Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Kim Sơn: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động dạy nghề

Thứ năm, 26/09/2024 365 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 5 điểm ( 1 đánh giá )

Với quan điểm "Cho cần câu hơn xâu cá", thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện Kim Sơn đã tích cực vào cuộc nhằm làm thay đổi nhận thức về công tác dạy nghề, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Kim Sơn: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động dạy nghề

Công ty TNHH NAM&CO LONDON, Cụm công nghiệp Đồng Hướng, xã Đồng Hướng (Kim Sơn) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Minh Quang

Doanh nghiệp chiếu cói An Bình, xã Hùng Tiến (Kim Sơn) được thành lập từ năm 2016. Mỗi năm, doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 2 nghìn sản phẩm, chủ yếu sang thị trường Mỹ, mang về doanh thu khoảng 50 tỷ đồng. Hiện nay, Doanh nghiệp có 40 lao động thường xuyên, làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp với mức lương từ 5-7 triệu đồng/ người/tháng. Ngoài ra, Doanh nghiệp còn có lực lượng lao động vệ tinh khá đông đảo ở nhiều địa phương trong huyện, nếu làm chăm chỉ, các hộ làm nghề có thể đạt mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng. 

Anh Bùi Thanh Bình, Giám đốc Doanh nghiệp chiếu cói An Bình cho biết: Để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, không có cách nào khác, doanh nghiệp phải tích cực thay đổi mẫu mã, sáng tạo các sản phẩm mới. Vì vậy, người lao động không chỉ lành nghề mà cũng phải tích cực học hỏi nâng cao kỹ thuật, tay nghề. Doanh nghiệp chiếu cói An Bình là một trong 3 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công xuất khẩu hoạt động rất hiệu quả ở xã Hùng Tiến. Các doanh nghiệp đã tạo việc làm, thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động nông thôn, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Hiện nay, toàn xã có trên 35% dân số làm nghề đan cói, bèo bồng. Trong đó, tập trung chủ yếu ở xóm 5 và xóm 13. Đồng chí Lưu Văn 

Đông, Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến cho biết: Để tạo việc làm cho người lao động, xã luôn tạo điều kiện, khuyến khích phát triển nghề thủ công trên địa bàn như: đan cói, bèo; khai thác các nguồn hàng từ các doanh nghiệp ở trong và ngoài xã để tạo việc làm cho người dân. Duy trì phát triển tốt nghề tiểu thủ công nghiệp như mộc dân dụng; nghề chế biến lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng... Năm 2023, Nghề cói xã Hùng Tiến được UBND tỉnh quyết định công nhận là nghề truyền thống. Tinh hoa của nghề truyền thống có được gìn giữ và phát huy hay không phụ thuộc vào tay nghề của người lao động. Vì vậy, địa phương đã tích cực huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, của chính người lao động về tầm quan trọng của việc học nghề; nâng cao kỹ năng tay nghề. 

Những năm qua, huyện Kim Sơn luôn xác định công tác đào tạo nghề là giải pháp quan trọng, then chốt nhằm tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tếxã hội của địa phương và là "chìa khóa" để tạo việc làm, thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, huyện đã tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao" (Chỉ thị số 37), huyện Kim Sơn xác định đây là lực đẩy đưa công tác đào tạo nghề có bước phát triển mới.

Theo đó, huyện đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt, triển khai học tập các nội dung của Chỉ thị, đảm bảo nghiêm túc, đúng thời gian quy định. Qua học tập, cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ hơn chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. 

Huyện ủy Kim Sơn đã chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở địa phương. Năm 2017, thực hiện sáp nhập Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ việc làm huyện và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Kim Sơn. 

Huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề, nhất là các điều kiện liên kết với các trường nghề ở trong và ngoài tỉnh để đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Các cơ sở GDNN chủ động đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực; chủ động liên kết với các trường đào tạo nghề có uy tín trong và ngoài tỉnh như: Trường Cao đẳng Lilama 1, Trường Cao đẳng Cơ giới; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bảo đảm đủ số lượng và cân đối về cơ cấu giữa đào tạo và sử dụng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cho cán bộ, giáo viên; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo trình độ đào tạo, tiến tới tất cả giáo viên của Trung tâm GDNN-GDTX huyện phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm tốt; khuyến khích nghệ nhân ở xã, thị trấn tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực có tay nghề cao trong truyền dạy nghề truyền thống tại địa phương như nghề mộc dân dụng, nghề thủ công chiếu cói... 

Cơ sở GDNN của huyện cũng đã chủ động liên kết, hợp tác với các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm trao đổi học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, trình độ ngoại ngữ và kỹ năng hội nhập... trong lĩnh vực GDNN để nâng cao chất lượng đào tạo. 

Hàng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác thu thập, lưu trữ và tổng hợp thông tin thị trường lao động, đồng thời quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao gắn với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương; tạo môi trường thuận lợi để thu hút các tổ chức quốc tế hỗ trợ đầu tư phát triển GDNN. 

Các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn huyện đã lựa chọn những nghề phù hợp với trình độ người học và thị trường, nhờ đó học nghề đã thực sự trở thành "cứu cánh" cho những đối tượng là người có thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất hoặc muốn chuyển đổi ngành nghề phù hợp… 

Từ năm 2014-2024, huyện Kim Sơn đã tổ chức 46 lớp dạy nghề cho trên 1.400 lượt học viên, với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 95%. Không chỉ làm tốt công tác đào tạo nghề, huyện Kim Sơn còn đẩy mạnh thu hút đầu tư, qua đó tạo cơ hội việc làm cho lao động địa phương. Hiện nay, toàn huyện có trên 300 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Trung bình mỗi năm có gần 2.500 lao động tìm được việc làm mới. 

Năm 2023, toàn huyện đưa 446 lao động đi xuất khẩu, vượt chỉ tiêu được giao. Đặc biệt, trong số lao động đi xuất khẩu, có nhiều lao động đã tham gia vào các thị trường lao động chất lượng cao.

Nguồn Báo Ninh Bình

Góp ý của nhân dân
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126631

Trực tuyến: 191

Hôm nay: 1914