Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Kim Sơn huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thứ năm, 09/03/2023 457 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã và đang được các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở tích cực triển khai. Qua đó nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; tạo sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. 

 

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Việc quản lý đất đai rất quan trọng, từ Luật đất đai đầu tiên năm 1987 đến năm 2013 Việt Nam đã có 4 lần ban hành luật mới và 2 lần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế từng giai đoạn phát triển. Gần đây nhất, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, điều đó đặt ra yêu cầu khách quan, cần thiết phải sửa đổi nhằm phát huy đầy đủ, hiệu quả, bền vững nguồn lực đất đai

Công tác quản lý, sử dụng đất đai góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương

 

Theo đó, Dự thảo luật đất đai (sửa đổi) lần này có 16 chương, 236 điều. Đối tượng lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai rộng rãi đối với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện; các cơ quan nhà nước ở địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kim Sơn và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; Các chuyên gia, các nhà khoa học.

 

Nội dung lấy ý kiến toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Lấy ý kiến về một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật, gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; Hộ gia đình sử dụng đất…

 

Bên cạnh đó, có thể đóng góp các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng, cụ thể đối với các tầng lớp nhân dân, tìm hiểu về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, như: Trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; Về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Còn đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác, tập trung nghiên cứu về các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất; Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất; Các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Chế độ sử dụng đất trong các khu công nghiệp.

 

Nhóm đối tượng là các cơ quan nhà Nước ở địa phương; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;  Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm;  Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai…

 

Các chuyên gia, nhà khoa học: phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, trên không; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể.

Các hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo luật đất đai (sửa đổi) từ huyện đến cơ sở được tổ chức nghiêm túc

 

Thời gian lấy ý kiến về Dự thảo luật đất đai (sửa đổi) sẽ kết thúc vào ngày 15/3/2023. Do vậy, việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã và đang được các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở tích cực triển khai. Để thuận tiện cho việc đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật đất đai, huyện Kim Sơn đã triển khai nhiều hình thức lấy ý kiến như: Tổ chức các hội nghị đóng góp ý kiến; các tổ chức, cá nhân có ý kiến đóng góp trực tiếp hoặc bằng văn bản có thể gửi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Sơn, UBND các xã, thị trấn; Góp ý trên cổng thông tin điện tử của UBND huyện Kim Sơn tại địa chỉ: http://Kimson.Ninhbinh.gov.vn; qua hộp thư điện tử của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Sơn tại địa chỉ: tnmtkimson@gmail.com; góp ý trực tiếp thông qua website chính thức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại địa chỉ website: luatdatdai.monre.gov.vn; Góp ý thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng thông tin điện tử của tỉnh; Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường; các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Nhân dân góp ý kiến đối với Dự thảo luật đất đai (sửa đổi) tại trụ sở UBND các xã, thị trấn

 

Sau một thời gian triển khai rộng rãi, nhiều ý kiến của cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện cho rằng: Việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật là minh chứng cho thấy Nhà nước luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; phát huy vai trò, trí tuệ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng pháp luật.

 

Dự thảo Luật Đất đai có nhiều quy định ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Bởi vậy, việc lấy ý kiến sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật theo hướng sát thực, phù hợp, tháo gỡ được các vướng mắc, tồn tại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan và tạo thuận lợi hơn trong việc triển khai thực hiện trong thời gian tới. Hiện, huyện Kim Sơn đang tiếp tục tích cực triển khai và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để huy động trí tuệ, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong huyện tham gia đóng góp hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tạo sự thống nhất và đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. 

 

Nguyễn Chinh

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2125956

Trực tuyến: 102

Hôm nay: 1239