Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Kim Sơn tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Thứ tư, 07/09/2022 620 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo cấy 8.033,4 ha lúa. Do điều tiết nước hợp lý, chăm bón và phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên lúa mùa sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, lúa mùa trung đang ở giai đoạn phân hóa đòng, lúa mùa muộn đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh. Tuy nhiên thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh đang phát sinh gây hại cho lúa mùa, hiện các địa phương trên địa bàn huyện tập trung phòng trừ sâu bệnh, nhằm hạn chế sự lây lan ra diện rộng, bảo vệ lúa sinh trưởng, phát triển kịp thời vụ.

 

Theo dự báo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và kết quả kiểm tra thực tế đồng ruộng, các trà lúa mùa xuất hiện các đối tượng sâu, bệnh gây hại cần phải tập trung phòng trừ khi tới ngưỡng đó là: Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5 gây hại rải rác, mật độ rầy trên đồng ruộng phổ biến 300-400 con/m2, nơi cao từ 700 -1.000 con/m2; cá biệt 1.500 con/m2. Rầy cám lứa 6 nở rộ từ ngày 01- 08/9, gây hại rộng trên các diện tích lúa ở hầu hết các Hợp tác xã trong huyện, nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời, rầy sẽ làm đỏ lúa, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa hoặc gây cháy ổ từ sau ngày 15/9/2022 trở đi. Cùng với rầy nâu, rầy lưng trắng, trên đồng ruộng đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ. Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đang rộ, mật độ trung bình từ 1-2 con/m2; nơi cao từ 3-5 con/m2; cá biệt từ 7-10 con/m2, trứng sâu cuốn lá nhỏ mật độ hiện tại là 25 quả/m2, nơi cao từ 35-50 quả/m2; cá biệt > 180-250 quả/m2. Sâu non nở rộ từ ngày 03/9- 10/9 và gây hại rộng, nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời, nhiều diện tích bị hại nặng sẽ làm sơ, trắng bộ lá ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa. Ngoài ra, tại thời điểm này còn có chuột, bệnh khô vằn tiếp tục hại trên các trà lúa mùa, bệnh lùn sọc đen xuất hiện và gây hại rải rác.

Nông dân HTX nông nghiệp Trì Chính (xã Kim Chính) tập trung phun phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh

 

Để bảo vệ sản xuất vụ mùa, ngày 31/8/2022 UBND huyện đã ban hành công văn 2111/UBND-NNPTTNT về việc tập trung phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa, yêu cầu các xã, các HTX nông nghiệp tập trung thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc lúa. Công ty Khai thác Công trình thủy lợi, các HTX nông nghiệp điều tiết nước hợp lý, tạo điều kiện cho cây lúa làm đòng, trỗ bông. Cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện kết hợp với các Hợp tác xã nông nghiệp xuống địa bàn kiểm tra đồng ruộng và hướng dẫn nông dân theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến đối tượng dịch hại, phân rõ các trà lúa để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi tới "ngưỡng", theo phương châm “4 đúng” đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh phun thuốc BVTV tràn lan, lãng phí, gây ô nhiễm môi trường.

 

Hiện, lúa mùa trung đang ở giai đoạn phân hóa đòng, lúa mùa muộn đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh, việc phòng trừ sâu bệnh thời điểm này là yếu tố quan trọng để đảm bảo năng suất chất lượng lúa, nhất là trà mùa trung đang ở giai đoạn phân hóa đòng- đây là thời điểm quan trọng và cần thiết cho việc phun phòng trừ các đối sâu bệnh hại lúa để bảo vệ bộ lá đòng, lá công năng giúp lúa có năng suất, chất lượng tốt. Do đó, huyện chỉ đạo các địa phương theo dõi diễn biến sâu bệnh, tập trung nhân lực, vật lực tập trung phun phòng trừ các đối tượng sâu bệnh, đảm bảo phun phòng trừ có hiệu quả ngay từ khi sâu bệnh phát sinh, quyết tâm không để lây lan ra diện rộng.

 

Theo đó, đối với rầy nâu, rầy lưng trắng phun trừ trên những ruộng có mật độ ≥ 1.500 con/m2, khi rầy tuổi 2 rộ, thời gian phun trừ từ 03 - 08/9/2022 bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Cyo Super 200WP; Victory 585EC; Chess 50WG; Schezgold 500WG; Sieuray 250WP; Prochess 250WP;…Đối với sâu cuốn lá nhỏ tiến hành phun trừ trên những ruộng có mật độ sâu ³ 20 con/m2, khi sâu non tuổi 2 rộ, thời gian phun trừ từ 06 - 10/9/2022 bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Ammate 150EC; Clever 150SC, 300WG; Virtako 40WG; Obaone 95WG; Voliam Targo 063SC;...Những ruộng có mật độ sâu ³ 200 con/m2 phải tiến hành phun trừ 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 4 - 5 ngày. Căn cứ tình hình cụ thể, bà con nông dân có thể kết hợp phun trừ các loại rầy và sâu cuốn lá nhỏ, khi kết hợp các loại thuốc vẫn phải đảm bảo đủ lượng thuốc, lượng nước trên một đơn vị diện tích lúa.

 

Cùng với việc tập trung phun phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại lúa mùa, các địa phương, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng chú trọng thực hiện điều tiết nước hợp lý, đảm bảo đủ nước cho cây lúa làm đòng và phục vụ công tác phòng trừ sâu bệnh. Khuyến cáo nông dân đánh bắt chuột bằng các biện pháp thủ công như đào bắt, hun khói, đặt các loại bẫy…thường xuyên, liên tục và đồng loạt, tuyệt đối không đánh chuột bằng kích điện và điện lưới. Đồng thời, hướng dẫn nông dân bón phân cân đối, đúng kỹ thuật tạo điều kiện cho cây lúa khoẻ nhằm tăng khả năng chống chịu các đối tượng dịch hại.

 

Nguyễn Chinh

 

 

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814222

Trực tuyến: 193

Hôm nay: 1564

W88 113.80 - https://139.99.113.80/