Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Người chăn nuôi cần thận trọng và chắc chắn khi tái đàn lợn

Thứ sáu, 30/08/2019 361 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Dịch tả lợn Châu Phi diễn ra hơn 4 tháng qua trên địa bàn huyện không chỉ thiệt hại lớn cho người chăn nuôi mà hiện nay người chăn nuôi còn đứng trước nỗi lo về việc tái đàn, khôi phục chăn nuôi. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, trong điều kiện tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, các hộ chăn nuôi cần thực hiện đúng chỉ đạo của huyện về công tác tái đàn lợn hoặc có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi các loại vật nuôi khác để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi.

 

Gia đình ông Nguyễn Văn Ước – xóm 7, Như Hòa là hộ đầu tiên của xã xuất hiện lợn mặc bệnh dịch tả Châu Phi, mặc dù toàn bộ đàn lợn 11 con, trọng lượng hơn 250kg của gia đình đã bị tiêu hủy cách đây 3 tháng nhưng đến nay gia đình ông Ước vẫn chưa dám tái đàn vì lo dịch tả lợn Châu Phi sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đàn vật nuôi. Bởi vậy, sau 30 ngày tiêu hủy đàn lợn, gia đình ông Ước đã chủ động vệ sinh chuồng trại để chuyển đổi sang nuôi con nuôi gia cầm.

 

Gia đình ông Nguyễn Văn Ước xóm 7, xã Như Hòa cải tạo chuồng trại chuyển sang chăn nuôi gia cầm

 

Mong muốn sớm tái đàn lợn kèm nỗi lo thường trực khi tái đàn của ông Ước cũng là tâm lý chung của nhiều người chăn nuôi trên địa bàn huyện trong thời điểm hiện nay. Ông Trần Anh Khiêm – Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Hơn 4 tháng qua, Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 181 hộ chăn nuôi của 89 thôn, xóm thuộc 24 xã, thị trấn; số lợn mắc bệnh và tiêu hủy 3.658 con với trọng lượng 227.941kg. Nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng người dân trong việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi nên sau 30 ngày kể từ thời điểm xảy ra dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn các xã: Xuân Thiện, Hồi Ninh, Kim Định, Như Hòa, Hùng Tiến, Ân Hòa, Quang Thiện, Đồng Hướng, Thượng Kiệm, Yên Mật, Định Hóa, Văn Hải, Kim Tân, Kim Mỹ, Cồn Thoi, Kim Đông, Tân Thành, Lưu Phương và Thị trấn Bình Minh…không phát sinh thêm ổ dịch mới. UBND huyện đã ban hành quyết định về việc công bố hết dịch bệnh tả lợn châu Phi tại 19 địa phương trên. Bên cạnh đó, giá thịt lợn hơi liên tục tăng trong thời gian gần đây do dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, nhu cầu sử dụng thịt lợn làm thực phẩm cũng tăng trở lại - đây là điều kiện thuận lợi để tổ chức lại chăn nuôi lợn.

 

Qua kiểm tra một số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện có lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi sau một thời gian để trống chuồng đã nhập lợn về nuôi và nhiều hộ có mong muốn tái đàn. Tuy nhiên, các hộ tái đàn sau dịch tả lợn Châu Phi đã không chấp hành các quy định, hướng dẫn về tái đàn lợn, tự ý tái đàn do đó tái nhiễm bệnh dịch tả lợn châu phi, có lợn bị tiêu hủy vì nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và không được hỗ trợ theo quy định hiện hành của Nhà nước. Điều đáng lưu ý là 3 xã Thượng Kiệm, Văn Hải và Kim Tân công bố hết dịch nhưng sau đó lại bị tái phát dịch.

 

Để thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi khi thực hiện tái đàn lợn, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, các hộ chăn nuôi cần thực hiện đúng chỉ đạo của huyện về công tác tái đàn lợn hiện nay. Theo đó, các hộ chăn nuôi đã có lợn bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi cần đăng ký với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để được tư vấn, kiểm tra chuồng trại, cơ sở vật chất trước khi tái đàn. Chuồng trại phải có hố tiêu độc khử trùng trước cửa ra vào khu vực chăn nuôi và mỗi dãy chuồng nuôi; chuồng trại, thiết bị, phương tiện phục vụ chăn nuôi đảm bảo đã được tiêu độc khử trùng và để trống chuồng nuôi ít nhất 30 ngày, có biện pháp diệt chuột, ngăn chặn côn trùng; trường hợp chuồng hở phải thực hiện bao lưới xung quanh dẫy chuồng nuôi và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Lợn giống nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, nếu nhập lợn từ tỉnh khác về phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định tại Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn. Người chăn nuôi cần tuân thủ các bước nhập nuôi lợn, tránh tái đàn ồ ạt (nhập khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở, sau khi nuôi được 30 ngày thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi mới tăng dần số lượng lợn nuôi lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở); các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có thể nghiên cứu, tìm hiểu chuyển sang nuôi gia cầm hoặc vật nuôi khác cho phù hợp với điều kiện thực tế, chi phí đầu tư cải tạo lại chuồng trại thấp.

 

Sau Dịch tả lợn châu Phi việc không vội vã tái đàn lợn cũng là một trong những giải pháp ngăn ngừa bệnh dịch, bảo vệ chăn nuôi của các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện. Việc chủ động phát triển các hướng chăn nuôi khác cũng là cần thiết nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường, nhất là trong dịp lễ, Tết Nguyên Đán Canh Tý sắp tới.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Chinh – Đài truyền thanh huyện

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126628

Trực tuyến: 182

Hôm nay: 1911