Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa

Thứ hai, 23/08/2021 342 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo cấy hơn 8.130 ha lúa. Hiện, trà lúa mùa trung đang ở giai đoạn phân hóa đòng, trà mùa muộn đang giai đoạn cuối đẻ nhánh. Những ngày này trên đồng ruộng đã xuất hiện các đối tượng sâu, bệnh gây hại cần phải tập trung phòng trừ khi  tới ngưỡng.

 

Vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo cấy hơn 8.130 ha lúa, trong đó có 1.300 ha gieo thẳng. Qua thực tế kiểm tra, thăm đồng cho thấy hiện nay diện tích lúa mùa trên địa bàn sinh trưởng, phát triển tốt do ngay từ đầu vụ các HTX nông nghiệp và các hộ xã viên thực hiện tốt các khâu dịch vụ từ làm đất, gieo cấy đến bảo vệ thực vật, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, nắng mưa xen kẽ nên gần đây trên đồng ruộng đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh như: Trưởng thành sâu cuốn lá lứa 6 đang vãn rộ và sâu non xuất hiện gây hại rộng ở thời gian từ 20 – 28/8 với mật độ phổ biến 20 con/m2, cá biệt có nơi >200 con/m2, nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời, một số diện tích bị hại nặng sẽ làm sơ, trắng bộ lá đòng, ảnh hư­ởng đến năng suất lúa.

 

Cùng với sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, trên đồng ruộng đã xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5 gây hại rải rác, mật độ rầy trên đồng ruộng phổ biến từ 100-150 con/m2, nơi cao 200 – 300 con/m2, cá biệt 400 – 500 con/m2 và rầy cám lứa 6 sẽ nở rộ từ 25/8 - 05/9 gây hại trên diện tích lúa ở hầu hết các HTX nông nghiệp, có thể làm đỏ lúa ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa, rầy lưng trắng là đối tượng truyền nhiễm bệnh lùn sọc đen trên đồng ruộng. Ngoài ra, tại thời điểm này còn có chuột, bệnh khô vằn tiếp tục hại tăng trên các trà lúa. Bệnh lùn sọc đen xuất hiện và gây hại rải rác, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn xuất hiện và gây hại cục bộ.

Bà con nông dân trên địa bàn huyện tập trung phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại lúa mùa khi tới ngưỡng

 

Để công tác phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa đạt hiệu quả, UBND huyện đã khẩn trương triển khai hội nghị phòng trừ sâu bệnh tới ngành nông nghiệp và giám đốc các HTX nông nghiệp; yêu cầu các xã, HTXNN, bà con nông dân trên địa bàn tăng cường kiểm tra đồng ruộng; phân rõ các trà lúa; nắm chắc tình hình phát sinh, phát triển của các đối tượng gây hại, tổ chức phun thuốc phòng trừ kịp thời khi tới “ngưỡng” theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, UBND huyện thành lập tổ công tác thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện; thành lập tổ công tác và phân công các thành viên phối hợp với các HTX nông nghiệp hướng dẫn bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp 4 đúng đó là: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp.

 

Theo đó, các địa phương, các HTX nông nghiệp đã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh, phát thông báo tới từng hộ xã viên thời gian phun phòng trừ các đối tượng sâu bệnh. Đối với sâu cuốn lá nhỏ tiến hành phun trừ trên những ruộng có mật độ sâu ³ 20 con/m2, khi sâu non tuổi 2 rộ. Thời gian phun trừ từ 24/8 đến 28/8 . Những ruộng có mật độ sâu ³ 200 con/m2 phải tiến hành phun trừ 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 4-5 ngày. Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng tiến hành hun trừ trên những ruộng có mật độ ≥ 1500 con/m2, khi rầy tuổi 2 rộ, thời gian phun trừ từ 29/8 đến 03/9. Riêng với chuột hại, phải tiến hành đánh bắt bằng các biện pháp thủ công, sinh học thường xuyên, liên tục và đồng loạt, tuyệt đối không đánh chuột bằng kích điện và điện lưới.

 

Cũng theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn từ nay đến cuối vụ là giai đoạn sâu, bệnh tích lũy gây hại nhiều nhất trong vụ, nổi lên là các đối tượng sâu cuốn lá, rầy nâu rầy lưng trắng, chuột hại…Do đó, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi tới ngưỡng là công việc mà các hộ xã viên các HTX nông nghiệp cần triển khai đồng bộ, để hạn chế thấp nhất thiệt hai do sâu bệnh gây ra.

 

Nguyễn Chinh

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2125932

Trực tuyến: 79

Hôm nay: 1215