Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ sáu, 29/03/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Kim Sơn tăng cường quản lý, bảo vệ các loài chim cư trú

Thứ ba, 30/11/2021 476 lượt xem

Kim Sơn là đất mở, ra đời từ công cuộc khẩn hoang vùng bãi biển đầy lau sậy và sú vẹt dưới sự tổ chức và điều hành của Doanh Điền sứ Nguyễn Công Trứ năm Kỷ Tỵ (1829), hàng năm được bồi tụ tiến ra biển từ 80 - 100m. Nơi đây có hơn 18km bờ biển, với những đầm lầy, cánh rừng ngập mặn trải dài, bãi bồi, cửa sông…đã hội tụ hơn 500 loài động, thực vật thủy sinh, hơn 50 loài cây ngập mặn và là “bến đỗ” của 200 loài chim cư trú, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới. Với thực trạng các loài chim cư trú tại các cánh rừng ngập mặn đang bị đe dọa bởi nạn săn bắt, huyện Kim Sơn đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ các loài chim cư trú.

 

Được thiên nhiên ưu đãi, vùng ven biển Kim Sơn một phần nằm trong vùng sinh thái các tỉnh đồng bằng sông Hồng rộng lớn, trù phú, sinh động với diện tích trên 100.000ha, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Với hệ sinh thái, đa dạng sinh học đã đưa vùng ven biển Kim Sơn trở thành bộ phận quan trọng, là vùng đệm và vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng. Những cánh rừng ngập mặn trải dài, những đầm lầy, bãi bồi và dải cát dọc theo các cửa sông của Kim Sơn là bến đỗ và là nơi cư trú của 200 loài chim cư trú, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới.

 

Các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi bẫy, bắt chim hoang dã trái phép trên địa bàn

 

Ngày nay, nơi cư trú của các loài chim đang bị đe dọa bởi nguy cơ mất môi trường sống, đặc biệt nhiều khu rừng, bãi cỏ đã biến mất bởi sự gia tăng dân số thúc đẩy mạnh việc lấn chiếm đất nông nghiệp và đất xây dựng. Bên cạnh đó, nhu cầu và sở thích ăn thịt các loài chim hoang dã dẫn đến tình trạng săn bắn tận diệt, các loài chim hoang dã và chim di cư. Các hình thức bẫy, bắt chim chủ yếu được sử dụng là bẫy mồi bắt chim, giăng lưới, phát loa giả tiếng gọi chim, rải những con cò giả được làm bằng xốp hoặc buộc chân cò, vạc thật và các các dụng cụ khác để bẫy chim…Điều này đe dọa nguy cơ tuyệt chủng của các loài chim và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, môi trường sinh thái.

Giăng lưới bắt chim đe dọa nguy cơ tuyệt chủng của các loài chim và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, môi trường sinh thái

 

Trước thực trạng trên, huyện Kim Sơn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ các loài chim cư trú. Theo đó, UBND các huyện chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, chim hoang dã trên địa bàn huyện. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trong việc bảo vệ các loài loài chim hoang dã, chim cư trú. Đặc biệt là các xã vùng ven biển tuyên truyền nhân dân vừa phát triển kinh tế nuôi trồng thuỷ sản, vừa bảo vệ và đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn, tạo môi trường đa dạng cho nhiều loại thuỷ sinh, tạo giống tôm, cua, cá, cũng như các loại chim, cò về sinh sống…Đồng thời, triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, tàng trữ, sử dụng, nuôi nhốt, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo các loài động vật hoang dã, các loài chim hoang dã, chim cư trú.

Người dân trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, tàng trữ, sử dụng, nuôi nhốt, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo các loài động vật hoang dã, các loài chim hoang dã, chim cư trú (Ảnh ST)

 

Bên cạnh đó, các phòng, đơn vị chức năng phối hợp Hạt Kiểm lâm, Đồn Biên phòng Kim Sơn, lực lượng công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, truy quét, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã, chim di cư trái pháp luật; tịch thu, phá dỡ, tiêu hủy và xử lý các bẫy lưới giăng và các dụng cụ để săn, bẫy, bắt chim tự nhiên di cư đang tồn tại. Tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh đối với việc sử dụng, tiêu thụ các loài chim hoang dã, chim di cư có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các đàn gia súc, gia cầm của người dân.

 

Hạt Kiểm lâm huyện phân công cán bộ thường xuyên bám sát địa bàn xử lý, thu gom dụng cụ, lưới bắt chim và kiên quyết không để xảy ra tình trạng giăng lưới bẫy bắt chim trên các cánh đồng, bãi bồi ven biển, khu vực rừng ngập mặn hoặc mua bán, vận chuyển chim hoang dã trên các tuyến đường, tuyến phố. Kiểm tra, kiểm soát hoạt động săn bắn, bẫy, bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép các loài chim hoang dã trong mùa di cư và xử lý nghiêm hành vi vận chuyển, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại.

 

Một biện pháp quan trọng trong việc bảo vệ các loài chim cư trú, chim hoang dã đó là việc đảm bảo môi trường sống cho các loài chim. Theo đó, huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương ven biển, các chủ rừng tăng cường tuyền truyền  thực hiện tốt tác quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển, tăng cường “trồng cây, gây rừng” để tạo môi trường sinh thái và là “bến đỗ” an toàn cho các loài chim cư trú, di trú.

 

Nguyễn Chinh

 

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1352660

Trực tuyến: 66

Hôm nay: 1852