Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

PHÁT HUY HIỆU QUẢ CỦA CÂY TRẠCH TẢ TRONG SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG

Thứ năm, 26/04/2018 354 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Khắc phục những khó khăn trong việc lựa chọn và duy trì diện tích các loại cây trồng trong sản xuất vụ đông. Nhiều năm nay, bà con nông dân xã Chính Tâm đã đưa vào trồng cây trạch tả trên đất 2 lúa và đã mang lại hiệu quả cao. Mặc dù cũng có quy trình thâm canh giống với cây lúa, nhưng xét về giá trị trên cùng một diện tích gieo trồng thì cây trạch tả có hiệu quả cao hơn từ 4 đến 5 lần. Điều đánh ghi nhận là từ hiệu quả của cây trồng này đã tạo được hướng phát triển mới trong sản xuất cây vụ đông của địa phương, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Trạch tả còn có tên gọi khác là mã đề nước, thích hợp trồng ở ruộng có bùn sâu, nhiều màu như chân ruộng chiêm, ven hồ, đầm, ao như ruộng đất 2 lúa. Vụ Đông năm 2017, Chính Tâm gieo trồng 5,5ha cây trạch tả, cũng giống như cây lúa, trạch tả được cấy từ cây con. Hạt được gieo từ giữa tháng 9, sau khoảng 30 - 35 ngày là có thể nhổ lên đem cấy với mật độ 8 - 10 cây/m2. Thời vụ cấy tốt nhất là từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch.
 
Gia đình ông Trần Văn Tuyển – xóm 2, xã Chính Tâm trồng gần 1 ha cây trạch tả, hiện ruộng trạch tả đã vào giai đoạn đẻ nhánh. Ông phấn khởi chia sẻ, vụ đông năm 2016, trừ đi chi phí giống và thuốc trừ sâu bệnh, gia đình ông thu được số tiền lãi trên 30 triệu đồng.          
 
Với kinh nghiệm gần 20 năm trồng trạch tả, ông Tuyển cho biết, trồng trạch tả khó nhất là khâu chọn giống, nếu giống tốt thì việc chăm bón sẽ dễ dàng, nhưng nếu trong quá trình gieo hạt gặp thời tiết bất lợi như mưa lớn hay nắng gắt không che chắn kịp thì sẽ phải gieo lại từ đầu, tốn rất nhiều công sức. Chăm bón cây trạch tả cũng cần bón phân kết hợp với làm cỏ và phòng trừ sâu bệnh thường xuyên.

Ruộng trạch tả đang trong giai đoạn đẻ nhánh của gia đình ông Trần Văn Tuyển – xóm 2, xã Chính Tâm


Đến vụ thu hoạch, củ trạch tả được đào lên, rửa sạch. Lấy cót quây tròn, dùng diêm sinh để hun đến khi củ chín mềm, rồi đem phơi hoặc sấy khô.  Trạch tả là vị thuốc có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng lợi thủy, thanh nhiệt. Cây thuốc này được dùng chủ yếu để chữa bệnh thủy thũng, viêm thận, tiểu tiện khó, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Ngoài ra, trạch tả còn được dùng trong các bài thuốc chữa cao huyết áp, lipit máu cao.
 
Trồng cây trạch tả trên đất 2 lúa là một trong những hướng đi mới của xã Chính Tâm trong việc phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, nhiều gia đình nhờ vào việc trồng cây thuốc nam, trồng trạch tả đã thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu. Nói về hiệu quả của việc trồng cây trạch tả trên địa bàn  xã, ông Trần Cao Thắng – Giám đốc HTX NN Chính Tâm cho biết: “Về hiệu quả kinh tế tính trên 1 vụ, trạch tả  có thời gian thu hoạch ngắn hơn, thu lợi nhuận nhiều hơn 4,5 lần so với cây lúa. Mỗi kg của trạch tả khô có giá khoảng 40 nghìn đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi sào thu lợi nhuận gần 2 triệu đồng. Trồng trạch tả đã giúp nhiều hộ dân trong xã có của ăn của để, phát triển được đời sống, có điều kiện đóng góp cho địa phương”.
 
Ngoài những thuận lợi về đất đai thổ nhưỡng, kinh nghiệm của bà con trong trồng trạch tả thì xã Chính Tâm cũng còn gặp những vướng mắc trong việc quy hoạch vùng sản xuất cũng như khâu giải quyết sản phẩm đầu ra cho bà con. Trạch tả thành phẩm hiện nay đều do các hộ dân tự phát thu mua, buôn bán, chứ chưa có các công ty dược phẩm hay các đầu mối lớn, có giá thu mua ổn định.
 
 Để duy trì, phát triển diện tích trồng cây trạch tả, chính quyền xã Chính Tâm sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, có các biện pháp hỗ trợ bà con về giống, vốn, vật tư. Khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích trồng trạch tả trên đất 2 lúa. Phối hợp với phòng NN và PTNN huyện mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng cây thuốc nam cho bà con xã viên cũng như tìm kiếm, hợp tác, tạo điều kiện cho các kênh tiêu thụ đến thu mua sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất, đưa việc trồng, sản xuất cây thuốc nam thành vụ sản xuất thứ ba, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
 

Diệu Hoa – Đài Truyền thanh huyện

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814135

Trực tuyến: 112

Hôm nay: 1477

W88 113.80 - https://139.99.113.80/