Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Kim Sơn: Khơi dậy những nét tinh hoa của nghệ thuật hát ca trù

Thứ năm, 03/01/2019 1342 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Vừa qua, huyên Kim Sơn khai giảng lớp Truyền dạy Ca Trù tại Đền thờ Doanh điền sứ tướng công Nguyễn Công Trứ. Đây là một trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 190 năm thành lập huyện (5/4/1829 - 5/4/2019) và tri ân công lao của nhà Doanh điền sứ uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ đối với công cuộc  khẩn hoang thành lập huyện.

 

Ca trù còn gọi nôm na là Hát cô đầu, Hát ả đào, Hát nhà trò. Sinh thời, Nguyễn Công Trứ có đóng góp rất lớn với nghệ thuật hát ca trù, Cụ đã có hàng trăm tác phẩm nổi danh để lại cho thế hệ sau như: Ngày tháng thanh nhàn, Kiếp nhân sinh, Chơi xuân kẻo hết, Một ngày là nghĩa…v.v 

 

Việc tổ chức lớp truyền dạy ca trù đã thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo huyện Kim Sơn đối với việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và khơi dậy nghệ thuật hát ca trù ở vùng đất mở - nơi có bàn tay khai hoang mở đất của nhà doanh điền sứ uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ. Qua đó cũng là dịp thể hiện lòng biết ơn đối với người đã có công trong cuôc  khẩn hoang thành lập huyện Kim Sơn 190 năm qua.

 

Lớp truyền dạy ca trù do huyện Kim Sơn tổ chức được chia làm 5 giai đoạn. Với 2 tổ; tổ ca nương và tổ kép đàn. Các nghệ nhân của huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh quê hương của Cụ Nguyễn Công Trứ trực tiếp truyền dạy. Thông qua lớp học, học viên được truyền dạy những kỹ năng cơ bản của nghệ thuật ca trù, cách chơi Đàn đáy, cách sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp, thực hành trên Đàn đáy, trống, phách và thực hành hát Ca trù với bài học vỡ lòng là bài hát nói “Đào hồng, đào tuyết”. Tổ ca nương có 16 học viên, người nhỏ tuổi nhất; 11 tuổi, lớn tuổi nhất; 72 tuổi, mỗi người có hoàn cảnh, cuộc sống khác nhau nhưng đều có chung một niềm yêu thích nghệ thuật và muốn hiểu biết thêm về một loại hình nghệ thuật đang dần bị mai một theo thời gian, bác Vũ Thị Huệ – 60 tuổi, phố Nam Dân, thị trấn Phát Diệm, học viên tổ ca nương cho biết: Tuy tuổi đã cao nhưng với sự yêu thích nghệ thuật nói chung và ca trù nói riêng, tôi đã đăng ký tham gia lớp truyền dạy ca trù, mong rằng khi lớp học kết thúc có thể học được những điều cơ bản của nghệ thuật hát ca trù.

 

 

Học viên được truyền dạy những kỹ năng cơ bản của ca trù

 

Trong ca trù thường có 3 người, trong đó 1 người là ca nương vừa hát nhưng cũng vừa là nghệ nhân sử dụng nhạc cụ gõ (gỗ phách) tựa như chỉ huy dàn nhạc nối giữa trống, đàn và hát; 1 người sử dụng nhạc cụ đàn Đáy - là loại nhạc cụ đặc biệt chỉ có trong ca trù và dụng cụ cuối cùng là trống chầu - dùng cho khán giả, những người đến nghe ca trù am hiểu thường gõ trống để khuyến khích ca nương, kép đàn hát thông qua tiếng trống. Ca trù có những đặc trưng là nếu không được truyền nghề thì không thể nắm bắt được các quy luật, nhịp phách hay những kỹ thuật thanh nhạc, đặc biệt cần sự rèn luyện, chăm chỉ, cần thời gian để hiểu và ngấm để nhớ đủ những kỹ năng đó. Bên cạnh đó, lời thơ cũng là một vấn đề, những lời thơ nổi tiếng, nhất là lời thơ cổ hay dùng chữ Hán nôm thì cần có thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu.

 

Với mong muốn các học viên tham gia lớp học đều có thể nắm bắt được những nét cơ bản nhất trong nghệ thuật hát ca trù, nắm được nhịp trống phách trong làn điệu cơ bản nhất của ca trù là “Hồng hồng, tuyết tuyết”, các nghệ nhân huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã nhiệt tình hướng dẫn và truyền dạy những đặc trưng chính của bộ môn nghệ thuật mang tính bác học này.

 

Đối với tổ kép đàn, các học viên sẽ được học những bước căn bản trong sử dụng đàn đáy và trống chầu, giữ nhịp cùng với ca nương tạo nên một khúc ca hoàn chỉnh, các học viên tổ kép đàn đều là những người hiểu biết về nghệ thuật sử dụng đàn và trống nên việc truyền dạy khá thuận lợi và nghiêm túc tiếp thu.

 

Trong ca trù, bên cạnh thanh nhạc thì khí nhạc cũng hết sức quan trọng và đặc biệt. Khí nhạc gồm: cỗ phách, đàn đáy và trống chầu. Cỗ phách chỉ là một thanh tre hay một mảnh gỗ gọi là bàn phách và hai chiếc dùi gỗ là phách cái và phách con. Gõ hai dùi vào cỗ phách tạo nên tiếng trầm tiếng bổng, tiếng mạnh, tiếng nhẹ, tiếng thấp, tiếng cao, tiếng trong, tiếng đục, tiếng dương, tiếng âm... Người biểu diễn cũng hết sức nhịp nhàng, tay cầm phách cái, phách con, tay đưa lên cao, tay đưa xuống thấp uyển chuyển như múa. Những học viên tham gia lớp truyền dạy đều có 1 tình yêu, niềm say mê với loại hình âm nhạc cổ truyền này và mong muốn góp phần nhỏ bé vào việc gìn giữ nét đẹp của ca trù, Ông Bùi Đức Tăng, xóm 16 Quang Thiện, học viên tổ kép đàn hy vọng sau lớp học, huyện sẽ thành lập câu lạc bộ ca trù để anh chị em đã tham gia học được tập luyện những làn điệu ca trù thành thạo, nhuần nhuyễn hơn, được biểu diễn trong các dịp lễ lớn cũng như vào dịp kỷ niệm ngày mất của Nhà doanh điền sứ Tướng công Nguyễn Công Trứ.

 

Hy vọng sau khi kết thúc lớp học, các học viên sẽ trở thành những hạt nhân tích cực góp phần lan tỏa nghệ thuật hát ca trù trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, huyện sẽ thành lập CLB ca trù để di sản văn hóa phi vật thể quý giá trong kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn và lan tỏa.

 

 Giữa guồng quay hối hả của cuộc sống có biết bao loại hình nghệ thuật, nhưng ta trầm mình, lắng nghe những thanh âm réo rắt của ca trù tựa những nốt trầm sẽ khiến lòng người tĩnh lặng và thanh bình hơn.

 

                                                                Diệu Hoa, Trần Hằng – Đài Truyền thanh huyện

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126395

Trực tuyến: 207

Hôm nay: 1678