Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Làng nghề TTCN xã Kim Chính vượt khó mùa dịch

Thứ sáu, 01/10/2021 417 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Xã Kim Chính hiện có 5 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các làng nghề không những của Kim Chính mà trên địa bàn huyện đều chịu không ít tác động. Tuy nhiên để nghề truyền thống không bị mai một, các làng nghề TTCN xã Kim Chính đã và đang nỗ lực tìm các giải pháp duy trì sản xuất, chờ đón cơ hội mới khi dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.

 

Cơ sở dệt chiếu của gia đình ông Đỗ Văn Tấn xóm 2 nổi tiếng với các sản phẩm chiếu cói như chiếu đậu, chiếu cải…Nếu như trước kia mỗi ngày cơ sở luôn duy trì 6 – 7 và chiếu, sản xuất trên 10 đôi chiếu trắng với gần 20 nhân công, từ khi ảnh hưởng của dịch COVID-19 cơ sở gặp nhiều khó khăn và phải duy trì sản xuất “cầm chừng”, mỗi ngày cơ sở sản xuất 2-3 đôi chiếu với 4-6 công nhân làm việc, sản phẩm làm ra chưa tiêu thụ được luôn sẽ được lưu kho bảo quản để chờ thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định trở lại.

Người dân vẫn duy trì dệt chiếu chờ thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định trở lại

 

Nghề thủ công truyền thống là nguồn sinh kế quan trọng của người dân trên địa bàn xã Kim Chính. Những năm qua, 5 làng nghề TTCN đã tạo việc làm thường xuyên cho 3.500 lao đồng, với mức thu nhập dao động 50 triệu đồng/người/năm. Các sản phẩm thủ công được đan, tết, bện từ cói, bèo bồng, sản phẩm được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…Dịch COVID-19 đã tác động đến tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cũng không “ngoại lệ”. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều chuỗi liên kết bị gián đoạn, giao thương quốc tế bị hạn chế đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu vận chuyển, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ đều bị chậm lại. Các hoạt động kiểm soát dịch nhất là tại những địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ phương tiện vận tải hạn chế lưu thông nên nhiều đơn hàng buộc phải dừng lại, một số tỉnh vẫn lưu thông được hàng hóa thì giá cước xe, giá nguyên vật liệu tăng nên giá thành sản phẩm tăng theo trong khi đó sức tiêu thụ sản phẩm giảm…

Các doanh nghiệp năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm TTCN

 

Khó khăn là thế nhưng xác định đại dịch COVID-19 còn tiếp diễn, để thích ứng và tìm kiếm cơ hội mới khi dịch bệnh được kiểm soát thay vì dừng sản xuất, 5 làng nghề tiểu thủ công nghiệp đan cói, bèo bồng của xã Kim Chính vẫn đang nỗ lực để duy trì hoạt động, tuy không nhộn nhịp như trước kia mà sản xuất “cầm chừng” chuẩn bị các điều kiện phục hồi sản xuất. Trên địa bàn xã hiện có 1 doanh nghiệp và 9 đại lý thu mua hàng cói, bèo bồng vừa thu mua những sản phẩm để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết vừa tìm tòi những mẫu mã mới giới thiệu với khách hàng để tìm kiếm đơn hàng mới, áp dụng công nghệ trong giao dịch, giới thiệu sản phẩm…

 

Với việc năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp, đại lý thu mua hàng cói, để duy trì sản xuất lấy đà phục hồi, bà con nông dân các làng nghề TTCN trên địa bàn xã vẫn đang chủ động sản xuất, chú trọng thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, các làng nghề vẫn phát huy tính chuyên sâu khá cao như: làng nghề Trì Chính nổi tiếng với nghề dệt chiếu với các sản phẩm như chiếu đậu, chiếu in hoa, chiếu manh, chiếu trường kỷ. Làng nghề Kiến Trung với những mẫu nhỏ như hộp, túi xách, giày dép…Làng nghề Yên Thổ lại chuyên về mẫu tết bện bằng bèo bồng. Ngoài các sản phẩm truyền thống từ cói và bèo bồng, hiện nay người dân trên địa bàn xã cũng chuyển sang bện lúa non xuất khẩu sang Nhật.

Nghề tết, bện lúa non xuất khẩu sang Nhật cũng tạo việc làm thường xuyên cho lao động tại địa phương

 

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các làng nghề TTCN trên địa bàn phát triển, khuyến khích các doanh nghiệp, các làng nghề thực hiện cải tiến kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, mở rộng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu, tiêu thụ để đưa hàng hóa thủ công truyền thống của địa phương vươn xa hơn đến các thị trường tiềm năng. Tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để có vốn mua máy móc trang thiết bị, nguyên liệu sản xuất…

 

Hi vọng các làng nghề TTCN của xã Kim Chính nói riêng và các làng nghề của huyện nói chung vượt qua được khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh chờ đón cơ hội mới khi dịch bệnh được kiểm soát.

 

Minh Hằng

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814237

Trực tuyến: 204

Hôm nay: 1579

W88 113.80 - https://139.99.113.80/