Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Kim Sơn tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát

Thứ sáu, 03/12/2021 272 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sau một thời gian dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, người chăn nuôi trên địa bàn huyện đã đầu tư tái đàn để phát triển kinh tế và đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm cho thị trường, thế nhưng từ đầu tháng 10 đến nay dịch tái bùng phát mạnh với tốc độ lây lan nhanh. Hiện các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi đã và đang được huyện Kim Sơn triển khai đồng bộ.

 

Theo thống kê, xã Xuân Chính có tổng đàn lợn 2.280 con. Từ đầu tháng 10 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát và lây lanh nhanh đã làm cho trên 50% tổng đàn lợn của xã bị mắc dịch và buộc phải tiêu hủy. Hiện, đây là địa phương có tổng số lợn mắc bệnh cao nhất trên địa bàn huyện, toàn xã có 84 hộ chăn nuôi có lợn bị mắc bệnh, điều này đã khiến cả người dân và chính quyền vô cùng lo lắng, người chăn nuôi rơi vào khó khăn “kép” khi giá lợn hơi hiện đang giảm, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao. Để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan, xã đã tiến hành rà soát, thống kê số lượng các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn; tuyên truyền, yêu cầu người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, không tái đàn, không giấu dịch. Thực hiện công tác tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi nhằm tiêu diệt mầm bệnh và ngăn chặn sự phát sinh, lây lan của dịch bệnh trên đàn GSGC.

Thực hiện tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh và ngăn chặn sự phát sinh, lây lan của dịch bệnh trên đàn GSGC

 

Theo số liệu thống kê của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, tính từ 03/1/2021 đến 02/12/2021, dịch tả lợn Châu Phi đã lan rộng tại 175 hộ chăn nuôi thuộc 17 xã. Tổng số đàn lợn đã tiêu hủy là 2.219 con, khối lượng gần 180.000 kg. Đặc biệt, dịch tái bùng phát mạnh từ 05/10 đến nay tại hơn 100 hộ chăn nuôi. Hiện dịch tả lợn Châu Phi còn đang tái bùng phát mạnh ở diện rộng tại xã Xuân Chính, Chất Bình, Yên Lộc…

 

Cũng theo thống kê của ngành chuyên môn, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại các hộ chăn nuôi thời gian qua chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì chăn nuôi nhỏ lẻ nên các hộ chưa chú trọng xây dựng khu chăn nuôi, đa số chuồng nuôi được đặt ngay cạnh nơi ở, sinh hoạt của gia đình, mầm bệnh tiềm ẩn trên người, trong thực phẩm ăn uống hàng ngày nên rất dễ xâm nhập, lây lan; nguồn thức ăn, nước uống cho vật nuôi cũng chưa được đảm bảo, đây được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát.

 

Ngoài nguyên nhân trên, cơ chế lây truyền bệnh dịch tả lợn Châu Phi khá đa dạng: trong đó có yếu tố của con người tác động như việc vận chuyển lợn và các sản phẩm bệnh, nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác; qua phương tiện vận chuyển; nguồn thức ăn, nguồn nước không đảm bảo; người vào vùng dịch không được khử trùng tiêu độc; qua các loại động vật trung gian truyền nhiễm (côn trùng, chuột, chim…).

 

Trên địa bàn huyện Kim Sơn hiện có trên 60.000 con lợn, trong đó số lợn nái  gần 8.000 con. Tình hình dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát mạnh tại 166 hộ chăn nuôi, chủ yếu là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cơ bản sẽ không ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường cuối năm 2021, cũng như tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022. Tuy nhiên, đây vẫn là thời điểm nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát ra diện rộng ở mức cao vì nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn cho dịp lễ, tết tăng nhanh. Nếu không quyết liệt thực hiện các biện pháp khống chế, để dịch xâm nhập vào các trang trại lớn, người chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng kinh tế nặng nề, bởi ngoài vấn đề dịch bệnh, các hộ chăn nuôi còn đang phải đối mặt với nghịch cảnh giá thức ăn tăng cao trong khi giá lợn hơi đang giảm. Hệ quả tất yếu, số hộ chăn nuôi và trang trại nuôi sẽ bỏ trống ô chuồng, việc khôi phục phát triển chăn nuôi lợn trở lại sẽ khó khăn và kéo dài hơn.

Thực hiện tiêu hủy lợn bị mắc dịch tả lợn Châu Phi đảm bảo đúng quy trình, quy định

 

 Trước thực trạng đó, huyện Kim Sơn tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát, trong đó chú trọng công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh để người chăn nuôi hiểu, chủ động, thường xuyên thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Chỉ đạo các xã tái phát dịch huy động lực lượng, vật tư, phương tiện thực hiện các biện pháp cách ly, giám sát, khống chế dịch bệnh, phối hợp với các ngành chuyên môn thực hiện tiêu hủy số lợn bị mắc bệnh theo đúng quy định. UBND huyện cấp 28 tấn vôi bột, cấp 1.800 lít hóa chất để các xã thực hiện tháng vệ sinh tiêu đốc khử trùng môi trường nhằm tiêu diệt mầm bệnh và ngăn chặn sự phát sinh, lây lan của dịch bệnh trên đàn GSGC đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ sản xuất chăn nuôi, vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật; Tổ giám sát dịch bệnh, tăng cường tuần tra, kiểm soát việc giết mổ, bán chạy lợn bị dịch bệnh, vứt xác lợn chết nơi công cộng, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn. 

Chung tay cùng cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

 

Cùng với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc khoanh vùng, dập dịch, rất cần sự nêu cao trách nhiệm của từng người dân, từng gia đình và của cả cộng đồng trong việc phòng chống, ngăn chặn dịch tả lợn Châu phi. Trong đó thực hiện tốt "5 không" trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đó là: không giấu dịch; không vứt xác lợn ra môi trường; không vận chuyển lợn ốm chết; không giết mổ lợn ốm chết, không rõ nguồn gốc; không cho lợn ăn thức ăn thừa. Các hộ chăn nuôi cần lựa chọn con giống chất lượng, có nguồn gốc và đã qua kiểm dịch, hạn chế nguồn lây lan. Về lâu dài, chăn nuôi hướng đến an toàn sinh học, nhất là chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung để bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch tốt và hiệu quả nhất.

 

Hy vọng rằng với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cấp, các ngành, địa phương, cùng ý thức trách nhiệm của hộ chăn nuôi sẽ ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan ra diện rộng, giảm tối đa thiệt hại cho ngành chăn nuôi, góp phần ổn định và phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn.

 

Nguyễn Chinh

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814239

Trực tuyến: 208

Hôm nay: 1581

W88 113.80 - https://139.99.113.80/