Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Những ngày mùa thu Cách mạng tháng Tám năm ấy

Thứ hai, 19/08/2024 618 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 15 điểm ( 9 đánh giá )

Một mùa thu nữa lại về với đất trời, với lòng người. Trong khoảnh khắc của đất trời vào thu, mỗi người dân là con em đất Việt, mang dòng máu Việt lại càng tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc mình. Bởi mùa thu năm ấy là mùa thu rực rỡ của cờ đỏ sao vàng phơi phới tung bay trong sắc nắng dịu dàng giữa Quảng trường Ba Đình lộng gió. Là cảm xúc tự hào của hàng triệu trái tim cùng hướng về vườn hoa Ba Đình lịch sử, lắng nghe lời Người vang vọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Còn đối với người dân Kim Sơn, niềm vui, niềm hạnh phúc và tự hào của những ngày mùa thu Cách mạng tháng Tám năm xưa càng in đậm trong tâm trí hàng chục nghìn người bởi ngày 21/8/1945 là ngày diễn ra sự kiện khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Kim Sơn. Để rồi cứ mỗi độ thu về, cùng với đồng bào cả nước, mỗi người dân Kim Sơn lại trào dâng trong lòng niềm tự hào về truyền thống Cách mạng của quê hương.

Ngày 19/8/1945, sau cuộc mít-tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, quần chúng nhân dân Thủ đô đã đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ  (Ảnh sưu tầm).

Những ngày thu lịch sử

Cách đây 195 năm, vào năm 1829 các thế hệ người dân Kim Sơn theo chân cụ Nguyễn Công Trứ từ các miền về hội tụ, khai hoang, lập nghiệp và bao đời nay, con cháu của các cụ luôn có một khát vọng được sống trong hòa bình, độc lập, ấm no, hạnh phúc; họ mãi yêu tha thiết và dũng cảm bảo vệ đến cùng mảnh đất mà họ đã đổ mồ hôi công sức tạo dựng lên. Ngược dòng lịch sử về với thời khắc của những ngày Cách mạng tháng Tám 79 năm về trước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc, đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giaỉ phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã đồng loạt vùng dậy tiến hành tổng khởi nghĩa giải phóng đất nước. Ở Kim Sơn, trước ngày khởi nghĩa hơn một tuần, bọn ngụy quân, ngụy quyền hầu như ngừng hoạt động, Phủ đường, đồn binh đều im lìm, quần chúng nhân dân náo nức chờ đợi cách mạng, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Hàng ngày, tại nhà của Nguyễn Đình Minh, một số thanh niên công giáo sôi nổi hoạt động, học hát Tiến quân ca và các bài ca Cách mạng, một số nữ thanh niên dưới sự chỉ đạo của chị Thanh Am tổ chức may cờ, kẻ khẩu hiệu.

Tại Ninh Bình, Lệnh tổng khởi nghĩa được ấn định là ngày 19/8/1945, Hội nghị Tỉnh ủy Ninh Bình tại thôn Sải, huyện Nho Quan đêm ngày 17/8/1945 quyết định chọn Gia Viễn làm điểm khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên trong Tỉnh. Ngày khởi nghĩa được ấn định là ngày 19/8/1945. Những ngày đó, khắp các vùng quê từ Nho Quan, Gia Viễn cho đến Gia Khánh, thị xã Ninh Bình, Kim Sơn, khí thế cách mạng bừng bừng, lan tỏa. Cờ hoa, khẩu hiệu tung bay trong sắc nắng dịu dàng của mùa thu, từng đoàn người nối nhau đi trên đường hô vang các khẩu hiệu. Tin Gia Viễn khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi lan nhanh, động viên quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Biết tin mặt trận Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh và các huyện. Ở Kim Sơn, chiều ngày 20/8, anh Đàm là thanh niên công giáo tiến bộ ở Quy Hậu cùng một số thanh niên đã vào thẳng huyện đường ở Quy Hậu gặp Tri huyện Phạm Gia Hệ ra điều kiện nộp con dấu và súng lục, giao lại toàn bộ súng đạn cho Việt Minh và chấp nhận đầu hàng.

Ngày 21/8/1945, hơn 2.000 người tập trung ở Phát Diệm, cờ đỏ sao vàng, giăng khẩu hiệu vừa đi vừa hô “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh”- một không khí cách mạng sực sôi trong lòng người dân Kim Sơn. Đoàn người biểu tình vượt qua đồn binh đóng ở cầu Trì Chính càng đi càng đông, kéo thẳng vào huyện đường, chính quyền bù nhìn phải ngoan ngoãn đầu hàng, sau đó đoàn người quay về chiếm đồn binh, binh lính không dám chống cự, sẵn sàng nộp vũ khí. Ngay sau đó, chính quyền tay sai ở các xã cũng tan rã và bàn giao cho y ban lâm thời. Chính quyền của chế độ cũ đã hoàn toàn sụp đổ ở Kim Sơn.

Như vậy, ngày 21/8/1945 đánh dấu sự kiện khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Kim Sơn, lan rộng ra Cách mạng tháng Tám đã thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đưa nhân dân ta từ kiếp nô lệ lầm than trở thành người làm chủ đất nước. Từ đây, phong trào cách mạng ở Kim Sơn đã bước sang thời kỳ vẻ vang dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Kim Sơn cùng nhân dân cả nước bước sang kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Tiếp tục phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, xây dựng huyện Kim Sơn giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Phát huy hào khí, tiếp bước con đường vinh quang của Cách mạng tháng 8, thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, tăng cường đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động cách mạng, Đảng bộ, quân và dân huyện Kim Sơn đã phát huy sức mạnh đoàn kết lương giáo, năng động, sáng tạo, không ngừng đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Năm 2024 là năm huyện nhà kỷ niệm 195 năm thành lập huyện (5/4/1829-5/4/2024) và 70 năm giải phóng huyện Kim Sơn (30/6/1954-30/6/2024). Là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm 2020-2025, Kim Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, toàn diện về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá (trên 7,5%). Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 theo Bộ tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tám tháng đầu năm, kinh tế tăng trưởng ổn định, sản xuất vụ đông xuân được mùa, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được duy trì, cơ sở hạ tầng được đầu tư. Các hoạt động văn hóa - xã hội, công tác xây dựng chính quyền, tư pháp, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng được quan tâm thực hiện. An ninh Quốc phòng, Biên phòng được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Giá trị trên 1ha canh tác đạt gần 200 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 61 triệu đồng/người/năm.

Với nhiều thành tích nổi bật trong những năm qua, Đảng bộ, Nhân dân, các lực lượng vũ trang huyện Kim Sơn đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhì.

Cờ đỏ sao vàng rực rỡ trong nắng thu.

Những ngày này không khí ở các xã trong huyện đều nhộn nhịp. Các khu dân cư sôi nổi tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” . Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, khẳng định ý nghĩa lịch sử, tầm vóc thời đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), những thắng lợi vĩ đại và thành tựu có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong Tám thập kỷ qua, nhất là sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của người Việt Nam và con người Kim Sơn. Huyện, thành lập các đoàn đi thăm và tặng quà Lão thành cách mạng. Tổ chức vệ sinh môi trường, chỉnh trang cảnh quan khu vực Nghĩa trang Liệt sĩ huyện. Bên cạnh đó, phát động các cơ quan, đơn vị và các hộ gia đình làm tốt công tác tuyên truyền cổ động trực quan, chăng treo cờ, băng rôn, hồng kỳ, khẩu hiệu, phát động nhân dân treo cờ Tổ quốc trước, trong và sau ngày lễ .

 Thông qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tạo không khí vui tươi phấn khởi, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong huyện tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Một góc Kim Sơn (Ảnh: Nguồn Đài Ninh Bình).

Những ngày này, hương sắc của mùa thu như chạm đến trái tim của mỗi người dân Kim Sơn, bởi lòng nhớ ơn và ghi tạc công lao to lớn về sự đóng góp của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân Kim Sơn đã chiến đấu hy sinh vì nước vì dân, vì quê hương. Từ đó, mỗi một người dân nguyện tiếp bước con đường vinh quang của Cách mạng tháng Tám, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XXIV Đảng bộ huyện đã đề ra, xứng đáng là quê hương anh hùng của một dân tộc anh hùng. Đó cũng là món quà quý giá và có ý nghĩa nhất kính dâng lên Người trong mùa thu tháng Tám này.

Bài viết sử dụng tư liệu từ CuốnLịch sử Đảng bộ huyện Kim Sơn 1947-2017”                                                                          

                                                         Bùi Lan

 

 

Góp ý của nhân dân
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126098

Trực tuyến: 196

Hôm nay: 1381