Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào có đạo

Thứ hai, 09/11/2020 490 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 diễn ra từ ngày 20 – 22/10, đồng chí Hoàng Văn Thắng – TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kim Sơn đã có bài tham luận về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào có đạo. Ban Biên tập Trang TTĐT huyện trân trọng đăng toàn văn bài tham luận của đồng chí Bí thư Huyện ủy.

           

Đồng chí Hoàng Văn Thắng – TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kim Sơn phát biểu tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XX

 

Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội!

 

Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!

 

Kính thưa Đại hội!

 

Được Đoàn Chủ tịch đại hội cho phép, tôi xin tham luận để minh họa, làm rõ thêm nội dung các văn kiện của Đại hội và đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào có đạo.

 

Kính thưa đại hội!

 

Đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công, Người chỉ rõ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”.

 

Đối với Kim Sơn, huyện có đông đồng bào theo tôn giáo, chiếm 52,22%, trong đó đạo Công giáo chiếm 47,07%, đạo Phật chiếm 5,22% nên việc xây dựng khối đoàn kết các tôn giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

 

Nhận thức sâu sắc vấn đề này, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Kim Sơn luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; quan tâm, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân, đồng bào các tôn giáo gắn kết, đồng hành và phát triển.

 

Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với người đứng đầu, các vị chức sắc, chức việc tôn giáo, qua đó kịp thời giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng theo quy định của pháp luật như đề nghị cấp có thẩm quyền tạo điều kiện về đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự ...

 

Ban Thường vụ Huyện ủy chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng và bố trí cán bộ là người theo tôn giáo đảm nhận những vị trí chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền ở huyện và cơ sở; xây dựng, bồi dưỡng lực lượng cốt cán trong các tôn giáo và việc bồi dưỡng kết nạp đảng viên là người theo tôn giáo, đến nay toàn Đảng bộ huyện có 7.928 đảng viên, trong đó có 822 đảng viên là người theo tôn giáo (chiếm 10,3%), tỷ lệ này đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước đây.

 

Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự động viên kịp thời của cấp uỷ, chính quyền các cấp, đồng bào các tôn giáo ở huyện Kim Sơn luôn sát cánh cùng các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; "Xây dựng xứ, họ đạo bình yên”, “Chùa tinh tiến về an ninh trật tự”.

 

Nổi bật là phong trào “Hiến tặng giác mạc” khi qua đời của đồng bào Công giáo; trong phong trào này có sự tham gia tích cực của các vị chức sắc, chức việc tôn giáo, tiếp tục đưa Kim Sơn là đơn vị dẫn đầu cả nước về phong trào hiến tặng giác mạc.

 

Có thể khẳng định, đồng bào các tôn giáo ở huyện Kim Sơn đã không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện tốt các phương châm: “Kính Chúa, yêu nước”, "Sống tốt đời, đẹp đạo", "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", xây dựng nên những xứ đạo bình yên, chùa tinh tiến về an ninh trật tự, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có đông đồng bào theo tôn giáo.

 

Kính thưa đại hội! trong quá trình thực hiện, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm cụ thể sau:

 

Một là, xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đặc biệt là coi trọng công tác vận động quần chúng, củng cố và tăng cường tình đoàn kết lương - giáo, là nền tảng để tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

 

Hai là, phải nắm chắc tình hình tôn giáo; thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các vị chức sắc, chức việc, người đứng đầu tổ chức tôn giáo, qua đó, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện các nội dung quản lý theo đúng quy định của pháp luật; mặt khác, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo. 

 

Ba là,  Việc tuyên truyền, vận động chức sắc và tín đồ các tôn giáo phải thông qua những việc làm cụ thể, nhất là việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần để đồng bào được “no ấm phần xác, thong dong phần hồn” - như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

 

Kết hợp giữa vận động quần chúng một cách rộng rãi với vận động cá biệt. Thực hiện phương châm lấy tôn giáo để giải quyết các vụ việc tôn giáo; không mặc cảm, kỳ thị tôn giáo; quan tâm giải quyết kịp thời các đề nghị chính đáng và hợp pháp của các cơ sở tôn giáo. 

 

Kính thưa đại hội!

 

Để tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội vùng có đông đồng bào có đạo, thời gian tới huyện xác định thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:

 

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo; nhận thức một cách sâu sắc về nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng.

 

Hai là, tăng cường quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm bình đẳng giữa trách nhiệm, quyền lợi của các tổ chức tôn giáo, giữa tổ chức tôn giáo và các tổ chức xã hội khác. Quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở vùng có đông đồng bào theo tôn giáo.

 

Ba là, đẩy mạnh công tác vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành nâng cao trách nhiệm xã hội trong hoạt động tôn giáo. Thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với chức sắc, chức việc, nhà tu hành để nắm tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết các nhu cầu hợp pháp, chính đáng, những vấn đề phát sinh trong hoạt động tôn giáo;

 

Tuyên truyền, vận động các tín đồ nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo.

 

Bốn là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tôn giáo và nghiệp vụ công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ. Bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, đảng viên là người theo tôn giáo; thường xuyên làm tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên là người theo tôn giáo.

 

Kính thưa đại hội!                                                                                                                                                             

 

Với truyền thống cách mạng, sự đoàn kết nhất trí, chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân lương - giáo, huyện Kim Sơn sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.       

 

Trân trọng cảm ơn đại hội./.

 

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814132

Trực tuyến: 107

Hôm nay: 1474

W88 113.80 - https://139.99.113.80/