Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Kim Sơn triển khai công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên Trâu, Bò

Thứ ba, 16/03/2021 426 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Chiều 15/3/2021, đồng chí Trần Anh Khiêm – PCT UBND huyện chủ trì hội nghị triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên Trâu, Bò và triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân – Hè năm 2021.

Các đại biểu tham dự hội nghị

 

Ngày 09/3/2021, các ngành chức năng của huyện nhận được thông tin đàn bò tại hộ gia đình ông Nguyễn Đức Tời, Xóm 5, Yên Lộc có hiện tượng ốm, sốt, nổi một số u cục trên da. Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện kết hợp với Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh và UBND xã Yên Lộc trực tiếp xuống kiểm tra, xác minh. Kết quả kiểm tra đàn bò nhà ông Nguyễn Đức Tời có 03 con Bò Sinh sản đã nuôi được 7 năm (trong đó có 1 con ốm đang chửa), bắt đầu có hiện tượng ốm từ ngày 06/3/2021. Bò ốm có triệu chứng: chậm, ăn ít, trên da có nổi nhiều u, cục. Các ngành chức năng đã lấy 01 mẫu máu gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương để xét nghiệm bệnh Viêm da nổi cục. Đến ngày 10/3/2021 nhận được phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 1813/CĐ-XN của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương xác nhận 01/01 mẫu dương tính với bệnh Viêm da nổi cục. Đến nay, bệnh Viêm da nổi cục trên Trâu, Bò đã xuất hiện tại 6 hộ chăn nuôi thuộc 3 xã Yên Lộc, Lai Thành và Tân Thành với tổng số 9 con mắc bệnh viêm da nổi cục.

 

Theo cơ quan chuyên môn, bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra trên trâu, bò và không lây bệnh sang người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt, tiếp xúc giữa gia súc mắc bệnh và gia súc khỏe mạnh, bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung khu vực ăn uống; thời gian ủ bệnh trung bình 4-14 ngày. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 – 20% và tỷ lệ chết khoảng 1-5%.

 

Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh.

Đồng chí Trần Anh Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện kết luận hội nghị

 

Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Anh Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu trên địa bàn; tiến hành ký cam kết với 100% hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực chăn nuôi; sử dụng thuốc diệt côn trùng ruồi, muỗi, ve, mòng; chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên Trâu, Bò trên hệ thống Đài truyền thanh để người chăn nuôi hiểu và chủ động, thường xuyên thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.

 

Đối với địa phương đã có gia súc có biểu hiện của bệnh, kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Viêm da nổi cục cần: Cách ly toàn bộ gia súc chưa có biểu hiện của bệnh Viêm da nổi cục; tuyệt đối không để các hộ chăn nuôi chăn thả gia súc ra ngoài khu vực chăn nuôi. Tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng liên tục trong vòng 03 tuần tại các hộ chăn nuôi có gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh. Đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh. Thành lập đội kiểm soát lưu động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vận chuyển gia súc ra, vào các xã có dịch.  Rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu trên địa bàn; trong đó lưu ý, ghi rõ thông tin tình trạng gia súc khỏe mạnh, gia súc có biểu hiện bị bệnh, thời gian xuất hiện các triệu chứng của bệnh, tình trạng xuất bán, giết mổ, vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn xã. Ký cam kết với các hộ chăn nuôi không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường và ký cam kết với các hộ giết mổ gia súc, các hộ buôn bán thịt gia súc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của huyện, các phòng chuyên môn và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện việc phòng, chống dịch theo quy định, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

 

Tại hội nghị cũng triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân – Hè năm 2021. Theo đó, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện sẽ tiếp nhận vắc xin và tiến hành tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm từ 23/3/2021 – 10/5/2021.

 

Nguyễn Chinh

 

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126105

Trực tuyến: 200

Hôm nay: 1388