Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kim Sơn: Chặng đường 20 năm cùng dòng vốn tín dụng chính sách

Thứ sáu, 08/07/2022 591 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Cùng với sự ra đời của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kim Sơn được thành lập vào ngày 10/5/2003 nhằm triển khai nhiệm vụ cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Sau 20 năm đi vào hoạt động, bộ máy tổ chức của đơn vị ngày càng được củng cố, kiện toàn và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 

Cán bộ Ngân hàng CSXH thăm các mô hình phát triển kinh tế đã được vay vốn

 

Luôn đồng hành với người nghèo và đối tượng chính sách 

 

Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi cùng cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kim Sơn tới thăm các hộ gia đình đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong thời gian qua. Chứng kiến những cái nắm tay thật chặt và những câu chuyện thân tình giữa các hộ vay và cán bộ ngân hàng, chúng tôi thêm thấu hiểu về ý nghĩa các chương trình tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước, cũng như sự đồng hành của những "chiến sĩ áo hồng" đối với công tác an sinh xã hội và phát triển kinh tế của huyện vùng biển Kim Sơn. 

 

Điểm đến đầu tiên của đoàn là gia đình chị Nguyễn Thị Lụa (xóm 5, xã Kim Trung) - hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn ưu đãi. Tất tả từ đầm tôm về, lau vội những giọt mồ hôi còn đọng trên khuôn mặt, chị Lụa phấn khởi nói: "Nhờ sự hỗ trợ kịp thời bằng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững". Được biết, trước đây chị làm nghề nông còn anh đi làm than ở Hòa Bình. Cuộc sống không giàu có dư giả nhưng cũng đủ để lo cho các con có cái ăn, cái mặc. 

 

Tuy nhiên, năm 2014 tai nạn ập đến, chồng chị gần như mất sức lao động với tỷ lệ thương tật 69%. Không có tiền cộng với việc chạy chữa thuốc thang cho anh khiến kinh tế gia đình chị trở nên kiệt quệ. May mắn gia đình chị được các cấp chính quyền quan tâm bình xét, được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kim Sơn tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo. 

 

Cụ thể năm 2014, chị được vay 20 triệu đồng, năm 2017 vay 50 triệu đồng và năm 2020 là 100 triệu đồng. Có vốn, chị đã đầu tư chăn nuôi lợn, bò sinh sản và nuôi thủy sản nước lợ. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất, cùng sự chịu thương, chịu khó, nguồn vốn ưu đãi đã phát huy hiệu quả, chị Lụa có tiền trả nợ lãi và gốc đúng hạn và vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2020. Hiện gia đình chị có 1 mẫu đầm nuôi tôm, cua và cá Nâu theo phương pháp quảng canh; 4 con bò sinh sản và 5 con lợn nái. Ước thu nhập sau khi trừ chi phí đạt hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Cũng từ nguồn vốn ưu đãi đã giúp gia đình chị bước đầu có của ăn, của để và hơn hết là nuôi hai con ăn học. 

 

Tiếp theo hành trình, chúng tôi đến với cô giáo trẻ Trần Thị Thắm, ở xã Kim Đông, đang công tác tại Trường THPT Bình Minh. Gặp chúng tôi trong những buổi ôn luyện cuối cùng với các em học sinh lớp 12, cô giáo Trần Thị Thắm chia sẻ: Em sinh năm 1995 trong gia đình có bố mẹ đều làm nông nên kinh tế rất khó khăn. Thấu hiểu được sự vất vả, những hy sinh cũng như kỳ vọng của bố mẹ vào các con, em đã nỗ lực học tập và thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm 2. Tuy nhiên khi có giấy báo trúng tuyển em vừa mừng vừa lo, mừng vì đỗ vào đúng ngành nghề mơ ước bấy lâu nay, lo vì bố mẹ sẽ khó cáng đáng nổi gánh nặng tài chính khi em đi học. Nhưng nhờ có chính sách tín dụng dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã giúp em thêm nguồn lực để học hành tới nơi, tới chốn. 

 

Với 44 triệu đồng được vay trong 4 năm học, em đã dùng để trang trải học phí và một phần chi phí mua sách vở, ăn ở. Khi ra trường, may mắn em được ngành Giáo dụng tuyển dụng và đi làm ngay. Tính đến nay em đã có gần 4 năm đứng trên bục giảng. Đi làm có lương, em cũng đã tích lũy giúp bố mẹ trả hết nợ gốc và lãi cho Ngân hàng CSXH khi đến hạn. 

 

Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn ưu đãi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Qua 20 năm hình thành và phát triển, có thể khẳng định mô hình hoạt động của Ngân hàng CSXH thể hiện rõ tính ưu việt và tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

 

Với sự tận tâm, sự đồng hành của mỗi cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Kim Sơn, hàng nghìn hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn huyện đã được vay vốn để tạo việc làm, phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, từ nguồn vốn ưu đãi đã góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững theo từng giai đoạn và giúp huyện Kim Sơn hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023. 

 

Để tín dụng chính sách ngày càng vươn xa 

 

Trải qua 20 năm, nguồn lực Nhà nước dành cho tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Kim Sơn ngày càng tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đặc biệt từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng CSXH để cho vay ngày càng tăng trưởng. 

 

Bên cạnh đó, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp tạo được sức lan tỏa, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH với mục tiêu "Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo" để bổ sung nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn. 

 

Đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đạt hơn 704 tỷ đồng, gấp 26,1 lần so với thời điểm mới thành lập. Trên tinh thần "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ", với mạng lưới xuống tận xã và những cánh tay nối dài là hàng trăm Tổ tiết kiệm và vay vốn tại tổ dân cư, cơ sở hội các tổ chức nhận ủy thác, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đến với người dân một cách nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng. 

 

Nếu như khi mới thành lập chỉ triển khai 2 chương trình tín dụng thì đến nay trên địa bàn huyện Kim Sơn đang triển khai thực hiện 11 chương trình. Vốn tín dụng CSXH đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, trong đó tập trung ưu tiên cho các đơn vị có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, các xã xây dựng nông thôn mới. 

 

Tổng doanh số cho vay trong 20 năm đạt 1.883 tỷ đồng với trên 77.000 lượt hộ được vay vốn. Tổng dư nợ đến ngày 30/6/2022 đạt trên 704 tỷ đồng, tăng gấp 26 lần so với khi mới thành lập. Tốc độ tăng trưởng bình quân 20 năm là 12,5%/năm. 

 

Phát huy những thành quả đã đạt được và những kinh nghiệm đúc rút trong 20 năm qua, thời gian tới, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Kim Sơn tiếp tục bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện để báo cáo Ngân hàng cấp trên phân bổ nguồn vốn, đồng thời tham mưu với Huyện ủy, HĐND, UBND huyện ủy thác ngân sách sang Phòng giao dịch để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận nguồn vốn từ chính sách của Đảng và Chính phủ". 

 

Trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Kim Sơn đã góp phần giúp trên 4.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 10 nghìn lao động (gần 500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); hơn 14 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 31 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 400 căn nhà ở cho hộ nghèo và đối tượng chính sách.

 

Bài, ảnh: Hồng Giang

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126121

Trực tuyến: 213

Hôm nay: 1404