Trang Thông tin điện tử

Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Kim Sơn

Kim Sơn chủ động PCTT&TKCN năm 2022

Thứ ba, 19/07/2022 422 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Với phương châm “Ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và  hiệu quả" các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, huyện Kim Sơn luôn quan tâm triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

 

Kim Sơn là huyện đồng bằng ven biển, với 15km đường bờ biển theo tuyến đê Bình Minh III cùng hệ thống sông ngòi dày đặc. Ngoài diện tích đất nông nghiệp, huyện còn có diện tích bãi bồi từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi là 7.003 ha, có hệ sinh thái đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản phong phú. Tuy nhiên, hàng năm Kim Sơn cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão biển và lũ trên sông Đáy, sông Càn.

 

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp trong những năm trở lại đây đã làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Gần đây nhất, năm 2017 do ảnh hưởng của cơn bão số 10 kết hợp với nước biển dâng cao gây sạt lở 1.600m kè mái đê biển Bình Minh III, 20 lều chòi phía ngoài đê Bình Minh II bị tốc mái, 65ha diện tích ao đầm nuôi trồng thuỷ sản bị ngập. Tổng thiệt hại ước khoảng trên 20 tỷ đồng; Năm 2018 xảy ra đợt mưa kéo dài từ ngày 13/7 đến ngày 30/7 với tổng lượng mưa đo được trên địa bàn huyện 422mm, kết hợp với các hồ thủy điện xả lũ  gây thiệt hại cho 609,26ha lúa và một số công trình đê điều. Tổng thiệt hại ước khoảng trên 5 tỷ đồng; Năm 2021 xảy ra đợt mưa kéo dài từ ngày 23/7 đến ngày 25/7 đã gây thiệt hại cho diện tích 300ha lúa Mùa. Tổng thiệt hại ước khoảng trên 1 tỷ đồng.

Đoàn kiểm tra tuyến đê Bình Minh IV trước mùa mưa bão

 

Dự báo năm 2022, tình hình thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, các nguy cơ thiên tai có thể xảy ra. Vì vậy, trước mùa mưa bão năm nay, UBND huyện Kim Sơn đã triển khai phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ “Ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện xây dựng cụ thể phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai và các loại hình thiên tai. Triển khai đến các xã, thị trấn trong toàn huyện chủ động ứng phó trong mùa mưa bão để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Trong đó tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của các địa phương, đơn vị; xây dựng các phương án cụ thể sát với tình hình thực tế của các địa phương. Các xã, thị trấn đã chủ động xây dựng phương án PCTT&TKCN theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) với 64 xe tải ≥ 5 tấn, 14 máy đào đất, 28.000 bao tải, 1.500m3 đất, cát, 16.000 cọc tre, 15.500 cây tre, 1.550 cuốc, xẻng và lực lượng xung kích 2.800 người. Ngoài ra, huyện cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các xã chuẩn bị thép, kìm cắt thép, búa tạ, vồ, máy đầm. Công tác chuẩn bị hàng hóa dự trữ như gạo, mì tôm, lương khô, xăng dầu, khí đốt và các nhu yếu phẩm khác; vận động nhân dân có kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết đảm bảo khi có thiên tai xảy ra cũng được quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn chủ động rà soát những điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở, bị ngập úng, lũ lụt để xây dựng phương án bảo vệ, di dời dân, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm khi cần thiết.

Các đơn vị ký kết hiệp đồng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

 

Ngoài các lực lượng phòng chống thiên tai ở cơ sở, huyện cũng tổ chức hiệp đồng với các lực lượng gồm công an, quân đội để ứng cứu kịp thời khi có các tình huống thiên tai xảy ra. Các phương án về chuẩn bị thuốc men, thuốc khử trùng, vệ sinh môi trường, xử lý và phòng chống dịch bệnh sau thiên tai cũng đã được lên kế hoạch cụ thể, chi tiết.

 

Cùng với việc việc chuẩn bị phương án PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”. Ngay từ tháng 4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã tổ chức 5 Đoàn kiểm tra do các đồng chí Trưởng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN Tiểu khu làm Trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra các tuyến đê, kè, cống, công trình phòng chống thiên tai, nhằm rà soát toàn bộ hệ thống đê, kè, cống dưới đê, trạm bơm cũng như việc triển khai phương án phòng chống thiên tai của các xã, thị trấn. Qua kiểm tra, đánh giá, tổng hợp hiện trạng các công trình, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý và có phương án tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống đê điều, các điểm xung yếu đảm bảo an toàn nhất cho mùa mưa bão. Do đó, nhiều công trình, điểm xung yếu đã được gia cố, khắc phục kịp thời ngay trước mùa mưa bão. Đồng thời, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc cũng như đôn đốc các địa phương trong công tác chuẩn bị các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTT trên địa bàn huyện

 

Bên cạnh đó, khi có tình huống thiên tai, bão lũ xảy ra, huyện Kim Sơn kịp thời thông tin, cập nhật tình hình diễn biến, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống thiên tai trên Trang thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh, loa lưu động để nhân dân biết, chủ động phòng, chống nhất là những địa phương ven biển, nhân dân nuôi trồng thủy sản tại các ao đầm, vùng bãi chủ động gia cố ao đầm, sơ tán người, tài sản theo cấp độ rủi ro thiên tai.

 

Trước những diễn biến khó lường, thiên tai tác động tiêu cực ngày càng phức tạp. Việc chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" của chính quyền địa phương, sẽ góp phần quan trọng nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản do thiên tai gây ra.

 

Nguyễn Chinh

Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 2126128

Trực tuyến: 205

Hôm nay: 1411