ huyện Kim Sơn
Ban hành: 30/10/2024
-
V/v tham gia Chiến dịch tuyên truyền “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024”
Ban hành: 18/10/2024
-
BC Kết quả tổ chức thực hiện “Tuần dịch vụ công trực tuyến” tại Trung tâm Một cửa liên thông huyện
Ban hành: 10/10/2024
-
NQ quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện Kim Sơn
Ban hành: 09/10/2024
-
QUYẾT ĐỊNH Về việc giao đất cho ông Phạm Văn Khoa và vợ là Đoàn Thị Thu, địa chỉ tại xóm Luận, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Ban hành: 08/10/2024
-
QUYẾT ĐỊNH Về việc giao đất cho ông Nguyễn Văn Tiến và vợ là Phạm Thị Khánh Linh, địa chỉ tại phố Phúc Nam, phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
Ban hành: 08/10/2024
-
QUYẾT ĐỊNH Về việc giao đất cho ông Giang Văn Độ và vợ là bà Nguyễn Thị Hương, địa chỉ tại phố Văn Miếu, phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
Ban hành: 08/10/2024
Lượt truy cập: 2126620
Trực tuyến: 154
Hôm nay: 1903