Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Kim Sơn: Tập trung phát triển nghề nuôi trồng thủy sản

Thứ ba, 17/04/2018 2222 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )
Với đường bờ biển dài 15 km, Kim Sơn là địa phương duy nhất của tỉnh giáp biển. Phát huy lợi thế đó, với tư duy sáng tạo, đổi mới để thích nghi với điều kiện tự nhiên, người dân nơi đây đã phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản. Suốt chặng đường 25 năm từ khi tái lập tỉnh, nhân dân huyện Kim Sơn với đức tính cần cù, chịu khó đã thành công trong việc nắm bắt kỹ thuật thâm canh, dần mở rộng diện tích nuôi trồng để tăng sản lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế... Cũng nhờ nuôi trồng thủy sản mà diện mạo nông thôn nơi đây đã khởi sắc, người dân có thu nhập ổn định, cuộc sống ngày càng ấm no.
 
 

Tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Kim Sơn. 
 
Năm 1992, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Kim Sơn là hơn 3.400 ha. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích này lại nuôi các giống thủy sản nước ngọt. Các xã ven biển như Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung cũng mới được thành lập nên cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, dân cư thưa thớt, nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ chưa phát triển.
Tuy nhiên, bằng ý chí quyết tâm, với tinh thần đoàn kết, vượt khó, người dân nơi đây đã quai đê lấn biển, cải tạo đất hoang thành các ao đầm nuôi trồng thủy sản như hiện nay. Đến nay, diện tích nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, nước lợ của huyện là hơn 4.000 ha, trong đó, nước lợ là 3.115 ha được chia thành 3 vùng: vùng trong đê Bình Minh 2 là 1.062 ha (gồm các xã Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung và các đơn vị quân đội), vùng ngoài đê Bình Minh, đến đê Bình Minh 3 rộng 1.002 ha, vùng ngoài đê Bình Minh 3 đến Cồn Nổi trên 1.000 ha; riêng diện tích nuôi ngao tại khu vực Cồn Nổi trên 200 ha. Chỉ tính riêng năm 2016, tổng sản lượng thuỷ hải sản của huyện đạt 23.600 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng là 19.000 tấn; sản lượng khai thác đạt 4.600 tấn. 
Sản lượng thủy sản năm 2016 gấp hơn 12 lần so với năm 1992, riêng sản lượng thủy sản nuôi trồng gấp trên 25 lần. Trên địa bàn huyện còn xuất hiện nhiều mô hình, cơ sở sản xuất, nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản đem lại hiệu quả kinh tế cao, doanh thu đạt từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt trong 3 năm gần đây, mô hình nuôi trồng, khai thác ngao khu vực Cồn Nổi khá phát triển, một ha cho doanh thu trên 500 triệu đồng/năm. Có thể nói, ngao Kim Sơn đang dần trở thành thương hiệu trên thị trường trong nước, mang lại nguồn lợi khá cao cho nhân dân.
Tuy có sự phát triển nhanh chóng về quy mô, sản lượng nuôi trồng thủy sản song đây không phải là ngành nghề “mùa vụ”. Chính quyền các cấp luôn xác định đây phải là hướng phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững. Trong những năm qua, huyện Kim Sơn đã và đang được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư xây cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản ven biển theo hướng kiên cố, hiện đại. 
Từ năm 2007 đến hết năm 2016, tổng mức đầu tư cho việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn khoảng gần 30 nghìn tỷ đồng. Một số công trình khi đưa vào sử dụng mang lại lợi ích cho nhân dân, đó là đê chắn sóng Bình Minh 1,2,3, rồi dự án thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. 
Vì thế, nông dân ven biển Kim Sơn không còn lo sóng biển đánh vào các đầm nuôi thuỷ sản khi mùa mưa bão. Đến nay, 3 xã ven biển gồm Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải đã chuyển đổi hoàn toàn đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển huyện Kim Sơn đến năm 2020, định hướng đến 2030 cũng sẽ góp phần quan trọng cho định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trong tương lai. Theo đó, sẽ phân chia rõ rệt các tiểu vùng kinh tế, riêng về nuôi trồng thủy sản sẽ có tiểu vùng 2 và tiểu vùng 4. Tiểu vùng 2 gồm các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải với diện tích gần 1.900 ha, phát triển nuôi trồng thủy sản với đối tượng nuôi chính là tôm sú, cua rèm, mở rộng mô hình cá mú, cá chẽm, cá rô phi đơn tính… 
Đối với khu nuôi tôm công nghiệp Kim Trung sẽ tập trung khôi phục cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào đầu tư nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, trước mắt là mô hình tôm thẻ chân trắng… Tiểu vùng 4 là vùng từ đê Bình Minh 3 ra vùng Cồn Nổi, diện tích khoảng 2.800 ha sẽ đẩy mạnh trồng rừng, nuôi ngao, khai thác hải sản tự nhiên.
Như vậy, nuôi trồng thủy sản thực sự đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân huyện Kim Sơn. Sau 25 năm, ngoài mở rộng diện tích nuôi trồng, người dân còn phát triển canh tác thêm nhiều con giống khác nhau, giúp đa dang hóa sản phẩm thủy sản. 
Với những giải pháp cụ thể trong việc quy hoạch vùng nuôi trồng cũng như sự quan tâm của các cấp, các ngành, tin rằng nuôi trồng thủy sản ở Kim Sơn sẽ còn phát triển hơn nữa, khai thác được tối đa lợi thế vùng ven biển.

Theo baoninhbinh.org.vn 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126219

Trực tuyến: 201

Hôm nay: 1502