Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Nguyễn Công Trứ với việc trị thủy ở Kim Sơn

Thứ tư, 20/03/2019 1354 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Khai hoang mà không biết trị thủy không thể tránh khỏi thất bại. Nắm rõ được tầm quan trọng của điều này, trong cuộc khẩn hoang thành lập huyện Kim Sơn năm 1829, Nguyễn Công Trứ đã tiến hành nhiều công việc có tính quyết định như đào sông, đắp đê, xây dựng hệ thống thủy nông để cấp nước, đồng thời chống mặn, chống lũ lụt và chống hạn cho vùng đất này.

 

Tận dụng vào đặc điểm tự nhiên của sông ngòi, ngoài những dòng sông nhỏ dùng làm mương cái, Nguyễn Công Trứ cho đào thêm sông Ân nối liền sông Đáy với sông Càn để làm kênh chính, đồng thời đào thêm một hệ thống mương cái khác để dẫn nước sông Ân vào khắp các cánh đồng trong huyện. Cứ mỗi làng lớn hoặc hai làng nhỏ, ông lại cho đào kênh, đắp đường dẫn về đến thôn, xóm để tiêu úng lụt và thau chua rửa mặn, khai thác tối đa diện tích đưa vào canh tác. Tất cả mọi con sông nhỏ đều nối với sông Ân, từ đây sông Ân đã thành động mạch chủ dẫn nước về mọi ngả… Những con sông nhỏ đi qua vùng giáp ranh giữa các làng có chiều dài từ 5 - 10 km, chưa tính sông Ân, chiều dài các con sông, con kênh gộp lại ước tính trên 100 km. Hệ thống kênh mương này còn có tác dụng tạo vách ngăn địa giới giữa các làng, ấp và hình thành một mạng lưới giao thông thuỷ bộ khá thuận lợi trên phạm vi của huyện.

 

Sông Ân – ngoài tác dụng về thủy lợi, hằng năm nhân dân Kim Sơn tổ chức nhiều hoạt động lễ hội trên dòng sông này

 

Hệ thống trị thủy do Nguyễn Công Trứ chỉ đạo ở Kim Sơn và Tiền Hải là hệ thống duy nhất đạt đến trình độ khoa học ở Bắc Bộ vào thế kỷ XIX. Sự sáng tạo, tận dụng được những yếu tố tự nhiên, ông đã giải quyết được những khâu cơ bản về thủy lợi, hình thành mạng lưới thủy nông hoàn chỉnh trên địa bàn huyện.

 

Với những thành quả lớn lao của mình, Nguyễn Công Trứ xứng đáng là nhà khai hoang và trị thủy tài ba của thế kỷ XIX. Đó không chỉ đơn giản là việc khẩn hoang, mở đất, đào sông, đắp đê mà còn xây dựng, củng cố dải đất phòng thủ ven biển, tạo cơ hội cho nhân dân an cư, lạc nghiệp. 

 

Ghi nhớ công lao của ông, năm 1856 người dân Kim Sơn đã lập Đền thờ ông tại làng Lạc Thiện, xã Quang Thiện. Hằng năm, nhân dân Kim Sơn tổ chức lễ hội Đền Nguyễn Công Trứ vào ngày kỵ húy của ông (14/11 âm lịch), nhằm tri ân tưởng nhớ công đức của Dinh điền sứ, người đã có công khai hoang, lấn biển, chiêu dân, lập ra vùng đất này.

 

                                                                Tin, ảnh: Mai Hoa – Đài truyền thanh Huyện

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126075

Trực tuyến: 196

Hôm nay: 1358