Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 03/07/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Kim Sơn hướng tới nhân rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ

Thứ ba, 17/05/2022 915 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sản xuất lúa hữu cơ là thay đổi từ sử dụng phân bón hóa học sang phân bón hữu cơ với tiêu chuẩn 5 không: Không thuốc diệt cỏ, thuốc BVTV hóa học; không nước tưới ô nhiễm; không chất bảo quản, kích thích tăng trưởng; không giống biến đổi gen và không dư lượng hóa chất độc hại, để tạo ra sản phẩm gạo chất lượng, đảm bảo an toàn, giúp tăng lợi nhuận và giá trị nông sản cho bà con nông dân. Đây là hướng đi mới và tiến tới nhân rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại huyện Kim Sơn.

 

Vụ mùa năm 2021 là vụ đầu tiên huyện Kim Sơn đưa vào gieo cấy thử nghiệm 10 ha lúa nếp cau theo hướng hữu cơ tại HTXNN Đông Thiện (xã Quang Thiện). Bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt về năng suất, chất lượng lúa cũng như những lợi ích về bảo vệ môi trường sinh thái. Mỗi sào lúa hữu cơ bà con nông dân nơi đây thu hoạch được trên 2 tạ, với mức giá từ 1,3 triệu đồng/ tạ lúa tươi, còn đối với lúa nếp sản xuất không theo hướng hữu cơ có giá bán 900.000 – 950.000 đồng/tạ. Những năm gần đây xu hướng tiêu thụ gạo chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ tăng mạnh nên thị trường lúa nếp cau hữu cơ của bà con nông dân HTX Đông Thiện mở rộng, thương lái đến tận ruộng thu mua lúa cho bà con nông dân. Chính vì vậy, đây sẽ là hướng canh tác lâu dài mà nhiều hộ nông dân HTXNN Đông Thiện lựa chọn.

Sản xuất lúa hữu cơ với tiêu chuẩn 5 không

 

Bên cạnh đó, mô hình sản xuất lúa hữu cơ cũng đem lại lợi ích về môi trường và sức khỏe của bà con nông dân. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ áp dụng "5 không": Không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc BVTV hóa học; không tưới nước ô nhiễm; không chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng; không giống biến đổi gen; không dư lượng hóa chất độc hại. Do vậy, đã hạn chế rất nhiều tình trạng vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật vứt bỏ tràn lan trên đồng ruộng, thay vào đó là ý thức chấp hành quy trình chăm sóc lúa bằng phân hữu cơ của người nông dân đã được nâng lên.

 

Sản xuất lúa hữu cơ tại xã Quang Thiện bước đầu cho thấy phù hợp với chủ trương của tỉnh, của huyện cũng như định hướng chung của ngành nông nghiệp hướng tới và được người dân đồng thuận cao. Ông Vũ Văn Tấn – Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Bước sang năm 2022, thực hiện Kết luận số 12-KL/HU ngày 20/12/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 11/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. UBND huyện xây dựng và triển khai thực hiện 2 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ngay từ vụ xuân, đó là mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Cộng Thành (xã Chất Bình), quy mô diện tích 30 ha với 91 hộ tham gia, giống lúa chủ lực là ST25;  Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Thiện (xã Quang Thiện) quy mô diện tích 10 ha với 56 hộ tham gia, giống lúa chủ lực là Hương Bình 9.

 

Để mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đạt hiệu quả cao, UBND huyện yêu cầu UBND xã Chất Bình, Quang Thiện và HTX Dịch vụ nông nghiệp Cộng Thành, Đông Thiện lựa chọn địa điểm, các hộ tham gia mô hình triển khai thực hiện đảm bảo tập trung, gọn vùng, gọn thửa, thuận lợi giao thông và thủy lợi nội đồng. Đồng thời, giao Phòng Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chủ trì triển khai, tổ chức thực hiện mô hình tại HTXNN Cộng Thành và Đông Thiện đảm bảo kịp thời vụ, đúng quy trình quy định về sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; mua phân bón hữu cơ kịp thời cung cấp để bà con nông dân bón lót trước khi đưa mạ xuân xuống đồng gieo cấy và bón thúc theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

Huyện Kim Sơn đưa vào gieo cấy thử nghiệm 10 ha lúa nếp cau theo hướng hữu cơ tại HTXNN Đông Thiện từ năm 2021

 

Ông Hoàng Ngọc Mây – Giám đốc HTXNN Cộng Thành cho biết: Năm nay là năm đầu tiên HTXNN Cộng Thành (xã Chất Bình) thực hiện sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 30 ha lúa xuân, đến thời điểm này lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn một mùa vụ bội thu và sang vụ mùa tới HTX phấn đấu mở rộng diện tích cấy lúa hữu cơ lên 80 ha.

 

Lợi ích từ cấy lúa hữu cơ tạo ra sản phẩm nông sản sạch, cho giá trị kinh tế cao so với canh tác lúa truyền thống, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương và được thị trường tiêu dùng ưa chuộng đã được minh chứng từ thực tế canh tác 10 ha lúa nếp cau theo hướng hữu cơ trong vụ mùa năm ngoái tại HTXNN Đông Thiện. Trong thời gian tới HTX đẩy mạnh tuyên truyền về ưu điểm của sản xuất lúa hữu cơ và mở rộng diện tích lên 30ha trong vụ mùa, ông Trần Văn Thơ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Thiện (xã Quang Thiện) chia sẻ.

 

Việc thực hiện mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ và hướng tới mở rộng diện tích sẽ không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe con người mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm công lao động, nâng cao giá trị cây trồng, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay. Để nhân rộng mô hình, trong thời gian tới huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về lợi ích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ... từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

 

Minh Hằng

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 1814248

Trực tuyến: 195

Hôm nay: 1590

W88 113.80 - https://139.99.113.80/