Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Làm giàu trên cánh đồng trũng

Thứ tư, 07/07/2021 440 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Từ những thửa ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả, với sự năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, anh Trần Văn Nguyên xóm 9 (xã Hồi Ninh) đã mạnh dạn chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình mỗi năm trên 350 triệu đồng.

 

Đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Trần Văn Nguyên vào một buổi chiều khi ánh nắng mùa hạ đã dịu nhẹ. Đang chuẩn bị thức ăn cho ếch và chăm sóc gốc đào quanh bờ ao, anh Nguyên vui vẻ chỉ tay vào 1 gốc đào cho biết: “Cây đào này nếu được chăm sóc tốt, hoa nở đúng dịp tết, đến xuân về sẽ có giá thành cao hơn 1 tạ thóc, người nông dân chúng tôi cũng có thu nhập”.

Mô hình kinh tế tổng hợp đã mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình anh Trần Văn Nguyên mỗi năm trên 350 triệu đồng

 

Trò chuyện với anh Nguyên chúng tôi được biết anh sinh 1973 tại xóm 9, xã Hồi Ninh. Năm 1997, anh lập gia đình, vợ chồng anh sinh được 2 người con. Cũng như nhiều hộ gia đình khác tại địa phương, những năm trước đây gia đình anh chỉ cấy lúa nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Các con ngày càng lớn, chi phí trang trải cuộc sống ngày càng nhiều. Trăn trở với suy nghĩ làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Nguyên đã tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài huyện. Nhận thấy, cánh đồng trũng chỉ cấy 2 vụ lúa thu nhập không cao nhưng lại là điều kiện thuận lợi để đào ao thả cá, nuôi ếch, thủy cầm, vượt lập trồng đào cảnh. Cơ hội đến với anh khi xã có chủ trương cho đấu thầu diện tích ruộng trũng thuộc xóm 13, anh đã mạnh dạn đấu thầu 1ha để phát triển trang trại. Năm 2017, anh quyết tâm vay mượn anh em bạn bè hơn 200 trăm triệu đồng đào ao, đắp bờ, mua cây giống để trồng, con giống để nuôi thả.

Với sự năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm anh gia đình anh Nguyên đã thu được “trái ngọt” trên vùng ruộng trũng

 

Với diện tích 1 ha, anh Nguyên quy hoạch thành 2 ao, mỗi ao 1,3 mẫu nuôi các loại cá truyền thống như: trắm, trôi, chép mè…bờ ao trồng hơn 1.000 gốc đào, diện tích mặt nước được anh thiết kế lồng nuôi ếch. Cùng với các loại cá nước ngọt và đào cảnh là những cây trồng, con nuôi truyền thống, anh Nguyên lựa chọn nuôi ếch thương phẩm để “lấy ngắn nuôi dài”. Ếch là loại khá dễ nuôi, ít bệnh tật, sinh trưởng nhanh chỉ 65-75 ngày được xuất bán, từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm là thời gian ếch sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Nếu chủ động được con giống thì một năm có thể nuôi được 3 lứa, mỗi lứa anh Nguyên nuôi từ 1 đến 2 vạn ếch giống, sau hơn 2 tháng có thể xuất bán ếch thịt thương phẩm. Với gần 5 tấn ếch thương phẩm mỗi vụ, anh Nguyên chủ yếu xuất bán tại Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định với giá bán 39 – 40 nghìn đồng/kg; ếch giống bán cho các hộ nuôi ếch trong và ngoài huyện. Ngoài ra, với 2 ao nuôi các loại cá nước ngọt, anh Nguyên cũng xuất bán trên 4 tấn cá mỗi năm. Do phát triển mô hình kinh tế ở khu ruộng trũng nên nguồn nước trong ao thường xuyên được thau rửa cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi phát triển ít bị dịch bệnh.

 

Tận dụng diện tích bờ ao, anh Nguyên trồng hơn 1.000 gốc đào cảnh. Cây đào là cây trồng truyền thống ở địa phương, được truyền qua bao thế hệ người dân nơi đây, cùng với sự cần cù, khéo léo của mình anh Nguyên đã tạo được nhiều cây đào với thế, dáng độc đáo đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng nên hàng năm “tết đến, xuân về” được thương lái đến đặt mua từ rất sớm.

 

Cùng với phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, anh Nguyên đầu tư mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất vừa tăng thu nhập cho gia đình vừa giúp người nông dân giải phóng sức lao động, giảm bớt chi phí sản xuất để họ yên tâm gắn bó với ruộng đồng. Với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Nguyên mỗi năm trên 350 triệu đồng.

 

Ngoài việc tập trung phát triển mô hình kinh tế gia đình, anh Trần Văn Nguyên còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp ếch giống và giúp đỡ các hộ gia đình có nhu cầu xây dựng mô hình phát triển kinh tế ngay trên chính mảnh đất quê hương.

 

Hiệu quả từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của anh Nguyên đã đem lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình và đó cũng là thành quả cho những người nông dân đã "biến" những khó khăn của vùng ruộng trũng thành lợi thế để làm giàu, gắn bó với đồng ruộng, đưa những mảnh ruộng trũng trở thành "tấc đất, tấc vàng".

 

Nguyễn Chinh

 

 

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126205

Trực tuyến: 213

Hôm nay: 1488